Người phụ nữ biết đọc ở tuổi 60

Bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi biết đọc những chữ đầu tiên ở tuổi 60? Việc biết đọc đã thay đổi cuộc đời một người như thế nào sau thời gian dài không biết chữ?

Bà Florence bắt đầu biết đọc khi cháu gái mượn sách ở thư viện về

Bạn hãy nghĩ xem mỗi giờ chúng ta tiếp nhận bao nhiêu thông tin dưới dạng chữ viết như qua email, tin nhắn… thật khó tưởng tượng được chúng ta sẽ sống như thế nào trong thời đại ngày nay mà không có những cách giao tiếp như vậy.

Thế nhưng đối với bà Florence Cheptoo – một người sống tại ngôi làng cô lập gần Chesongoch ở Kenya thì mãi tới 60 tuổi, cuộc đời bà mới được sang trang mới.

Con đường biết đọc của bà bắt đầu khi đứa cháu gái mang sách từ trường tiểu học về nhà. Ngôi trường này có một thư viện nhỏ cho mượn sách, thông qua tổ chức từ thiện Book Aid International những cuốn sách từ các nhà xuất bản của Anh đã được phân phát đi.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh của các em học sinh lại không biết đọc và các giáo viên phải bắt đầu các bài học chữ cho người lớn.

Bây giờ bà Florence cho rằng đã cảm nhận là “một phần của những người trong thế giới hiện đại”. Trước đây, bà chưa bao giờ được giúp đỡ để trở thành người biết đọc. Cha mẹ bà muốn bà kết hôn và làm công việc chăn nuôi gia súc nên bà không có cơ hội học hành.

“Cha mẹ tôi không quan tâm tới nhu cầu giáo dục” – bà nói.

Điều này có nghĩa là bà sẽ không thể ký tên hay đọc bất kỳ văn bản pháp lý nào hoặc kiểm tra xem bà có bị lừa khi được trả các khoản tiền hay không.

Lớp học chữ cho người lớn đi vào hoạt động sau khi thư viện được mở ra 

Giờ đây, bà Florence đã bắt đầu đọc và liệt kê những khác biệt thực tế trong cuộc đời bà kể từ khi biết chữ.

Bà có thể đọc được thông tin trên đơn thuốc được kê, có thể nhìn vào tờ báo và biết về thế giới bên ngoài và tự chịu trách nhiệm về giấy tờ của mình.

Có những thứ bà đặc biệt thích như đọc truyện lần đầu tiên, nhận thư từ gia đình của mình và có thể tự mình đọc kinh thánh.

Thế giới của những tấm bản đồ đã mở ra: “Tôi thích thú khi biết những nơi khác của đất nước nằm ở vị trí nào” – bà nói. Bà cũng đã được tiếp cận những cuốn sách nông nghiệp “để tôi có thể học cách làm”.

Giờ đây khi các cháu nhận được kết quả học tập, bà có thể đọc để biết chúng tiến bộ như thế nào.

Bà Florence nói việc biết chữ giúp bà thêm tự tin, bà cảm thấy có nhiều kiến thức hơn và đưa được ý kiến của mình ra cùng với mọi người, cho dù những người đó biết chữ hay không.

Bà Florence không phải là người già nhất trong lớp học chữ dành cho người lớn. Ở đây đã từng có một ông lão ngoài 80 tuổi. Mắt ông không còn tốt lắm và ông không thực sự cho rằng mình sẽ là người biết đọc nhưng ông nói với các giáo viên rằng ông muốn có mặt ở lớp để gửi thông điệp cho cả làng rằng việc học tập rất quan trọng.

Bà Florence cho biết việc học đọc đã giúp bà làm chủ cuộc sống của mình nhiều hơn 

Tổ chức The Book Aid International phân phát miễn phí một triệu cuốn sách mỗi năm và đào tạo thủ thư, nhân sự giảng dạy. Hầu hết những cuốn sách đều đến các dự án ở châu Phi và chia sẻ cho các thư viện tại đây.

Cô Emma Taylor của tổ chức Book Aid International đã thăm nơi bà Florence đang học tập, cô nói rằng ở đây có một nhu cầu lớn về học tập nên thư viện sẽ hỗ trợ việc này.

Emma  nói rằng chứng kiến mọi người đọc sách lần đầu tiên quả là “một trải nghiệm tuyệt vời” và việc lập thư viện ở những cộng đồng nghèo là một việc rất cần thiết.

Ở những khu ổ chuột ở Nairobi, Kenya, các thư viện đã trở thành nơi an toàn cho những người trẻ tuổi. Nơi đây họ cảm thấy được bảo vệ và có thể bắt đầu khám phá những cuốn sách giúp mở mang trí óc.

Hải Yến
Theo BBC

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/nguoi-phu-nu-biet-doc-o-tuoi-60-3803736-d.html