Người phụ nữ suốt 23 năm gặp khó khăn khi mở miệng nói chuyện và ăn uống

'Cơm thì lấy muỗng nhỏ đút, thịt thì dùng tay đẩy vô miệng qua khe hở của chiếc răng cửa bị gãy, vợ không nhai được, chỉ nuốt chửng thôi. Muốn nói gì phải gồng lên mới nói ra thành tiếng, thương lắm!', chồng của chị Trần Thị Thu Thủy (47 tuổi, ngụ TP.HCM) chia sẻ.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau

Chị Thủy vẫn nhớ như in cái ngày định mệnh 8/3/2000. Vì mới bị sảy thai nên vào chị hơ than trong phòng tắm cho ấm người. Không may, phòng tắm quá kín, chị hít phải nhiều khí độc và ngất xỉu, cả khuôn mặt áp vào lò than đang nóng rực. Khi người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu thì chị đã bị bỏng rất nặng vùng mặt-cổ bên trái.

Nỗi đau tinh thần vì sảy thai chưa kịp nguôi, chị Thủy lại gánh chịu thêm nỗi đau thể xác từ vụ bỏng nặng. Trải qua hơn 20 ca phẫu thuật lớn nhỏ từ mổ tạo hình, lấy nhãn cầu bên mắt trái, sau đó xương hàm mặt bên trái bị hoại tử, chị phải trải qua nhiều ca mổ để loại bỏ và cắt lọc mô viêm… chị Thủy gần như bị mất hết xương vùng mặt bên trái, cả xương hàm dưới bên trái và bàn tay bên trái cũng bị cắt bỏ. Theo thời gian, các cơ trên mặt bị co rút lại khiến chị không thể há được miệng.

Chị Thủy trải qua hơn 20 lần phẫu thuật điều trị và tạo hình vùng mặt, vùng mặt bên trái bị co rút, dính khớp thái dương hàm hai bên nên không thể há miệng được (Ảnh: NVCC)

Từ một người phụ nữ đang ở tuổi đôi mươi hoạt bát, chị Thủy vô cùng mặc cảm về ngoại hình và bệnh tình của mình.

Nhớ lại những tháng ngày đó, anh Minh, chồng chị Thủy vẫn chưa hết đau lòng. "Cơm thì lấy muỗng nhỏ đút, thịt thì dùng tay đẩy vô miệng qua khe hở của chiếc răng cửa bị gãy, vợ không nhai được, chỉ nuốt chửng thôi. Muốn nói gì phải gồng lên mới nói ra thành tiếng, thương lắm!", anh chia sẻ.

Chạy chữa khắp nơi và những cơn đau buốt lên tận óc…

Với số tiền tiết kiệm và được anh chị em giúp đỡ, vợ chồng chị Thủy đi nhiều bệnh viện, từ Bắc với Nam với hi vọng có thể chữa dứt điểm căn bệnh cứng khít hàm, nhưng các bác sĩ chưa thể đưa ra kế hoạch điều trị cụ thể.

Vì không thể vệ sinh khoang miệng sạch sẽ nên chị Thủy thường xuyên bị đau răng và nhiễm trùng răng. Đau răng chịu không thấu, tháng 12/2023, chị lại tiếp tục tìm bệnh viện chạy chữa. Đã có nơi chỉ định lịch mổ, chị được lên bàn mổ song ca phẫu thuật bị hủy phút chót do không thể tiến hành gây mê nội khí quản cho chị. Cơn đau hành hạ chị buốt lên tận óc khiến hai vợ chồng chị lại tiếp tục tìm kiếm các nơi có thể tiếp nhận điều trị.

Theo giới thiệu của người thân, anh Minh đưa vợ đến khám tại Bệnh viện FV. Hai vợ chồng mừng rơn vì sau khi được bác sĩ Tùng thăm khám và mời thêm chuyên gia hội chẩn, các bác sĩ đồng ý lên phương án phẫu thuật cho chị. "Chỉ cần các bác sĩ đồng ý chữa trị là chúng tôi có hy vọng," anh Minh tâm sự.

TS.BS. Nguyễn Thanh Tùng phụ trách ekip điều trị cho chị Thủy (Ảnh: FV)

TS.BS. Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng khoa Nha & Phẫu thuật Hàm mặt, Bệnh viện FV cho biết, trường hợp của chị Thủy là một ca khó, phải có sự kết hợp của nhiều chuyên khoa từ gây mê nội soi, phẫu thuật tạo hình đến chuyên khoa dinh dưỡng.

"Muốn nhổ được răng sâu thì phải tìm mọi cách mở được khoang miệng cho bệnh nhân. Khi không thể há miệng hơn 20 năm, khớp thái dương hàm không được vận động sinh lý bình thường, dần dần sẽ bị thoái hóa và dính khớp. Riêng với trường hợp ca này, bệnh nhân đã từng trải qua rất nhiều lần mổ cắt xương hoại tử, cắt lọc mô viêm vùng hàm bên trái, kèm với tình trạng khít hàm kéo dài, dẫn đến hình thành cầu xương nối liền với hàm trên và hàm dưới ở vùng răng sau bên trái, sẽ làm cho bệnh nhân ngày càng cứng khít hàm hơn.

Ca phẫu thuật cần trải qua 4 bước, thứ nhất: là cắt tạo hình khớp cách khoảng vùng khớp thái dương hàm hai bên để giải phóng vùng khớp bị dính, sau đó tiến hành chèn vạt cơ thái dương để hạn chế lùi hàm dưới sau cắt tạo hình khớp và hạn chế dính khớp tái phát; thứ hai: là đục và cắt giải phóng cầu xương nối liền hàm trên với hàm dưới ở bên trái; thứ ba: là cắt sửa sẹo, giải phóng sẹo co kéo vùng má, mặt, cổ bên trái; và bước cuối cùng là điều trị răng miệng: như nhổ răng bị đau", bác sĩ Tùng phân tích.

Trường hợp của chị Thủy, gây mê là một thách thức không nhỏ. Vì bệnh nhân không mở được miệng nên gây khó khăn rất nhiều cho bác sĩ khi tiến hành gây mê (do không thể nhìn thấy ống nội khí quản qua đường miệng được). Tại cuộc hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ khoa gây mê đề xuất phương án gây mê qua đường mũi dưới hỗ trợ ống nội soi mềm. Nếu phương pháp này thất bại thì buộc phải mở khí quản ở cổ để gây mê, tuy nhiên đây là phương pháp xâm lấn.

"Chúng tôi đã tính đến trường hợp dùng máy nội soi để hỗ trợ gây mê qua đường mũi, nếu không được thì phải mở khí quản để gây mê. Vì FV là bệnh viện đa khoa nên dễ dàng đề nghị các chuyên khoa khác như tai mũi họng, tiêu hóa có kinh nghiệm dùng máy nội soi để hỗ trợ cho kíp gây mê. Trường hợp này, chúng tôi đã mời bác sĩ Ngô Văn Huy, khoa Tiêu hóa & Gan mật có chuyên môn cao về lĩnh vực nội soi, hỗ trợ thực hiện nội soi dẫn đường để đặt ống gây mê qua đường mũi", bác sĩ Lý Quốc Thịnh – Trưởng khoa Gây mê Hồi sức cho biết.

Việc gây mê qua đường mũi dưới sự phối hợp của các bác sĩ hai chuyên khoa diễn ra suôn sẻ, giúp cho ca phẫu thuật sau đó do ekip của bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng thực hiện đúng như dự tính.Trải qua hơn 6 giờ cân não trong phòng mổ, ca phẫu thuật tách khớp hàm cho chị Thủy đã thành công trong niềm vui của cả ekip, gia đình và bệnh nhân.

Bệnh nhân được sốngmột cuộc đời mới

Tháo băng sau ca mổ, chị Thủy xúc động trào nước mắt khi lần đầu tiên sau hơn 20 năm có thể mở miệng được. Cơ hàm không còn bị đau nhiều khi vận động mở miệng, chị mở miệng phát âm rõ, giọng nói không bị đớt và tuyệt vời hơn nữa là có thể ăn uống dễ dàng.

Khi hỏi, điều chị muốn làm khi trở về nhà, chị Thủy nhoẻn cười: "Tôi muốn được ăn món gì đó ngon thật ngon!". Rồi chị hồ hởi nói kể, những ngày qua đã có thể nhai, nuốt bình thường, cảm nhận được niềm hạnh phúc giản dị là tận hưởng mùi vị của món ăn trên đầu lưỡi – điều mà hơn 20 năm chị không có được.

Chị Thủy mở miệng trò chuyện với bác sĩ sau ca mổ (Ảnh: FV)

Nhìn nụ cười hiện diện trên khuôn mặt của người phụ nữ sau 23 năm là niềm vui khó tả không chỉ của riêng gia đình chị mà của cả đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện FV.

"Hơn 20 năm không há được miệng, giờ mổ xong thấy mình như sống lại cuộc đời thứ 2 vậy đó", chị Thủy bộc bạch trước khi xuất viện.

Yến Lê

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-phu-nu-suot-23-gap-kho-khan-khi-mo-mieng-noi-chuyen-va-an-uong-169240329150551243.htm