Người phụ nữ thuê người chặt tay chân mình: Đóng phí bao nhiêu để hưởng 3,5 tỷ?

Việc chị Lý Thị N thuê người chặt tay chân mình giả hiện trường vụ tai nạn để mong trục lợi bảo hiểm 3,5 tỷ đồng khiến nhiều người rùng mình. Giả sử trót lọt, chị N phải đóng phí thế nào được được hưởng số tiền rất lớn này?

Nói về vụ án rúng động này, chị Nguyễn Thị Mai Hương - tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ Hà Nội (Bảo Việt Hà Nội) đánh giá chị Lý Thị N là người khá am hiểu về bảo hiểm nhân thọ.

Theo phân tích của chị Nguyễn Thị Mai Hương, với tuổi của chị Lý Thị N (SN 1986, xã Xuân Phú, Phúc Thọ, Hà Nội) với các nhà cung cấp bảo hiểm khác nhau, mức bảo hiểm tối đa có thể là 85 lần nhân với phí bảo hiểm mà chị N đóng/năm.

Mức bảo hiểm 3,5 tỷ đồng cho bảo hiểm thương tật toàn bộ, vĩnh viễn mà chị N có ý định trục lợi từ nhà cung cấp sản phẩm bảo hiểm tương đương với mức đóng phí bảo hiểm khoảng từ 40- 50 triệu đồng/năm.

40-50 triệu đồng/năm khách hàng có thể lựa chọn đóng theo phí tháng, phí quý, hoặc phí năm. “Nếu chị Lý Thị N người thuê người khác tự chặt tay chân mình để mong trục lợi bảo hiểm mà chọn đóng phí bảo hiểm theo từng tháng thì số tiền mà chị N đã bỏ ra đóng bảo hiểm đến thời điểm thuê người chặt chân tay là không lớn” - chị Hương nói.

Chị Hương cho biết, tùy từng sản phẩm nhân thọ khác nhau của các nhà cung cấp bảo hiểm khác nhau thì việc bảo hiểm thương tật, toàn bộ, vĩnh viễn do tai nạn là điều khoản riêng, được khách hàng mua kèm với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chính.

Mức phí mà khách hàng phải chi trả cho điều khoản riêng này là rất thấp. Nếu tai nạn xảy ra sau một ngày từ khi nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm xuất hóa đơn là khách hàng đã được chi trả nếu xảy ra tai nạn.

Bản hợp đồng mà chị N viết cho Doãn Văn D núp dưới vỏ bọc gấy nhận nợ. Ảnh: ANTĐ

“Chị N am hiểu về bảo hiểm và có lẽ trước khi có quyết định dại dột người phụ nữ này đã tìm hiểu kỹ lưỡng. Nhưng chị N lại ngây thơ khi nghĩ rằng hành vi của mình không bị phát giác, có thể trục lợi được số tiền lớn mà để lại hậu quả nặng nề cho bản thân. Trước những vụ “tai nạn” bình thường hay nghiêm trọng cần phải có xác minh của cơ quan công an, cơ quan y tế để nhà cung cấp bảo hiểm làm căn cứ chi trả bồi thường cho khách hàng. Vụ “tai nạn” nghiêm trọng này chị Lý Thị N làm sao có thể che mắt cơ quan bảo vệ pháp luật mà trục lợi. Hệ lụy là chị N phải gánh chịu, từ người lành lặn, trở thành người tàn phế vì sự tham lam của chính bản thân”- chị Nguyễn Thị Mai Hương nêu quan điểm.

Chị Lý Thị N trước khi đi đến quyết định đại dột là thuê người chặt tay chân mình với giá 50 triệu đồng, giả làm vụ tai nạn đường sắt để mong trục lợi bảo hiểm nhân thọ với số tiền hàng tỉ đồng, đã nghiên cứu khá kỹ về quy trình giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Không phải ngẫu nhiên mà N chọn địa điểm đường sắt giả hiện trường vụ tai nạn gần cơ quan công an. Thay vì kêu cứu người dân xung quanh, trình báo với cơ quan khác mà Doãn Văn D (người được N thuê chặt tay chân) đến thẳng đồn công an gần đó trình báo. Trong trường hợp này, nếu thiếu trách nhiệm cơ quan công an xác minh cho N là một vụ tai nạn thì có lẽ đến giờ chị N đã trục lợi được số tiền bảo hiểm.

“Chị Lý Thị N khi có quyết định dại dột với chính bản thân mình, mặc dù tính toán tỉ mỉ đến đâu thì người phụ nữ này cũng dại dột khi không biết rằng cơ chế gây vết thương của bánh tàu hỏa đối với vật mà nó đè lên khác với cơ chế gây vết thương của dao sắc chém đứt tay. Chưa cần lời tự thú của Doãn Văn D, bằng tài liệu y khoa, bằng giám định pháp y cũng có đủ căn khẳng định tay, chân chị N không phải do tàu cán phải…”- luật sư Ngụy Thành Thắng - Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích.

Trước đó, vào 0h05 ngày 5/5, CAQ Bắc Từ Liêm nhận được tin báo từ Doãn Văn D. về việc xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt tại khu gian Hà Đông - Phú Diễn thuộc tuyến đường Bắc Hồng - Văn Điển, địa phận phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Nạn nhân bị đứt một bàn tay và một bàn chân.

Sau khi tiếp nhận tin báo, Công an quận Bắc Từ Liêm đã triển khai lực lượng đến hiện trường xác định chị Lý Thị N đang nằm dọc đường ray bên trái đường sắt theo chiều chạy từ Hà Đông về ga Phú Diễn. Chị N bị cụt 1/3 bàn tay trái và 1/3 bàn chân trái, bàn tay và bàn chân đã bị đứt rời, một chiếc dép nằm phía bên trong đường ray. Lực lượng công an đã đưa chị N. đi cấp cứu tại Bệnh viện 19/8.

Tại đây, các bác sỹ đã nối lại bàn tay và bàn chân bị đứt rời cho chị N. Sau 4 ngày điều trị tại Bệnh viện 19/8, chị N xin chuyển viện đến Bệnh viện Việt Đức. Do vết thương đã hoại tử nên bác sỹ Bệnh viện Việt Đức đã phải tháo bỏ phần cơ thể bị đứt rời. Chị Lý Thị N là người dân tộc Tày, quê ở Tuyên Quang, hiện đã lấy chồng, có 2 con và sinh sống tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Trong những ngày chị N nằm điều trị tại Bệnh viện 19/8, điều tra viên thụ lý vụ án đã lấy lời khai tại buồng bệnh và được biết, tối 4/5, chị N. có xin phép chồng về quê ở Tuyên Quang nhưng không được anh này đồng ý. Buồn bã, chị đi lang thang dọc đường sắt từ khu vực phường Xuân Phương về đường 32.

Trời lúc này rất tối và không hề có bóng người qua lại. Chị N. nghe thấy tiếng còi tàu và thấy có ánh đèn rọi sáng. Chị N. đứng lại và cúi mặt xuống nhưng vẫn không thấy tàu chạy qua. Sau đó, chị lại bước tiếp và khi đi được vài bước chân thì bị tàu hút vào nhưng... không biết bị hút vào đâu. Rồi chị thấy... mát ở bàn tay và bàn chân trái, đau nhói và bị hất văng ra, bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, thấy có bóng người, chị N. liền kêu cứu.

Nghi vấn lớn nhất chính là việc chị Lý Thị N. liên tục đề nghị cơ quan công an xác nhận chị tai nạn giao thông đường sắt và xác định tỷ lệ thương tật để được thanh toán tiền bảo hiểm của 3 gói bảo hiểm mà chị đã mua trước đó của 2 công ty bảo hiểm khác nhau.

Điểm thứ hai đó là khi cơ quan CSĐT - CAQ Bắc Từ Liêm phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức khám nghiệm hiện trường, rà soát nhân chứng và khám nghiệm đầu máy cùng các toa tàu chạy qua tuyến đường sắt trên về ga Phú Diễn lúc 24h ngày 4/5, không phát hiện dấu vết máu nào bám lại tại các bánh xe đầu máy, gầm máy và các toa xe.

Hơn nữa, phía dưới đầu máy tiếp xúc với đường ray có thanh kim loại gạt chướng ngại vật, khoảng cách đến đường ray chỉ khoảng 2cm, một hòn sỏi cũng khó lọt qua chứ đừng nói đến tay hoặc chân người. Một điểm nghi vấn nữa, đó là tại kết luận giám định vào ngày 15/7 đã khẳng định thương tích tại vùng tay trái, chân trái của chị N. là do vật sắc gây nên.

Quá trình đấu tranh, chị N thừa nhận đã thuê Doãn Văn D 50 triệu đồng chặt tay chân mình để giả làm vụ tai nạn đường sắt mong trục lợi số tiền bảo hiểm khoảng 3,5 tỷ đồng.

Hà Châu

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/nguoi-phu-nu-thue-nguoi-chat-tay-chan-minh-dong-phi-bao-nhieu-de-huong-35-ty-20160828154920899.htm