Người thầy giáo mang trái tim của biển

Tôi muốn dùng cụm từ này để nói về thầy giáo quân hàm xanh Trần Bình Phục, người 8 năm chống chọi với căn bệnh ung thư máu, nhưng vẫn miệt mài 'truyền lửa' cho các em nhỏ trên đảo Hòn Chuối, tỉnh Cà Mau.

Thầy giáo quân hàm xanh Trần Bình Phục. Ảnh: Hoa Hạ

Thầy giáo quân hàm xanh Trần Bình Phục. Ảnh: Hoa Hạ

Có “duyên” với trẻ em nghèo

Hiền lành với đôi mắt đầy ưu tư, trăn trở là cảm giác đầu tiên khi tôi tiếp xúc với Thượng úy Trần Bình Phục, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn BP Hòn Chuối, BĐBP Cà Mau, tại Lễ gặp mặt, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quân. Ánh mắt ấy đã “buộc” tôi tìm hiểu về anh và phát hiện nhiều điều bất ngờ: Anh chính là một trong hai gương mặt do khán giả chương trình WeChoice Awards bình chọn là “Đại sứ truyền cảm hứng cho giới trẻ năm 2017”, khi xem clip về anh - Người thầy giáo quân hàm xanh suốt 7 năm trời thức khuya, dậy sớm chăm lo hành trang tri thức cho trẻ em đảo Hòn Chuối bằng tất cả trái tim của mình, dù cho căn bệnh ung thư máu luôn rình rập cướp đi mạng sống bất cứ lúc nào.

8 năm trước, khi đang ở độ xuân thì, chàng thanh niên Trần Bình Phục trong một lần vào viện điều trị, được bác sĩ thông báo anh mắc bệnh ung thư máu, do nhiễm phóng xạ. Khó có thể tưởng tượng nổi chàng trai quê Trà Vinh này đã phải chống chọi như thế nào với bệnh tật hiểm nghèo, song chỉ biết rằng, khi bệnh tạm ổn thì cũng là lúc anh viết đơn xin ra công tác tại đảo Hòn Chuối. 6 lá đơn đầy tâm huyết gửi chỉ huy đơn vị mới giúp anh được chuyển công tác ra Đồn BP Hòn Chuối, và đây có lẽ cũng là chữ “duyên” khi anh được tiếp xúc với những đứa trẻ trên đảo.

Những đôi mắt trong veo, ngơ ngác, khuôn mặt lem luốc của trẻ em làng chài đã “chạm” đến miền ký ức sâu thẳm của Trần Bình Phục, khi anh nhớ về tuổi thơ gian khó của mình, về sự hy sinh của ba má để các con không bị thất học. Vậy là tạm quên đi bệnh tật, anh xin chỉ huy đơn vị cho mở lớp học tình thương để dạy chữ cho đám trẻ. Anh bảo: “Con người ta khổ nhất không phải là đói ăn, đói mặc mà là đói tri thức, nhưng bọn trẻ ở đây đói tất cả, vì thế, chỉ có con chữ mới giúp chúng thay đổi tương lai của mình”.

Thế nhưng, mong muốn giúp đám trẻ nghèo có con chữ làm “vốn liếng’ của anh Phục đã bị thẳng thừng từ chối, bởi đối với người dân trên hòn đảo nghèo, “thiếu cái chữ chưa đói, nhưng thiếu ăn thì đói”. Cái lý của người dân Khmer ở Hòn Chuối là vậy, bởi chính vì quá nghèo đói mà họ mới phải dắt díu nhau ra đảo hoang dựng những ngôi nhà tạm bợ trên vách đá, sống trong cảnh không đường, không điện, không nước sạch để mưu sinh bằng nghề đánh bắt hải sản trên biển. Mà ra đảo, cuộc sống của họ cũng đầy tạm bợ khi một năm họ chuyển nhà 2 lần để tránh gió, tránh bão.

Từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, họ sống ở gành Nam để tránh gió chướng và từ tháng 9 đến tháng 3 âm lịch của năm sau, họ lại chuyển sang sống ở gành Đông để tránh gió Tây Nam. Chính cuộc sống du cư dựa vào thiên nhiên, nên người dân trên đảo từ già đến thanh niên chẳng mấy ai biết chữ, chứ đừng nói đến trẻ con, thậm chí có gia đình 4 thế hệ không biết chữ.

Không nản chí, anh Phục lặn lội đến từng nhà để phân tích thiệt hơn, vận động họ cho con em đến lớp học. Bị người dân lánh mặt ở nhà, anh lại tìm đến tận thuyền để vận động. Cái cách vận động của anh có lẽ cũng độc nhất vô nhị. Đó là... chai rượu “cuốc lủi”, bọc “mồi” và người đầu tiên anh tiếp cận cũng chính là người phản đối quyết liệt nhất - ông Ngô Hoàng Anh.

Biết ông Anh thích rượu, anh nhờ một người dân là bạn thân của người đàn ông đó dẫn xuống, mang theo chai rượu làm quen. Khoảng cách được xóa bỏ, mối thân tình được thiết lập khi những lời hơn lẽ thiệt của anh đã thấm vào nếp nghĩ của ông Anh. Chỉ chờ ông Anh gật đầu đồng ý cho con đi học là anh Phục gọi ngay bà vợ ông ra bảo: “Thống nhất rồi ha, ổng đã gật đầu rồi, chị và má phải cam kết cho con đi học ha”.

Vậy là lớp học tình thương của anh Phục ra đời bắt đầu từ cái gật đầu của ông Anh. Ban đầu, lớp học chỉ có 5 học sinh, nằm lặng lẽ dưới tán lá cây trên ngọn núi, với vài cuốn sách giáo khoa, vài chiếc bàn cũ được thầy giáo Phục lặn lội đi xin từ đất liền. 5 học sinh, nhưng ở 5 bậc học, thầy giáo chưa từng đứng lớp, phòng học tạm bợ, nắng thì nóng như đổ lửa, mưa thì cả thầy lẫn trò ướt như chuột lột. Song, thầy trò Thượng úy Trần Bình Phục vẫn cùng nhau vượt qua.

Để cho đến hôm nay, lớp học đã có 22 em theo học, 16 em khác đã vào học cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, thậm chí có em vào đất liền học đại học. Lớp học tạm bợ ngày ấy của thầy giáo Phục bây giờ cũng đã được thay thế bằng ngôi trường khang trang, có đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ việc học của các em nhỏ, do Trung ương Đoàn hỗ trợ kinh phí cùng công sức của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Hòn Chuối và người dân trên đảo.

Con chữ thắp sáng tương lai

Lớp học trò cũ đã “bay đi” để tìm kiếm cơ hội mới, lớp học trò mới cũng bắt đầu đến lớp, nhưng đều đặn mỗi buổi suốt 7 năm qua, hình ảnh thầy giáo quân hàm xanh Trần Bình Phục đi xuống gành đón học trò, rồi anh dắt, cõng các em leo lên 303 bậc thang để tới lớp học đã trở lên quen thuộc đối với người dân trên đảo Hòn Chuối. Và có lẽ chính bởi trái tim ấm áp, đầy bao dung như biển cả mà khi đứng nép bên tấm phên nứa của quán bán quà sáng, chứng kiến cảnh học trò của mình vì đói quá phải thèm thuồng bắt chước cảnh người ta ăn mì tôm sáng, anh Phục đã tự nguyện trở thành “con nợ” của cô chủ quán suốt 7 năm qua để các học sinh không bị đói.

7 năm miệt mài chăm lo cho đám trẻ, niềm vui, niềm hy vọng của thầy giáo Phục về một tương lai tươi sáng cho trẻ em trên đảo Hòn Chuối cũng “sáng dần”, khi người lớn trên đảo cũng đã bắt đầu thấy được sự cần thiết của việc học chữ và chính học trò của anh đang trở thành “thầy, cô giáo” của bố mẹ chúng. Chị Lan, một người dân trên đảo đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc đến hành trình đi tìm con chữ của con mình vẫn rưng rưng nước mắt.

Chị bảo: “Cả đời tôi chưa bao giờ dám hình dung nổi đến một ngày nào đó con mình biết đọc, biết viết, bởi nhà quá nghèo, lấy đâu ra tiền cho con vào đất liền học chữ. Nhưng từ lớp học tình thương của thầy giáo Phục, không chỉ con tôi biết chữ, mà giờ tôi cũng biết tính dợ (tính nhẩm), biết đọc, viết chữ thành thạo, hát được karaoke nữa. Vui lắm”.

Khi tôi hỏi Thượng úy Trần Bình Phục, rằng nhiều người khi biết mình mang bệnh hiểm nghèo đã buông xuôi tất cả, tại sao anh lại giành tâm huyết để giúp những đứa trẻ trên đảo, thậm chí thành con nợ của cô chủ quán gần cổng trường?, anh bảo: “Tôi đến với bọn trẻ chính bởi tôi nhìn thấy hình ảnh của tôi trong chúng và tôi biết, nếu không có tri thức, cuộc sống của chúng sẽ chỉ gói gọn trên hòn đảo nhỏ này. Tôi mong muốn, chừng nào còn sống trên đời, tôi sẽ giúp những trẻ em nghèo trên đảo không chỉ biết con chữ, mà còn biết đạo lý để có thể thay đổi tương lai, để Hòn Chuối bớt nghèo, bớt khổ”.

Hương Mai

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/nguoi-thay-giao-mang-trai-tim-cua-bien/