Người thầy trong căn phòng 8m2 của Ngô Bảo Châu

TP - Thầy giáo Phạm Hùng được nhắc đến trong bài phát biểu của giáo sư Ngô Bảo Châu tại lễ đón anh hôm 29 - 8 kèm theo hình ảnh căn phòng 8m2 lúc nào cũng đầy mùi thuốc bắc. Sau buổi lễ trên, bên cạnh căn phòng 8m2 năm xưa, thầy Hùng đã có cuộc trò chuyện tâm tình cùng Tiền Phong.

Một thời khó quên Thầy Hùng biết Ngô Bảo Châu từ năm 1985, lúc đó Châu còn là học sinh lớp 9 trường Trưng Vương, nghe tiếng thầy Hùng nên tìm đến để học. Năm 1986, Châu đỗ chuyên Toán ĐH Tổng hợp (nay là trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) và được học chính khóa với thầy Hùng. Ngoài giờ học chính khóa, thỉnh thoảng Châu tìm đến nhà thầy Hùng ở 16 Hàng Chuối để hỏi thêm bài. “Kiểu học ngoài giờ thời ấy không giống học thêm theo lịch như bây giờ. Em nào có gì khúc mắc muốn hỏi thầy cứ thế mà đến. Thầy thấy em nào hết giờ học trên lớp còn theo thầy về nhà để hỏi thêm là rất vui”, thầy Hùng nhớ lại. Hồi ấy thầy Hùng 35 tuổi và mới cưới vợ, sống trong căn hộ 8m2 mà thầy đã từng ở từ 3 năm trước. Thầy Hùng quê Nghệ Tĩnh, 16 tuổi (năm 1966) thì xa gia đình để đi học chuyên Toán ĐH Tổng hợp. Đang học dở năm thứ tư, thầy được lệnh tổng động viên, lên đường nhập ngũ. Năm 1974 thầy trở về làm nốt luận văn tốt nghiệp rồi được giữ lại trường, dạy ở khối chuyên Toán. Tám năm đầu của đời nhà giáo, thầy sống cuộc đời ăn nhờ ở đậu. Năm 1982 thầy mới được về ở một mình một chốn trong gian phòng 8m2 (phòng 16m2 ngăn đôi, thầy một nửa, một đồng nghiệp cùng cơ quan khác ở một nửa). Khi cưới vợ thì chiếc giường cưới choán một góc, góc còn lại là không gian đun nấu, ăn uống, làm việc. Khói thuốc bắc nghi ngút cũng tỏa ra từ góc đó. Chỉ vào người đàn ông nhỏ bé gầy guộc trong bức ảnh chụp với đoàn học sinh đi thi toán quốc tế ở CHLB Đức năm 1989 (năm có Ngô Bảo Châu đi thi), thầy Hùng pha trò: “Hồi đó mọi người trêu tôi là bộ xương di động. Sau khi khỏi bệnh dạ dày hình hài tôi mới trở về giống người bình thường”. Hai cách say sưa Có thể xem năm 1965 – thời điểm lớp chuyên Toán đầu tiên được mở - là năm lên ngôi của phong trào học Toán, và đến thời Ngô Bảo Châu là cực thịnh. Hầu hết học sinh giỏi đều mơ về một giấc mơ chuyên Toán. Tuy nhiên, về sự say mê học Toán của học sinh, thầy Hùng cho rằng không hề suy giảm trong suốt 37 năm làm nghề dạy Toán của mình. Thậm chí về sau này xuất hiện nhiều trường hợp say sưa hơi thái quá. Có những học sinh suốt ngày đi học thêm, học hết thầy này đến thầy khác, luyện Toán đến mụ mẫm cả đầu óc. “Nhiều em say sưa học nhưng vì một lợi ích cụ thể trước mắt. Châu và nhiều học sinh khác học là vì ham thích khám phá, các em say sưa một cách vô tư, không quan trọng chuyện được giải hay không được giải. Từ hai cách say sưa này tất yếu dẫn đến hai chiều hướng tư tưởng khác nhau trong con đường lập nghiệp của các em sau này”, thầy Hùng nói. Về hệ thống trường chuyên, thầy Hùng thẳng thắn, với một người năng khiếu vượt trội bẩm sinh như Ngô Bảo Châu thì dù không học trong hệ thống trường phổ thông tốt nhất ở Việt Nam, Châu vẫn đi tới đỉnh cao trí tuệ khi trưởng thành trong một môi trường nghiên cứu tốt bậc nhất thế giới. Nhưng về cơ bản trường chuyên vẫn là một môi trường tốt để nuôi dưỡng những hạt giống tài năng. Nhiều học sinh được phát hiện từ các trường chuyên nay đang là những nhà khoa học có tên tuổi trong các trường đại học tiếng tăm. Thầy Hùng kể tên một loạt học sinh mà thầy đã từng dạy ở khối chuyên Toán trường ĐH Tổng hợp, nay là trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Bốn học sinh từng được 2 huy chương vàng quốc tế có Ngô Bảo Châu, Đào Hải Long, Ngô Đắc Tuấn, Lê Hùng Việt Bảo. Ngoài Ngô Bảo Châu, ba người còn lại cũng đang rất say sưa với Toán học và đều có môi trường nghiên cứu tốt. Đặc biệt Đàm Thanh Sơn, dù thời học sinh không nổi tiếng bằng 4 người kể trên vì chỉ có 1 huy chương vàng quốc tế nhưng những gì anh đạt được hiện nay cho thấy anh có lẽ không kém so với Ngô Bảo Châu. Học xong chuyên toán, Đàm Thanh Sơn đi theo con đường nghiên cứu Vật lý. Hiện nay anh là Giáo sư trường ĐH Washington, Mỹ.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/khoa-giao/511500/nguoi-thay-trong-can-phong-8m2-cua-ngo-bao-chau.html