Người thương binh 35 năm tìm ân nhân

Năm 1968, trong một lần đi trinh sát, anh Nguyễn Đình Yên rơi vào ổ phục kích của địch và bị thương nặng. Trong lúc sự sống, cái chết cận kề giữa làn đạn địch, anh được đôi vợ chồng mới cưới (ở Hải Vĩnh, Hải Lăng, Quảng Trị) lúc đó đang chuẩn bị đêm tân hôn, bí mật đưa xuống hầm, chăm sóc vết thương suốt một tháng trời...

Mảnh đất cưu mang Năm 1968, anh Nguyễn Đình Yên, quê huyện Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, lúc đó là bộ đội thuộc Trung đoàn 812, Sư đoàn 324 tham gia chiến đấu tại chiến trường Hải Lăng. Trong một lần đi trinh sát vào ban đêm, anh rơi vào ổ phục kích của địch và bị thương nặng. Anh được du kích xã Hải Vĩnh cõng vào trú ẩn ở một gia đình. Xã Hải Vĩnh lúc đó là vùng kháng chiến nên Mỹ - ngụy tổ chức nhiều đợt càn quét, truy lùng rất gắt gao. Vết thương quá nặng khiến anh Yên mê man, bất tỉnh mấy giờ liền. Khi tỉnh dậy, anh thấy mình đang nằm trên chiếc giường tre, đầu kê lên một chiếc gối màu hồng trong căn nhà lụp xụp. Ở đó, có một đôi trai gái rất trẻ đang ngồi tỉ mỉ rửa vết thương cho anh. Cơn đau liên hồi khiến anh Yên lúc tỉnh, lúc mê nhưng vẫn kịp nghe tiếng người con gái sụt sùi: "Anh ơi, nhà mình không có bông băng, hay em xé chiếc áo cưới vẫn còn sạch để băng cho anh ấy. Em thấy máu ra nhiều quá, em sợ anh ấy không qua khỏi...". Nghe vợ nói vậy, người chồng dỗ dành: "Chiếc áo dành dụm mãi mới may cho em mặc ngày cưới, giờ xé đi thì anh thương em lắm!". "Em mặc vậy là thỏa mãn rồi, giờ để dùng nó băng bó vết thương cứu bộ đội, em càng thấy có ý nghĩa hơn...". Nói rồi, người vợ trẻ xé chiếc áo để băng lại vết thương cho anh bộ đội. Anh Yên tuy không cử động được nhưng trên gò má đã lăn dài hai dòng nước mắt của lòng biết ơn. Mê man vì cơn đau hành hạ, anh Nguyễn Đình Yên vẫn còn nghe người vợ trẻ nói với chồng: "Anh ạ, dù chúng mình không có đêm tân hôn nhưng cứu sống được anh bộ đội, coi như đó là phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời rồi phải không anh?". Câu nói đó đã hằn sâu trong tâm khảm anh Yên... Đến gần sáng, địch bắt đầu đi lùng sục từng ngôi nhà để truy lùng bộ đội trú ẩn. Hai vợ chồng vội vã đưa anh Yên xuống hầm bí mật ở bên vườn. Người vợ trẻ kiên quyết đẩy chồng xuống hầm còn chị ở lại lo đối phó với địch. Vừa kịp xuống hầm cũng là lúc nghe thấy tiếng quát nạt inh ỏi của nhiều tên lính ngụy. Người vợ một mực trả lời không biết; bọn chúng đã liên tục tát tai chị. Tra hỏi không thu được gì, mấy tên lính bật lưỡi lê bắt đầu săm soi từng mét đất quanh nhà để tìm hầm bí mật. Thật không may, sau một hồi tìm kiếm, chúng phát hiện ra căn hầm nơi hai người đang ẩn nấp. Một tên rút ba quả lựu đạn, bật chốt và ném vội xuống hầm. Từng tiếng nổ chát chúa làm nắp hầm bị sụp xuống hoàn toàn. Thật may, căn hầm được thiết kế có vách ngăn và ngách sâu đi vào trong, lại có lỗ thông hơi nên cả hai người không bị nguy hiểm đến tính mạng. Anh Yên được hai vợ chồng chăm sóc chu đáo trong một tháng sau đó. Nhưng do không có đủ thuốc men, vết thương của anh Yên có dấu hiệu bị nhiễm trùng nên sức khỏe dần giảm xuống. Lo cho anh bộ đội không qua khỏi, hai vợ chồng bàn nhau phải tìm cách đưa anh ra căn cứ để chữa trị. Lúc chuyển đi, anh Yên do xuống sức nên đã mê man, không kịp hỏi tên đôi vợ chồng trẻ, chỉ mơ màng nhớ tên người chồng là Trí hay Dục gì đấy! Đôi vợ chồng ân nhân luôn ở trong tâm khảm của anh Yên, sau này gặp lại mới biết tên đầy đủ là Nguyễn Trí Tiện và Lê Thị Đờn ở thôn Lam Thủy (Hải Vĩnh, Hải Lăng). Quỳ lạy ân nhân Anh Nguyễn Đình Yên sau khi ra căn cứ do vết thương nặng nên tiếp tục chuyển ra Bắc điều trị cho đến khi chiến tranh kết thúc. Hiện tại, anh là thương binh hạng 2/4. Thời gian cứ trôi đi, vết thương chiến tranh cũng đã lành nhưng nỗi lòng về đôi vợ chồng đã cứu mạng anh năm nào vẫn luôn ám ảnh trong tâm trí. Đất nước vừa thống nhất, lúc mới trở về quê hương, anh Yên vội viết ngay một bức thư gửi về xã Hải Vĩnh. Sau đó, đều đặn mười lá thư gửi đi vẫn không thấy hồi âm trở lại. Mỗi lá thư anh đều đề tên khác nhau với chút hi vọng mong manh rằng đó chính là tên của đôi vợ chồng trẻ đã cứu anh nhưng vẫn không thành công. Mới đây, anh bộ đội Yên ngày nào gửi tiếp một lá thư với chút hi vọng cuối cùng. Thật may, lá thư ấy đã đến được tay gia đình bác Tiện, hai người đã bắt liên lạc với nhau. Bác Yên cùng người con lên xe vào Quảng Trị rồi tự tìm đường dò hỏi về thôn Lam Thủy, sau đó đến đúng căn nhà nơi anh đã sống với bao kỷ niệm. Phút gặp lại, anh Yên đã quỳ sụp xuống trước ân nhân của mình để tạ ơn cứu mạng. Hai người đã kết nghĩa anh em từ đó. Bác Tiện bên "bàn thờ" bác Yên. Niềm vui hội ngộ chưa thật trọn vẹn khi thiếu một người, đó là vợ bác Tiện vì đã mất cách đó gần mười năm. Bác Tiện bồi hồi kể lại: "Khi những người du kích mang anh Yên qua đồi cát phía trên làng thì tôi nghe có tiếng súng nổ chát chúa cùng tiếng la hét và pháo sáng bắn rực cả vùng. Vợ chồng tôi cứ nghĩ chắc anh Yên không thoát khỏi vòng vây của giặc. Nên sau này, tôi lập một bàn thờ trong vườn để tưởng nhớ về anh cũng như hương khói cho một số liệt sĩ đã hi sinh quanh nhà trong chiến tranh... Ai ngờ, đã mấy mươi năm rồi, chúng tôi lại được gặp nhau, thật ngỡ như một giấc mơ chú ạ!". Chiến tranh kết thúc, vợ chồng bác Tiện lần lượt sinh sáu người con và bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Năm 1992, bác Đờn qua đời vì tuổi già sức yếu. Rời căn nhà bác Tiện, tôi đi giữa con đường làng ven cánh đồng xanh mướt mà lòng nghĩ mãi câu chuyện đời thường cứ ngỡ là cổ tích...

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2010/9/136399.cand