Người tiêu dùng khao khát thực phẩm sạch

Trong bối cảnh thực phẩm bẩn làm mưa làm gió khiến ai cũng phải sợ hãi thì việc nhiều doanh nghiệp lớn đã và đang tham gia nền nông nghiệp sạch đã mang lại niềm tin mong manh và hy vọng cho người tiêu dùng Việt.

Khao khát thực phẩm sạch

Trước vấn nạn thực phẩm bẩn kinh hoàng như hiện nay, nhiều gia đình đã tự tìm cách trồng rau ngay tại nhà. Nắm được tâm lý “thèm” thực phẩm sạch của người tiêu dùng Việt Nam, trên các trang mạng xã hội gần đây cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn các cửa hàng bán thịt sạch, rau sạch...

Chị Nguyễn Hương Lan, ngụ Q.3, TP.HCM cho biết, chị luôn tìm hiểu những nguồn thực phẩm sạch từ bạn bè bán trên mạng xã hội, hay những siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tất cả thực phẩm sạch, chị Hương Lan cho biết, phần nhiều là mua bằng... niềm tin. Bởi khi mua từ nguồn bạn bè thì không có tiêu chuẩn gì, còn ở các siêu thị tuy có tiêu chuẩn kiểm tra nhưng trước giờ các siêu thị cũng bị nhiều “phốt” về chất lượng.

Gần đây, người tiêu dùng cũng bắt đầu tìm kiếm và mua thực phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn organic. Chị Tố Vân, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho biết, trước đây chị cũng hay mua thực phẩm của bạn bè bán trên mạng và các siêu thị gần nơi chị sinh sống. Tuy nhiên, sau nhiều lần các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về chất lượng kém của một số mặt hàng bán trong siêu thị, chị bắt đầu tìm hiểu và tin dùng thực phẩm organic. Theo chị, thực phẩm organic sẽ được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, các sản phẩm này cũng được xuất khẩu nhiều ra thế giới nên thấy yên tâm.

Hiện nay, có tình trạng mập mờ thông tin trên nhãn hiệu (thành phần sử dụng, tính năng sản phẩm...) và loạn chứng nhận, giải thưởng. Chính điều này làm xói mòn lòng tin của người tiêu dùng. Theo ông Vũ Thế Thành, chuyên gia quản trị chất lượng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trên thế giới không có định nghĩa thực phẩm sạch, chỉ có thực phẩm lành mạnh, ăn thực phẩm nào có lợi và không có lợi. Chỉ ở Việt Nam mới có khái niệm thực phẩm sạch - bẩn. Bất kỳ thực phẩm nào không tuân thủ vệ sinh an toàn thực phẩm thì nhà sản xuất đó có vấn đề.

Trong khi rất nhiều người dân không biết mua thực phẩm sạch ở đâu thì nhiều đơn vị hay cá nhân tham gia sản xuất thực phẩm sạch lại chưa biết cách quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng. Bên cạnh đó, người làm thực phẩm sạch cũng gặp nhiều thách thức, chi phí làm thực phẩm sạch cũng đắt hơn các mặt hàng khác. Bà Vũ Kim Hạnh, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), thừa nhận người làm ra sản phẩm sạch đang đứng trước nhiều thách thức, khi sản phẩm làm ra không biết bán cho ai.

Trong một hội thảo về nông nghiệp sạch gần đây, ông Dương Văn Tâm, nông dân xã Bình Ngọc, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, cho biết đã rất vất vả làm ra sản phẩm rau VietGAP nhưng lại không ai mua vì giá cao hơn hàng chợ nên việc trồng trọt và sản xuất vô cùng khó khăn...

Tin vui nhất đối với người dân Việt trong những ngày gần đây khi mà nhiều doanh nghiệp lớn đã tuyên bố tham gia lĩnh vực thực phẩm. Cụ thể, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch CTCP Ô tô Trường Hải, vừa chính thức cam kết làm lúa sạch bằng công nghệ cao. Hay đại gia Vũ Văn Tiền, người từ trước đến nay chỉ đầu tư kinh doanh tài chính ngân hàng, bất động sản... cũng công bố đầu tư vào nông nghiệp sạch. Ngoài ra, tham gia kinh doanh thực phẩm sạch còn có cả Tập đoàn FPT, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động, Vingroup...

Doanh nhân Vũ Văn Tiền cảnh báo: “Nếu chúng ta không làm nông nghiệp sạch ngay bây giờ, 5-10 năm nữa chúng ta sẽ chết hết vì đại dịch ung thư”.

Tuy mới thành lập nhưng hiện nay, Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA) đã quy tụ được hơn 200 doanh nghiệp. Tham vọng của DAA là phổ biến công nghệ truy xuất nguồn gốc hàng hóa và quan trọng hơn, xây dựng được những tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao, có đủ cả phòng thí nghiệm đến các dây chuyền trồng trọt, thu hoạch và chế biến sau thu hoạch.

Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thể hiện rõ sự quyết tâm khi kết luận tại Hội nghị “Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam”, làm nức lòng nhà đầu tư. Thủ tướng chỉ đạo: Tạo chính sách để tất cả những người muốn đầu tư, sản xuất nông nghiệp sạch công nghệ cao ở 63 tỉnh, thành đều được ưu đãi lãi suất và cơ chế (trước đây chỉ có 10 tỉnh); gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này phải được tiếp cận dễ dàng hơn...

Trong một hội thảo mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, Bộ đã phát động phong trào với 4 điểm quan trọng: Năm 2018 sẽ hoàn thành Luật Thủy sản chăn nuôi, trồng trọt; Bộ chỉ đạo tăng cường thanh, kiểm tra xử lý vi phạm, xử lý chất cấm, vật tư đầu vào, thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; tiếp tục xây dựng và phát triển các chuỗi nông sản sạch từ chế biến, tiêu dùng trong 1 năm qua. Đến nay đã có 444 chuỗi sản phẩm sạch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được công khai; làm sao kết nối được sản phẩm an toàn có chứng nhận của cơ quan và tăng cường công tác thông tin truyền thông.

Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) TP.HCM

Xử lý nghiêm sai phạm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Chúng tôi đã có kế hoạch rà soát, phân loại, đồng thời lập danh sách các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh để theo dõi thường xuyên, liên tục giám sát để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, chứa trữ, buôn bán hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng, cũng như của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Một trong những trọng tâm của năm 2017 là QLTT TP.HCM sẽ tiếp tục các chương trình phổ biến pháp luật để doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân không tham gia, không tiếp tay buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; kêu gọi quần chúng đồng tâm hợp sức tham gia phát hiện, thông tin, tố giác cho các cơ quan chức năng các tổ chức, cá nhân có những hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, QLTT TP.HCM cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cảng hàng không dân dụng, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, các chợ đầu mối; trung tâm thương mại, các khu vực buôn bán khác trong nội địa nhằm phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc; cũng như các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả.

Anh Trinh

Vân Lam

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/nguoi-tieu-dung-khao-khat-thuc-pham-sach-d53841.html