Người trẻ cần cảm nhận chính mình

Lúng túng không biết chọn cho mình con đường nào cho tương lai, một chàng trai học chuyên Toán cuối cùng cũng “mạo hiểm” theo đuổi ước mơ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc. Với cậu, người trẻ hãy biết cảm nhận chính mình để biết mình cần gì muốn gì.

Không sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, theo học chuyên Toán từ những ngày cấp 2, theo ngành luật kinh tế ở Đại học… những thông tin tưởng chừng không liên quan này lại là background của một bạn trẻ đang hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc: Trần Trọng Quỳnh.

Cũng như rất nhiều bạn trẻ cùng lứa, Quỳnh đã có một thời gian lúng túng không biết nên chọn con đường nào cho tương lai, nhưng niềm đam mê với âm nhạc cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, giờ đây, lớp học đàn của Quỳnh có rất nhiều học viên ở đủ mọi lứa tuổi, một trong những học viên nổi tiếng nhất, có lẽ phải kể đến hoa hậu Ngọc Hân. Cùng với đó, cậu bạn này cũng đang chinh phục một hướng đi mới: tham gia sản xuất và sáng tác âm nhạc, với mong muốn đưa các tác phẩm âm nhạc của mình đến với mọi người.

Chào Quỳnh, bạn có thể phác thảo sơ qua chân dung của mình để các độc giả Sống Mới hiểu thêm về mình không?

Mình tên là Trần Trọng Quỳnh, hiện mình là giáo viên dạy piano và nhà sản xuất âm nhạc mới vào nghề.

Được biết bạn từng học chuyên toán 3 năm cấp 3, lên đại học lại học luật kinh tế, hình như mọi con đường học tập đều không có liên quan gì đến âm nhạc?

Thực ra là có ( cười..). Năm 8 tuổi, mình có được mẹ cho đi học năng khiếu đàn organ ở một lớp học hè, thấy mình học cũng nhanh, nên thầy cô khuyến khích mẹ cho mình đi học thêm hè lớp 3, lớp 4, lớp 5. Mình còn nhớ cứ mỗi dịp biểu diễn tổng kết lớp học, thầy cô lại chọn mình, hồi đó thấy tự hào lắm vì không phải bạn nào cũng phải được biểu diễn. Đến năm lớp 6, thầy cô cũng gợi ý cho mình đi học đàn piano chuyên nghiệp ở trường văn hóa nghệ thuật của tỉnh, nhưng gia đình mình không có điều kiện, lại chuẩn bị thi vào cấp 2, nên mình đành theo học ở trường văn hóa như các bạn đồng trang lứa, giấc mơ piano đành bỏ dở ở đấy…

Giấc mơ piano trong Quỳnh từng bị bỏ dở

Vậy có sự kiện gì đặc biệt khiến giấc mơ piano sống dậy?

Thực ra chơi đàn học nhạc vẫn là sở thích tiềm ẩn trong mình. Trong quá trình học ở trường cấp 2, cấp 3, cũng có những dịp văn nghệ, đàn ca hát hò mà mình rất thích tham gia. Hồi đó mình nhớ mình hay lên mạng xem người khác chơi nhạc như thế nào rồi học theo, bắt chước lại y hệt. Nhưng lúc ấy khả năng của mình còn kém lắm. Rồi đi Hà Nội học đại học, mình tham gia giao lưu và chơi nhạc cho một nhóm nhạc nhỏ, toàn những người lớn tuổi. Bọn mình thường hay chơi ở một vài quán café nhỏ, thời gian không phải quá lâu nhưng mình học hỏi được rất nhiều ở những anh chị trong nhóm từ kinh nghiệm và cách chơi nhạc đầy tính truyền cảm hứng của họ. Sở thích dần lớn lên thành niềm đam mê. Mình mày mò tự học và học riêng với những người đi trước các kiến thức, kĩ năng từ những người rất giỏi về chuyên môn âm nhạc.

Có bao giờ bạn nghĩ mình sẽ khởi nghiệp bằng chính việc chơi đàn?

Thú thật là chưa bao giờ, mình luôn nghĩ mình sẽ làm… một nghề gì đó liên quan đến Toán chẳng hạn. Phần vì mình nghĩ muốn làm nghề liên quan đến nghệ thuật cần phải theo trường lớp bài bản, một phần vì mình cũng bận rộn với việc làm thêm như các bạn sinh viên khác để kiếm thêm thu nhập.

Được biết bạn bắt đầu khởi nghiệp bằng việc chơi nhạc ở các sự kiện văn hóa, nhưng chính lớp dạy đàn mới mang lại dấu ấn cho bạn. Bạn bắt đầu mở lớp dạy chơi đàn piano như thế nào vậy?

Bạn biết đấy, việc bận bịu quá cũng có thể khiến bạn không có thời gian để nghĩ xem công việc ấy có thực sự phù hợp với mình hay không. Rồi mình có gặp anh trưởng câu lạc bộ âm nhạc cũ, anh ấy có hỏi mình “ Liệu em có dự định gì cho tương lai không?”- Lúc ấy, mình mới bắt đầu suy nghĩ tại sao có nhiều người chơi đàn hai ba năm là có thể đi dạy hay chơi đàn trên phố? Còn mình thì không thể? Mình sau đó có gạch đầu dòng vài mục tiêu nho nhỏ, ví dụ như có bao nhiêu học sinh học đàn, hay có thể chơi đàn ở những đâu? Nhưng mình nghĩ nó thiên về chuyện muốn khẳng định bản thân nhiều hơn. Mục tiêu đặt ra thế thôi, chứ mình không có tên tuổi, không ai biết mình là ai, thì sao có thể đăng ký học đàn của mình? Giai đoạn ấy mình cũng vẫn còn rất lúng túng.

Có dịp chơi nhạc nền cho một sự kiện văn hóa, mình được mời dạy thử cho hai “học sinh “ đầu tiên, rồi mình được biết đến nhiều hơn và dần dần cũng có nhiều người liên lạc muốn đăng ký cho con em hay chính họ theo học. Lớp học đàn của mình ra đời như vậy. Học sinh của mình ở đủ mọi lứa tuổi- trẻ em, người lớn, cả những người hơi lớn tuổi một chút….Một trong những người nổi tiếng nhất mình có cơ hội dạy đàn là chị Ngọc Hân – Hoa hậu Việt Nam năm 2010.

Sau một thời gian, mình đã có thể thuê một căn hộ tập thể và cải tạo một chút để hoàn chỉnh lớp học cũng như làm một phòng thu nho nhỏ ngay trong nhà.

Làm thầy giáo dạy đàn có khó không?

Mình nghĩ là không thể định nghĩa nó có khó hay không, nếu người dạy và người học đều có chung một mục tiêu. Không phải ai cũng theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp, vì điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tài năng, thời gian, tâm huyết… nhưng mọi người hoàn toàn có thể mang niềm vui thông qua tiếng đàn đến cho những người xung quanh hay đơn giản là giải trí, tự tạo niềm vui và phút cân bằng cuộc sống cho bản thân mình. Mình nghĩ đó là lí do chính để mọi người tìm đến mình, để từ việc vừa học nhạc căn bản, vừa có thể đệm hát. Nhưng trên hết, mình nghĩ tư duy nghe nhạc và niềm yêu thích chơi nhạc cũng sẽ hình thành theo những bài học, vì nếu học quá khó, mọi người sẽ nản rất nhanh. Việc nhìn thấy thành quả thông qua một bản nhạc tự đánh sẽ khích lệ mọi người rất nhiều. Nhưng không vì thế, học chơi nhạc là việc đơn giản nếu mọi người không dành thời gian và công sức cho nó. Đó là công việc của mình- giúp mọi người đạt đến thành quả nhỏ bé ấy, để hình thành một tình yêu lớn hơn, vững vàng hơn.

Nhờ âm nhạc, Quỳnh đã tự gây dựng những niềm tự hào nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa cho chính bản thân mình

Âm nhạc có ý nghĩa như thế nào đối với bạn?

Đó là công việc, đam mê và cách mình cống hiến cho cộng đồng. Ngoài mở trung tâm nho nhỏ dạy đàn, mình có tham gia sản xuất âm nhạc và đang hoàn thiện sản phẩm âm nhạc đầu tiên như một người viết nhạc.

Nói nó là đam mê, vì mình chơi nhạc hàng ngày, đó không chỉ là khi dạy đàn, khi viết nhạc, mình có thể nhốt mình trong phòng thu cả đêm để làm việc,hay chơi nhạc trên phố cổ, nhìn mọi người dần tụ lại xung quanh khi nhóm chơi đàn thực sự tạo một bầu không khí rất đặc biệt, nhất là với những người chơi nhạc như mình, vì những giai điệu nó kì diệu ở chỗ gắn kết mọi người với nhau, cùng nhún nhảy. Cùng với đó, đam mê như được tiếp lửa…

Mình cũng có niềm tự hào nho nhỏ được góp sức vào một số dự án cộng đồng, như tham gia sản xuất âm nhạc cho chương trình Trái tim cho em, hay một số chương trình từ thiện.

Với mọi người, theo góc nhìn của một người trẻ đang bước chân vào con đường âm nhạc như bạn, âm nhạc có vị trí như thế nào?

Một trong những yếu tố có tầm ảnh hưởng rất lớn với quyết định gắn bó với đam mê âm nhạc của mình, là từ việc chia sẻ đam mê với những người khác- những người cùng chung tình yêu âm nhạc và đến với nhau, chỉ để chơi nhạc và tạo niềm vui cho nhau, và mình nghĩ xung quanh chúng ta còn rất nhiều người có khả năng gây cảm hứng như thế. Mình luôn nghĩ việc mở lớp dạy đàn không đơn thuần chỉ là dạy đàn-kiếm tiền, mà có thể giúp mọi người hiểu được lửa trong bản thân mình, nuôi dưỡng tình yêu và giao lưu tương tác với mọi người từ tiếng đàn của mình.

Có một bác 50 tuổi theo học đàn của mình, bác ấy nói hồi trẻ không có điều kiện đi học đàn, giờ có điều kiện rồi, bác mới quay lại theo học đàn một cách rất say sưa, chăm chỉ vì bác nói rằng mỗi lần học đàn lại là một lần thư giãn. Bạn thử nghĩ xem, một người lớn tuổi có thể ngồi học kiên nhẫn hàng giờ, lại học một đứa còn ít tuổi như mình, đó thực sự là động lực rất lớn đối với mình.

Và điều đó cũng minh chứng đam mê âm nhạc có thể đến từ nhiều hình dáng và biểu cảm khác nhau.

Hình ảnh một trong những dự án âm nhạc Quỳnh tham gia

Với những thành công bước đầu, bạn nghĩ sao về sự lựa chọn của người trẻ giữa đam mê hay một công việc ổn định, không dám mạo hiểm?

Theo mình, lựa chọn một sự nghiệp an toàn là hoàn toàn hợp lí. Vì tài chính là yếu tố quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Mình cũng từng hoang mang, từng không chắc chắn vào sự lựa chọn của mình, từng cân đo đong đếm những sự lựa chọn và cũng sợ ảnh hưởng đến gia đình, nhưng đến lúc buộc phải lựa chọn, thì mình nhận ra hãy hiểu bản thân mình thực sự muốn gì cần gì trước đã. Đó có phải niềm đam mê mãnh liệt đến mức, nếu thất bại, bạn cũng sẽ tiếp tục, làm lại cho đến khi thành công? Và nếu có thể biến nó thành sự nghiệp, liệu bạn sẽ bắt đầu từ đâu? Như thế nào? Ngoài ra, tiếp thu lời khuyên hay trò chuyện cùng những người đi trước cũng sẽ giúp ích.

Trên hết theo mình, đã gọi là đam mê, thì dù bạn có làm nghề gì, có đi đến đâu, nó cũng sẽ sống trong đầu, trong tim bạn, vì thế việc của bạn chỉ là nuôi dưỡng, trau dồi nó ngày qua ngày, để mình được sống trong niềm vui ấy. Đó là ý nghĩa của đam mê với những người trẻ tuổi như chúng mình.

Cảm ơn bạn vì cuộc trò chuyện. Chúc các dự án âm nhạc của bạn ngày càng thành công.

Vân Anh ( thực hiện)

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-nghe-thuat/nguoi-tre-can-cam-nhan-chinh-minh