Người trông giữ vườn Bùi

Bao nhiêu năm qua, tưởng chừng thời gian sẽ xóa nhòa đi tất cả, tuy vậy Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Nhà từ đường Nguyễn Khuyến (làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, Hà Nam) vẫn còn nguyên vẹn không gian êm đềm tĩnh mịch của Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm...

Ông Nguyễn Thanh Tùng CôngThương - Đến thăm vườn cụ Bùi năm nay chúng tôi như được sống lại trong cái không gian mà thời tác giả “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” còn sống. Nhưng mấy ai biết rằng, để giữ gìn không gian êm đềm ấy, có một con người đã hơn 40 năm tình nguyện làm rêu phong cỏ úa gắn chặt đời mình để trông coi gìn giữ vườn Bùi của bậc tiền nhân. ông là Nguyễn Thanh Tùng - hậu duệ đời thứ 5 của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến. Về lại "vườn xưa" Đã rất nhiều lần chúng tôi đến mảnh đất này nhưng dường như trong mỗi chuyến đi chúng tôi lại khám phá ra nhiều điều mới mẻ. Đã bao năm trôi qua, trải qua bao sự đổi thay của lịch sử, của thời thế, vườn Bùi vẫn giữ cho mình vẻ đẹp nguyên sơ thanh bình vốn có. Tiếp đón chúng tôi là một ông lão hiền lành chân chất, tóc đã điểm hoa râm. ông nhẹ nhàng giới thiệu cho chúng tôi về từ đường cổ kính và những tư liệu một thời của cụ Tam Nguyên Yên Đổ như một người hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Hỏi ra mới biết, ông chính là Nguyễn Thanh Tùng - hậu duệ đời thứ 5 của cụ Tam nguyên đồng thời cũng là người trông coi, chăm sóc, gìn giữ vườn Bùi một thời của cụ Tam Nguyên Yên Đổ hơn 40 năm qua. "Hồi tôi từ chiến trường trở về, qua thăm vườn cụ tổ, tôi rất buồn khi bom đạn đã làm ảnh hưởng đến ngôi từ đường của cụ Tam nguyên. Thế là tôi quyết tâm phải làm gì đó để giữ gìn kỷ vật một thời của cụ tổ và cũng để con cháu dòng họ sau này có nơi thăm viếng cụ". ông Tùng tâm sự. Đi qua chiếc cổng có mai đao nhổ ra phía ngoài rất đặc biệt, ông Tùng giải thích: "Các bậc tiền nhân xây dựng như thế này để khẳng định vị trí con trưởng của chủ nhân ngôi nhà". Khi tôi hỏi về 3 chữ nho lớn thì ông giải thích: "Đó là Môn tử môn (cửa ra vào của học trò). Đây là lời răn dạy nghiêm khắc của cụ Nguyễn cho các môn sinh rằng khi đến dù là quan hay thường dân, dù đi xe hay đi ngựa cũng phải xuống đi bộ". Dẫn đoàn du khách đi trên con đường rêu phong, ngắm nhìn chiếc ao thu vốn là niềm cảm hứng sáng tác một thời với 3 bài thơ thu nổi tiếng của cụ Tam Nguyên, ông Tùng cho biết: "Đây là chiếc ao thu đã được vinh danh ba lần trong chùm thơ thu nổi tiếng, bây giờ do diện tích nhà dân ở nhiều nên chiếc ao cũng đã thu hẹp lại. Thời cụ Nguyễn còn sống, cái ao này rất rộng. Tuy nhỏ nhưng không gian vẫn rất nên thơ”. Theo chân ông Tùng, chúng tôi đến khu từ đường thờ cụ Tam Nguyên Yên Đổ. Nhà thờ được phục dựng vẫn giữ nguyên nền cũ. Nhà thờ gồm 5 gian xây gạch lợp ngói, có 4 hàng cột được đặt trên hệ thống kèo giá chiêng chồng, phía trước là dãy của bức bàn bằng gỗ mỗi gian có 4 cánh. Trước cửa nhà thờ có 2 cây cổ thụ. ông Tùng cho biết: "Đó là 2 cây nhãn xưa dùng để tiến vua, được thụ lộc vua ban nên cụ Nguyễn Khuyến đã tự tay trồng ở vị trí trang trọng nhất". Đi tiếp vào trong là phần hậu cung được giữ nguyên vẹn đến hiện nay trong đó có hai hòm sách và hai ống quyển lưu giữ những bài văn của cụ vào ngày còn dùi mài kinh sử. Sau kỳ thi Tân mùi (1872) cụ đã đỗ đầu 3 khoa, Vua Tự Đức ban cho cụ hai tấm ấn tứ vinh quy và Nhị giáp tiến sĩ với câu đối: "Dựng đức mạnh công truyền duy bách chúa - Thần trung tử hiện duy thử nhất tâm". Để quan nghè Nguyễn Khuyến trở về quê hương vinh qui bái tổ, phía phải hậu cung là bức tượng tạc hình cụ chống gậy trúc, dáng vẻ khoan thai thoát tục, mắt nhìn trời xanh. Tại đây còn có câu đối của Tổng đốc Thái Ninh Địa khoán trùng tâm tứ đại khoa danh nhị giáp -Quốc Văn tế tiễn lục niên tiền hậu lưỡng Tam Nguyên làm năm Nhâm Thân (1871) và một cuốn thư của tiến sĩ Dương Khuê làm năm 1871 mừng cụ thi đỗ: "Khua trống ba hồi nhất cả ba / Thép văn phiêu bạt khiếp người ta / Vị Xuyên khóa trước chưa ai kịp / Giáp Tí năm nay có bác mà)”. Gian bên phải còn kê một chiếc sập gụ là hiện vật gắn bó với cuộc đời cụ những năm tháng cuối cùng. Nhà thờ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến Theo ông Tùng cho biết, trải qua thời gian với bao sự đổi thay của lịch sử của thời thế, việc gìn giữ được từ đường Cụ Tam Nguyên là một việc được nhiều người coi như là kỳ tích. Bởi trải qua chiến tranh bom đạn, vườn Bùi vẫn giữ được hồn xưa. ông Tùng nhớ lại "Năm 1947, cụ thân sinh của ông Nguyễn Thanh Tùng (hậu duệ đời thứ tư của cụ Nguyễn Khuyến) làm Tham mưu trưởng Tỉnh đội Nam Hà. Giặc Pháp biết hậu duệ cụ Nguyễn tham gia cách mạng, tìm cách rót bom xuống bắn phá. Trong một trận càn, tên đồn trưởng Cầu Sắt, nói nguyên văn thế này: "Đây là thờ danh nhân, một vị thánh nho. Cấm không được phá. Còn con cháu theo Cộng sản thì đi tìm nó mà đánh". Và cứ 7 ngày nó lại vào kiểm tra một lần xem có đứa nào dám phá từ đường này không. Vì thế mà Việt minh đào ngay hầm dưới từ đường hoạt động cách mạng mà địch không hề hay biết. Đến những năm 1950, cả nhà khóa cửa đi tản cư, kẻ trộm vào lấy đôi rồng nạm ngọc vốn đã tồn tại cùng bát hương có bốn chữ "Thánh đình vạn tuế" do vua nhà Mạc ban cho cụ Quang Lượng hầu (tổ thứ 10 của nhà thơ). Sau khi bán qua tay người khác, không hiểu sao trước khi mất, người này trăng trối lại cho con cháu, đi lấy lại kỷ vật ấy để trả lại cho con cháu cụ. Còn cách đây mới mươi năm, có một bà cụ sai con cháu cáng đến tận nhà ông Tùng, đòi gặp ông Tùng cho bằng được. Bà cụ 90 tuổi, sắp gần đất xa trời mang đến trả một mẩu gỗ, nguyên là một câu đối của cụ Nguyễn Khuyến. Bà cụ đến xá tội với gia đình, vì đã trót dại lấy câu đối của cụ... đóng giường cưới cho con trai, vì cái thời kỳ gỗ lạt hiếm. ông Tùng cũng đành cười mà nhận mẩu gỗ, lưu giữ lại, đến tận bây giờ cũng chẳng biết để làm gì với mẩu gỗ đó. "Con cháu của cụ không nhiều, khi nghỉ hưu tôi quyết tâm phải gìn giữ vườn Bùi vừa là tri ân với bậc tiền nhân, vừa để con cháu sau này noi theo mà học tập" - ông Tùng tâm sự. "Nhà nghiên cứu" thơ Cả đoàn du khách khi đến thăm vườn Bùi của cụ Tam Nguyên, ngoài sự hiểu biết thêm về cuộc sống sinh hoạt, về thân thế và sự nghiệp của bậc thi nhân, còn biết thêm những vần thơ mới từ một kho tàng từ điển. Kho tàng ấy chính là ông Nguyễn Thanh Tùng. Vừa như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, vừa như một người thợ vườn lành nghề, ông Tùng còn là nhà nghiên cứu thơ cụ Nguyễn Khuyến với những am hiểu sâu rộng từng ngữ nghĩa, thanh vần. Giữa không gian tao nhã, những bài thơ của cụ Nguyễn vang lên qua giọng ngâm của ông Tùng, nghe mà cứ ngỡ như bậc thi nhân đang ngâm những vần thơ do chính mình sáng tạo bằng cảm xúc trữ tình, sâu sắc và lắng đọng. Ngoài việc ngâm thơ, ông Tùng còn lý giải cho khách thăm những câu chuyện, những thâm ý xung quanh những vần thơ ấy. "Lấy vợ đừng nên lấy vợ nhiều /Chỉ một mà thôi cũng đủ yêu / Đa nhân duyên lắm đường phiền nhiễu / Cả lẽ làm chi tổ ỉ eo". Đọc xong, ông Tùng giải thích, ngày trước, trong chuyện trai gái, triều đình bấy giờ không cấm lấy nhiều vợ nhưng Nguyễn Khuyến vẫn làm thơ để nhắc nhở, răn dạy con cháu. ông Tùng còn nhớ, sinh thời cụ Nguyễn Khuyến rất trọng người cao tuổi. Có một chuyện như thế này, cụ Nghiêu lúc ấy thượng thượng thọ 80 tuổi, cụ Tam Nguyên đã 74 tuổi, cụ đến cụ quỳ lạy cụ Nghiêu, cụ Nghiêu sợ quá: "Lạy quan lớn con không dám". Cụ bảo với cụ Nghiêu rằng: "Tôi với bác không có gì phải vái nhau, mà đây tôi tôn trọng thiên số, tức trời dành tuổi cho bác". Cụ Dương Khuê là bạn chí thân với cụ và cũng ít hơn cụ 5 tuổi mà cụ khóc Dương Khuê: "Bác Dương thôi đã thôi rồi / Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta"... Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, cụ Tam Nguyên là người có lòng yêu nước, yêu dân tộc nồng nàn. Chính vì lòng yêu nước thương nhà mà thi nhân từng ba lần đỗ đầu thiên hạ được tôn vinh là Tam Nguyên Yên Đổ đã cáo quan về lại vườn Bùi tỏ rõ chí khí và giữ gìn phẩm tiết của mình lúc chế độ phong kiến đang cuối mùa thối nát phản động. Về lại vườn Bùi nhưng tấm lòng của ông vẫn canh cánh nỗi lo dân nước: "Sách vở ích gì cho buổi ấy / áo xiêm nghĩ đến thẹn thân già... Nghĩ đến bút nghiên trào nước mắt / Ngước nhìn sông núi xiết buồn đau...” Vừa nói ông Tùng vừa ngâm lại những vần thơ thể hiện lòng yêu nước của cụ Tam Nguyên. Không đành đem thân làm nô lệ cho ngoại bang, ông cáo ốm từ quan về vườn Bùi là về với nhân dân, về với trong trẻo làng quê mà ngẫm thế thái nhân tình: "Cờ đương dở cuộc không còn nước / Bạc chửa thâu canh đã chạy làng” (Tự thán). Nguyễn Khuyến đã bỏ cuộc cờ đời để trở về đặng giữ phẩm tiết, nhân cách giữa thời buổi nhiễu nhương: "Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh chọe / Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi”. ông Tùng cho biết. Nhiều người gọi vui ông là nhà nghiên cứu về Nguyễn Khuyến, ông Tùng khiêm tốn: "âu cũng chỉ là tấm lòng của kẻ hậu bối với bậc tổ tiên, trông giữ vườn Bùi thì phải am hiểu thơ phú của bậc tiền nhân để giải thích cắt nghĩa cho mọi người khi đến thăm vườn Bùi". Mấy ai biết rằng, hơn 40 năm qua gìn giữ vườn Bùi, tiếp hàng nghìn đoàn du khách nhưng ông Tùng không lấy của ai một đồng tiền vé. ông vẫn làm hướng dẫn viên tỉ mỉ đầy nhiệt huyết, vẫn mời cơm lo chỗ ngủ khi du khách qua đêm ở lại dã ngoạn điền viên. Ngày ngày, vợ chồng ông sống đạm bạc bằng đồng lương hưu, không thâm canh trồng trọt hay thu hoa lợi trên đất cụ tổ. Vì vậy mà chiếc ao thu vẫn giữ nguyên vẻ "Ao sâu nước cả khôn chài cá". Mùa hè, bè rau muống chen lấn cùng với hoa sen, hoa súng, những đàn cá vàng vẫn thi thoảng lại đớp động dưới chân bèo... Ngày ngày, ông Tùng chỉ quanh quẩn ở nhà chăm sóc ngôi từ đường, đón khách thăm bái và tiếp chuyện. Nhàn rỗi nghiên cứu thêm về thơ cụ Nguyễn để chiêm nghiệm lẽ đời, thâm ý sâu sắc mà bậc tiền nhân gửi gắm vào từng vần thơ. Chẳng thế, có đến gần chục cái luận án thạc sĩ, tiến sĩ văn chương về thơ Nguyễn Khuyến đã được bắt đầu từ những câu chuyện như thế. HTML clipboard Nhà thơ Nguyễn Khuyến, sinh năm 1835-1909. Nổi tiếng là người thông minh, hiếu học. Năm 1864, ông đỗ đầu cử nhân (tức Giải Nguyên) ở trường Hà Nội; đến năm 1871, ông mới đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên, từ đó, vì đỗ đầu cả 3 kỳ thi nên ông được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. Vườn Bùi nơi Nguyễn Khuyến về dã ngoại điền viên đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng chứng nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Theo Đời sống & Pháp luật Ông Nguyễn Thanh Tùng

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/phong-su/nguoi-trong-giu-vuon-bui/32/0/23378.star