Người Trung Quốc đang quyết giành giật các bí quyết công nghệ Mỹ như thế nào?

Hệ thống bảo vệ quyền sáng chế của người Mỹ và các thiên tài nước Mỹ đang phải hứng chịu một cuộc tấn công tồi tệ, theo khẳng định của Bộ trưởng Thương Mại Mỹ.

Ảnh: Gensler

Bộ Thương mại Mỹ chịu trách nhiệm quản lý các văn phòng cấp bằng sáng chế và bản quyền thương mại để bảo vệ các nhà sáng chế người Mỹ cũng như quyền sở hữu trí tuệ của họ.

Tại cổng vào của Bộ Thương mại Mỹ người ta có thể nhìn thấy một câu nói nổi tiếng của cựu Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln: “Hệ thống cấp bằng sáng chế giúp nuôi dưỡng các thiên tài.”

Thế nhưng ngày nay hệ thống bảo vệ quyền sáng chế của người Mỹ và các thiên tài nước Mỹ đang phải hứng chịu một cuộc tấn công tồi tệ, theo khẳng định của Bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross trong bài viết riêng gửi cho Financial Times.

Theo tính toán của Ủy ban phụ trách các vấn đề liên quan đến Bản quyền sở hữu trí tuệ Mỹ, các vụ đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ khiến doanh nghiệp Mỹ thiệt hại đến 600 tỷ USD/năm.

Con số 600 tỷ USD không hề nhỏ, nó tương đương đến 3% tổng GDP Mỹ. Trung Quốc là đối tượng chính phải chịu trách nhiệm bởi đến hơn 87% hàng giả bị bắt tại biên giới đến từ Trung Quốc.

Thế nhưng các số liệu trên chưa thể bao quát cho những tác hại từ cách mà các công ty Trung Quốc cũng như chính phủ Trung Quốc đối xử với bản quyền sở hữu trí tuệ Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc đã công bố chương trình “Made in China 2025” đầy tham vọng để thống trị trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, xe ô tô tự lái, công nghệ sinh học và nhiều ngành công nghệ khác để giúp kinh tế tăng trưởng mạnh sau năm 2025. Hiện nay, Mỹ được biết đến như đất nước sáng tạo nhất thế giới. Chắc chắn, muốn đứng đầu thế giới, Mỹ chính là đối thủ lớn nhất của Trung Quốc.

Thế nhưng thay cho việc xây dựng một nền kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, Trung Quốc lại chọn cách gây sức ép buộc các công ty Mỹ muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc buộc phải chuyển giao công nghệ.

Phía Trung Quốc đã làm được việc này bằng cách buộc các công ty Mỹ phải lập liên doanh với Trung Quốc. Tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp Mỹ được giới hạn ở mức tối đa 50% đối với phần lớn các loại hình doanh nghiệp. Và trong điều khoản hợp tác luôn có yêu cầu phải chuyển giao công nghệ.

Chính phủ Trung Quốc và các công ty Trung Quốc cũng có sự phân biệt rõ ràng giữa các công ty Mỹ mới khởi nghiệp với các công ty đã có trình độ công nghệ cao và sau đó chỉ quyết định đầu tư vào những công ty mà họ đánh giá tiềm năng hơn. Họ quan tâm đến việc thâu tóm công nghệ chứ không phải lợi suất đầu tư được bao nhiêu.

Bằng những khoản đầu tư như thế này, các công ty Trung Quốc có thể tiếp cận với công nghệ đột phá có thể giúp tạo ra hàng tỷ USD doanh thu trong tương lai. Họ có thể tốn vài chục, vài trăm triệu USD vào lúc ban đầu nhưng lượng tiền đó không đáng bao nhiêu so với những gì họ có thể gặt hái được trong tương lai.

Người Trung Quốc chủ tâm tìm kiếm những công ty Mỹ sở hữu loại công nghệ mà Trung Quốc còn thiếu. Sau đó, họ lên chiến lược tiếp cận những công ty này để có thể giành được các bí quyết công nghệ. Cùng lúc đó, những công ty Mỹ muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc bị buộc phải trình bằng sáng chế, tài sản quý giá nhất của họ, cũng như chia sẻ về công nghệ.

Cuộc tấn công giành công nghệ Mỹ của người Trung Quốc không dừng ở đây. Các luật sư Trung Quốc cũng rất ráo riết thực hiện các vụ kiện chống độc quyền tại các tòa án Trung Quốc để làm mất hiệu lực của các bằng sáng chế với cáo buộc bằng sáng chế của người Mỹ sẽ tạo ra tình trạng độc quyền vô lý.

Bản chất của bằng sáng chế giúp cho người sáng chế được hưởng một khoảng thời gian toàn quyền quyết định với sản phẩm/ý tưởng người đó đã tạo ra. Lý do độc quyền không thể được viện dẫn cho quan điểm chống độc quyền. Thế nhưng người Trung Quốc vẫn vin vào đó để bằng mọi cách thâu tóm công nghệ Mỹ.

Các tiến bộ công nghệ sẽ định hình tương lai của chúng ta. Hy vọng rằng với những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các nhà sáng chế người Mỹ sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của họ, tiếp tục chuyên tâm sáng tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới để giữ được vị thế đất nước sáng tạo nhất thế giới cho nước Mỹ.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/the-gioi/nguoi-trung-quoc-dang-quyet-gianh-giat-cac-bi-quyet-cong-nghe-my-nhu-the-nao-3080918.html