Người Trung Quốc vung tiền cho bóng đá: Giấc mơ, nhưng có thể là ác mộng

Hàng trăm triệu USD đổ vào thị trường chuyển nhượng để chiêu mộ những ngôi sao bóng đá, người Trung Quốc còn đổ những khoản tiền khổng lồ đầu tư vào các đội bóng quốc nội khiến thế giới chóng mặt và dường như không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Phía sau những “tiền muôn bạc triệu” đổ vào bóng đá ấy - là gì?

Tỉ phú Wang Jianlin trong buổi lễ ký kết mua cổ phần của CLB Atletico Madrid.

Mục tiêu: Trở thành siêu cường bóng đá vào năm 2050

Tháng 4.2016, LĐBĐ Trung Quốc công bố chiến lược trở thành “siêu cường bóng đá thế giới” vào năm 2050, với mục tiêu 50 triệu người lớn và trẻ em sẽ chơi môn thể thao này vào năm 2020. Bản kế hoạch này đã mô tả khá chi tiết kế hoạch phát triển của bóng đá Trung Quốc cho đến năm 2050 từ cơ sở thực hiện, ý tưởng, mục tiêu, cho đến những việc cần triển khai trong từng hạng mục.

Về mục tiêu dài hạn, từ 2031-2050, Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành siêu cường bóng đá, đạt được sự phát triển toàn diện. Bóng đá sẽ trở thành ước mơ của mọi trẻ em trên toàn đất nước, đóng góp vào sự phát triển của bóng đá thế giới. Còn trong giai đoạn ngắn hạn 2016-2020, họ cố gắng đạt được những mục tiêu cơ bản nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài. Bóng đá sẽ là nhu cầu cơ bản của dân chúng. Các hoạt động bóng đá cộng đồng, bóng đá học đường cần được tiến hành một cách mạnh mẽ. Số lượng người tham gia bóng đá trong toàn đất nước Trung Quốc sẽ đạt trên 50 triệu người.

Hệ thống quản lý bóng đá Trung Quốc với sự thiết lập những chính sách, điều lệ, tiêu chuẩn của nền công nghiệp bóng đá ban đầu sẽ dẫn tới nâng cao sự khoa học, hợp lý trong các giải đấu và hệ thống đào tạo. Họ đặt ra 3 mục tiêu cụ thể đáng chú ý nhất như sau: Thứ nhất, họ sẽ có ít nhất 20.000 trung tâm đào tạo bóng đá và 70.000 sân vận động vào năm 2020. Tới năm 2030, cứ mỗi 10.000 người sẽ có 1 sân vận động. Thứ hai, ĐT bóng đá nữ Trung Quốc sẽ được phát triển lên tầm đẳng cấp thế giới vào năm 2030. Theo bảng xếp hạng FIFA quý IV/2016, họ đứng thứ 13 trong khi từng xếp hạng 5 vào năm 2003. Thứ ba, đảm bảo ĐT bóng đá nam Trung Quốc trở thành một trong những đội bóng mạnh nhất ở Châu Á vào năm 2030 và là một trong những đội hàng đầu thế giới vào năm 2050.

Trong bảng xếp hạng FIFA tháng 1.2017, bóng đá nam Trung Quốc đứng thứ 81 thế giới, xếp thứ 8 trong khu vực Châu Á. Thành tích tốt nhất của họ là hạng 37 vào năm 1998.

Những mục tiêu này đã cho thấy tham vọng thực sự của bóng đá Trung Quốc trong bối cảnh thành tích của môn thể thao này chưa cao so với nhiều môn khác. Thể thao Trung Quốc thể hiện sự xuất sắc ở các kỳ Olympic và Paralympic, nhưng ĐT bóng đá nam nước này mới chỉ 1 lần giành quyền dự VCK World Cup 2002 được tổ chức tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Lợi nhuận: Chưa thấy lời giải

Câu chuyện hiện hữu ngay trước mắt các nhà làm bóng đá Trung Quốc, mà cụ thể là các doanh nghiệp, khi bài toán lợi nhuận từ các thương vụ đình đám vẫn chưa thấy lời giải.

Ngoài tỉ phú Jack Ma (Alibaba), hai trong số những cái tên lớn còn lại sẵn sàng vung tiền cho bóng đá là Jia Yueting (LeEco) và Wang Jianlin (Wanda). Họ bắt đầu từ việc mua lại các kênh thể thao, các CLB, cầu thủ và biến tham vọng đưa doanh thu của việc kinh doanh thể thao ở Trung Quốc chiếm 1% GDP nước này (khoảng 1 tỉ USD) dần thành hiện thực.

Nói là làm, tỉ phú Wang Jianlin đã mua lại 20% cổ phần của Atletico Madrid và xây luôn cho CLB này một SVĐ mới với cái tên rất kêu là Wanda Metropolitano. Trước đó không lâu, Alibaba đã đầu tư cho CLB Quảng Châu Hoàng Đại khoản tiền lên tới 46 triệu USD để đem về tiền đạo Jason Martinez cũng từ Atletico.

Bắt đầu từ những “đốm lửa” nhỏ đó, sự hào hứng của các doanh nghiệp đã làm bùng lên phong trào đổ tiền vào làm bóng đá. Lớn nhất có lẽ là thương vụ China Media Capital bỏ ra tới 1,7 tỉ USD để mua lại 13% cổ phần City Football Group - doanh nghiệp sở hữu Man City (400 triệu USD) và dành 1,3 tỉ USD mua bản quyền 5 năm liên tiếp của giải CSL.

Tuy đầu tư cả núi tiền như vậy, nhưng những gì mà các doanh nghiệp làm bóng đá ở Trung Quốc thu lại hiện tại là con số âm. Hãng PwC ước tính, doanh thu từ bán vé và quảng cáo các sự kiện thể thao của Trung Quốc từng chỉ bằng 5,3% so với Mỹ. Trong số 5,3% ít ỏi đó, các sự kiện liên quan đến bóng đá chỉ chiếm số lượng khiêm tốn so với bóng bàn, cầu lông… Ví dụ điển hình nhất là sự thua lỗ trầm trọng của Alibaba khi vung tiền cho CLB Quảng Châu Hoàng Đại. Alibaba đã đầu tư 192 triệu USD trong năm 2014 để mua 50% cổ phần và đội bóng này thua lỗ 78,5 triệu USD trong nửa đầu năm 2015.

Như vậy, tính đến trước khi CSL 2017 khởi tranh, vấn đề kinh doanh vẫn là bài toán nan giải đối với những người làm bóng đá Trung Quốc. Nếu cứ mãi chịu những khoản lỗ khổng lồ như vậy, đến một lúc nào đó, có lẽ là tương lai gần, “cơn điên” của các CLB Trung Quốc trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ sẽ chấm dứt và để lại nhiều hậu quả nặng nề, tổn thất cho các doanh nghiệp, sự vô định cho tương lai của cầu thủ và cả nền bóng đá.

Không sợ tốn kém

Điều khó tin là hiện nay là bóng đá bỗng nhiên trở thành một trong những mũi nhọn của công cuộc phát triển đất nước. Một trong những người tiêu biểu nhất là Chủ tịch tập đoàn Alibaba - Jack Ma. Chính giám đốc thể thao của Alibaba - Zhang Dazhong từng tuyên bố rất hùng hồn vào kỳ chuyển nhượng mùa đông năm ngoái rằng: “Đã đến lúc chúng tôi bỏ tiền cho lĩnh vực này”.

Kết quả là năm ngoái, các CLB tại Chinese Super League (CSL) đã bỏ ra tới 280 triệu USD để chi cho việc chuyển nhượng cầu thủ. Đây là số tiền chuyển nhượng cao nhất thế giới, vượt qua cả những giải đấu kim tiền như Ngoại hạng Anh. Những cái tên lớn như Lỗ Năng Sơn Đông, Hà Bắc Trung Cơ, Thượng Hải SIPG… trở thành điểm đến của các ngôi sao cũ có, mới có đang thi đấu từ khắp nơi trên thế giới. Những bản hợp đồng trên trời, những mức lương mà ngay cả những “siêu sao hạng A” như Ronaldo, Messi cũng phải mất cả chục năm đỉnh cao mới có được. Họ lần lượt kéo về CSL với mong muốn tìm được một chân trời mới - chân trời của những đồng Nhân dân tệ.

Đài LeEco Sport đã bỏ 400 triệu USD để mua bản quyền phát sóng CSL trong mùa giải 2017 và 2018. Tuy nhiên đây là con số được dự báo sẽ khiến LeEco lỗ lớn, bởi từ lâu người dân Trung Quốc chỉ thích xem bóng đá qua mạng, hoặc thậm chí không xem, vì các môn thể thao khác ở đất nước này được ưa chuộng hơn.

Và điều quan trọng nhất là chuyện bóng đá sẽ không bao giờ thành công nếu được “xây từ nóc”. Các ngôi sao đến với CSL khi không còn được trọng dụng ở Châu Âu, những ngôi sao trẻ của bóng đá Trung Quốc không được đào tạo “ra hồn” như Nhật Bản và Hàn Quốc. Vậy với một nền bóng đá như vậy, sức cạnh tranh sẽ lớn đến đâu khi hòa mình với các nền bóng đá mạnh khác?

Thời gian sẽ cho câu trả lời, thế nhưng việc “thở bằng mũi doanh nghiệp” sẽ dẫn đến nguy cơ khi không còn đủ tiền để nuôi mộng, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tháo chạy, để lại một nền bóng đá “không có nóc cũng chẳng có móng”?

10 cầu thủ có giá trị chuyển nhượng cao nhất đang chơi ở Trung Quốc:

Cầu thủ Oscar từ Chelsea sang Trung Quốc

1. Oscar (từ Chelsea tới Thượng Hải SIPG - 51 triệu bảng - ảnh)

2. Hulk (từ Zenit St. Petersburg tới Thượng Hải SIPG - 47,43 triệu bảng)

3. Alex Teixeira (từ Shakhtar Dontesk tới Giang Tô Thuấn Thiên - 42,5 triệu bảng)

4. Jackson Martínez (từ Atletico Madrid tới Quảng Châu Hoàng Đại - 35,7 triệu bảng)

5. Ramires (từ Chelsea tới Giang Tô Thuấn Thiên - 23,8 triệu bảng)

6. Odion Ighalo (từ Watford tới Changchun Yatai - 19,81 triệu bảng)

7. Chengdong Zhang (từ Beijing Sinobo Gouan tới Hà Bắc Trung Cơ - 17,37 triệu bảng)

8. Axel Witsel (từ Zenit St. Petersburg tới Tianjin Quanjian - 17 triệu bảng)

9. Elkeson (từ Quảng Châu Hoàng Đại tới Thượng Hải SIPG - 15,7 triệu bảng)

10. Alexandre Pato (từ Villareal tới Tianjin Quanjian - 15,3 triệu bảng).

VIỆT HÙNG - VIỆT ANH

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-thao/nguoi-trung-quoc-vung-tien-cho-bong-da-giac-mo-nhung-co-the-la-ac-mong-634979.bld