Người tử tế: Chạy xe ôm lấy tiền làm từ thiện

(Tin tức thời sự) - Gia đình thuộc diện khó khăn, cuộc sống chật vật, vậy mà ông Năm “tàu hủ” (Nguyễn Văn Năm) lại là người làm từ thiện nổi tiếng.

Dùng bệnh của con, mẹ kiếm trăm triệu từ thiện mua iPad Hơn 1.500 người đến khám bệnh từ thiện tại Đồng Nai

Phải hẹn năm lần bảy lượt chúng tôi mới gặp được ông Nguyễn Văn Năm, 65 tuổi, ngụ 51/F8, đường 3/2, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ngày nào cũng vậy cứ 5h sáng là ông Năm “cưỡi con ngựa sắt” ra bến xe 91B Cần Thơ để hành nghề chạy xe ôm. “Thấm thoát vậy mà tui làm cái nghề này hơn 30 năm rồi chứ đâu có ít. Lúc đầu tui chạy xe đạp ôm, sau đó chạy xe lôi, rồi chuyển sang xe ba gác.

Dù nghèo khó, 6 năm qua, ông Năm vẫn chạy xe ôm, dành dụm từng đồng để làm từ thiện

Năm 2008, Nhà nước cấm không cho các đô thị lưu thông xe ba gác nên tui quay qua chạy hẳn xe hon đa ôm cho tới ngày nay…”, ông Năm nhớ lại. Nhìn vóc dáng ông gầy ốm, nước da ngâm đen, không cần hỏi cũng biết cuộc sống ông khá nhiều cơ cực, song ông luôn nở nụ cười hiền lành và tỏ ra hài lòng với những gì mà gia đình đã và đang thực hiện. Ông Năm cho biết, lớn lên trong điều kiện nghèo khổ, không được học hành gì nhiều và cũng không có nghề nghiệp.

Năm 1973, ông lấy bà Lâm Thị Nết làm vợ trong hoàn cảnh cả 2 nghèo khó, thế là vợ chồng phải bươn trải làm thuê làm mướn khắp nơi kiếm sống. Tay làm hàm nhai, cuộc sống đắp đổi qua ngày, vậy mà quay đi quay lại vợ chồng ông có được 3 người con trai. Khi công việc làm thuê gặp khó, ông Năm chuyển sang chạy xe ba gác chở hàng cho các chủ vựa, đại lý… giao khắp các con hẽm ở Cần Thơ.

Thân hình gầy gò nhưng ông Năm vẫn đội mưa đội nắng, khuân vác giao hàng đúng hẹn cho khách để nhận vài chục ngàn đồng tiền công mỗi chuyến để mang về lo cơm gạo trong nhà. Cứ ngỡ cuộc sống như thế sẽ bình lặng trôi qua, nhưng khi Nhà nước chủ trương ngưng không cho xe ba gác hoạt động và ông được hỗ trợ 5 triệu đồng để chuyển nghề. Thế là ông chạy vạy đi vay hỏi thêm ít tiền để mua chiếc xe gắn máy Trung Quốc cũ với giá 5,7 triệu đồng về hành nghề chạy xe ôm.

“Mình đã lớn tuổi nên cũng ngại xin vào các hợp tác xã hay nghiệp đoàn xe… Vì vậy, tui và một số anh em khác hàng ngày “tạm trú” ở các quán cà phê bên ngoài bến xe 91B chờ khách. Nếu như các tuyến xe từ TP.HCM về Cần Thơ, rồi từ các tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang… đều xuống khách ở Cần Thơ. Ai đi xe trung chuyển thì chờ xe 4 bánh của các hãng xe; ai gấp thì đi xe hon đa ôm của các thành viên trong nghiệp đoàn hoạt động bên trong bến xe.

Riêng những trường hợp khách ra ngoài bến xe thì tui và một số người khác mới có “vé” để chạy”- ông Năm nói. Do khách của ông là đối tượng “vé vớt” bên ngoài nên số lượng người đi thường không ổn định. Có hôm đắt khách thì chạy được 5- 7 cuốc, hôm ít hơn chạy được 3-4 cuốc; còn hôm nào ế ẩm chỉ chở được 1, 2 khách. Số tiền thu về cũng thất thường, bởi phụ thuộc vào tuyến đường chở khách xa hay gần, dễ đi hay khó đi… nhưng trung bình được khoảng 60.000- 100.000 đồng/ngày, sau khi trừ chi phí xăng nhớt.

Dù nghèo vẫn làm từ thiện

Thu nhập từ nghề chạy xe ôm chẳng được bao nhiêu, “túp” nhà xập xệ chưa sửa được, nhưng vợ chồng ông Năm lại làm một chuyện khiến nhiều người nể phục là “lo từ thiện”.

Ông Năm trăn trở, tuổi cao sức khỏe giảm nên không thể đi xa, vì vậy thu nhập từ chạy xe cũng giảm, việc làm từ thiện gặp nhiều khó khăn.

Ông Năm kể, sau khi 2 người con trai lớn lấy vợ và ra ở riêng bên ngoài, thì khoảng 8 năm trước người con út cũng xin phép cha mẹ lên núi Cấm (An Giang) làm từ thiện. Thế là gia đình chỉ còn lại 2 vợ chồng già. Lúc này bà Nết (vợ ông) cũng bắt đầu tới lui với các bệnh viện ở Cần Thơ để nấu cơm từ thiện, rồi đi các chùa chiềng ở các nơi để làm việc nghĩa.

Không bao lâu sau, bà Nết chuyển hẳn sang ăn chay trường luôn. Thấy vợ ăn một mình cũng buồn, nên ông Năm tình nguyện bỏ ăn “mặn” để cùng ăn chay trường với vợ. “Trong vài lần đi làm từ thiện thấy một số bà con nghèo hơn mình nhiều quá nên vợ chồng tui động lòng. Vợ tui từng nói, bây giờ 3 đứa con đã lớn hết rồi, gia đình dù không dư giả nhưng mình có tấm lòng. Thôi thì giúp ai được cái gì cứ giúp. Nghe vậy, tui vui vẻ đồng ý”- ông Năm bộc bạch.

Từ đó tới nay gần 6 năm liền, cứ sáng sớm là ông Năm đi chạy xe ôm đến chiều tối mới về nhà. Số tiền kiếm được trong ngày ông đều giao hết cho vợ và tùy vợ sử dụng vào các việc từ thiện như: hỗ trợ lo cơm nước ở các bệnh viện, giúp trực tiếp những hoàn cảnh nghèo khó, neo đơn, cơ nhỡ, người già bệnh tật.

Bản thân ông Năm cũng làm từ thiện bằng chính nghề nghiệp của mình như: chạy xe ôm miễn phí cho những trường hợp nghèo khó, người già… thậm chí ai không có tiền thì ông cũng sẵn sàng hỗ trợ để giúp bà con gặp cảnh khó giữa đường có điều kiện về quê.

Ông Năm từ tốn chia sẻ: “Xưa nay vợ chồng ông sống hiền hòa, không hề xích mích với bất cứ ai. Còn chuyện chạy xe ôm lấy tiền làm từ thiện là xuất phát từ mong muốn của vợ chồng, chứ không ai bắt buộc, cũng không suy nghĩ làm việc thiện để được cái này- cái khác về sau…

Chỉ có đều là mỗi khi giúp những trường hợp khốn khó, bệnh tật… thì tối về nhà vợ chồng ngồi tâm sự và thấy nhẹ lòng”.

Bà Nết cũng thừa nhận rằng: “Trong cuộc sống ồn ào này mỗi gia đình có một cách nghĩ khác nhau. Vợ chồng tui xuất thân từ nghèo khó và cũng không hy vọng giàu có làm gì. Do đó, chuyện làm từ thiện theo khả năng của mình, cũng như ăn chay trường là do gia đình tự nguyện làm. Thú thật hàng ngày được chăm lo bữa ăn cho những bệnh nhân nghèo là niềm vui của tui, điều này khiến tinh thần thoải mái, đầu óc nhẹ nhàng nên tối về có được giấc ngủ rất ngon. Tui suy nghĩ đơn giản như vậy, nên bây giờ còn sức khỏe thì làm việc nghĩa, khi nào không đủ khả năng thì thôi, chứ không đặt chỉ tiêu hay so bì, bon chen gì cả”.

Mong khỏe mãi để làm từ thiện

Chỉ chúng tôi giữa trưa nắng như đổ lửa, ông Năm thừa nhận, gần đây sức khỏe không còn như trước nữa bởi tuổi tác ngày càng lớn. Ông cho biết, nếu như trước đây ông có thể chở khách chạy xe từ Cần Thơ đi lên tận biên giới Châu Đốc (An Giang), hay đi Rạch Giá… xa hàng trăm cây số là chuyện thường nhật. Nay sức khỏe giảm nên không thể chạy xa nữa được, kể cả ban đêm cũng không dám chạy vì hai mắt đã yếu không quan sát rõ. Chính vì thế mà thu nhập thu việc chạy xe bây giờ sụt giảm nhiều. Việc làm từ thiện của ông vì thế thêm phần khó khăn.

: Bệnh viện ĐKTW Cần Thơ, một trong những nơi bà Nết nấu cơm từ thiện…

Thậm chí, việc ăn uống của bản thân, ông cũng phải tằn tiện hơn. Mỗi sáng ông chỉ dám xuất 3.000 đồng mua bún (bún không), rồi xịt nước tương vào là ăn cho qua bữa. Hôm nào bà Nết có ở nhà thì trưa về ăn cơm chay với vợ; còn lúc bà đi làm từ thiện hay đi chùa thì ông tìm quán cơm chay nào rẻ nhất ăn một tí là xong.

Theo ông Năm, gần 6 năm nay kể từ khi làm việc nghĩa thì vợ chồng ông không hề dành dụm đồng nào. Dù vậy, ông bà vẫn vui và luôn nhiệt tâm với công tác xã hội. “Tui đã bàn với gia đình, vài năm nữa nếu không còn sức khỏe để chạy xe ôm thì tui xin vào các tổ từ thiện ở bệnh viện để phụ lo chuyện cơm nước cho bệnh nhân nghèo, hoặc lên núi tìm thuốc cho các tổ thuốc nam… những việc làm như vậy sẽ giúp tui vui lúc tuổi già. Và rất mừng là cả nhà đều ủng hộ”. “Tui chỉ mong sao được khỏe mạnh mãi, để làm từ thiện, giúp đỡ được nhiều người hơn nữa, nhưng ai mà khỏe mãi được hả chú?”, ông lão trăn trở…

Huỳnh Phú Trọng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nguoi-tu-te-chay-xe-om-lay-tien-lam-tu-thien-3036751/