Người 'vác tù và hàng tổng'

21 năm qua, ngày nào người dân tổ 22 (khu 3, phường Ngọc Hà,Ba Đình, Hà Nội) cũng thấy ông Đỗ Sáng Luyện tất tả tay vợt, tay bao ra hồ Hữu Tiệp từ 5h sáng, rồi lúc 4h chiều, để vớt rác.

(GD&TĐ) - 21 năm qua, ngày nào người dân tổ 22 (khu 3, phường Ngọc Hà,Ba Đình, Hà Nội) cũng thấy ông Đỗ Sáng Luyện tất tả tay vợt, tay bao ra hồ Hữu Tiệp từ 5h sáng, rồi lúc 4h chiều, để vớt rác.

Không chỉ có vậy, đều đặn ngày 3 lần ông quét chợ, phân làn giao thông trong khu phố. Người ta gọi ông với những biệt danh đầy ưu ái “ông công nhân môi trường, ông cảnh sát giao thông”…

Một thời ngang dọc

21 năm nay, ngày nào ông Luyện cũng miệt mài làm công việc của một người “vác tù và hàng tổng”.

Nhìn dáng người gầy, mái tóc đã bạc trắng, ngày ngày tất bật với những công việc “chẳng ai làm” ấy, ít ai biết rằng, thời trẻ, ông Đỗ Sáng Luyện từng có những ngày tháng huy hoàng của một chàng thanh niên xung phong. Ông đi khắp đất nước để mở những con đường và xây những cây cầu cho xe vận chuyển lương thực, hàng tiếp tế cho bộ đội nơi chiến trường, được phong tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

18 tuổi, chàng trai Đỗ Sáng Luyện lên đường theo tiếng gọi của tổ quốc. Ông được phân về công tác trong đội C1 - B1, Hà Nội Mục Nam Quan. Những năm 50 của thế kỉ trước, bom Mĩ bắn phá liên tục khiến những con đường bị phá nát, công việc của những người lính thanh niên xung phong đi xây dựng cầu đường khi ấy vất vả vô cùng. Xây dựng đã khó, xây dựng từ trên những đổ nát càng khó hơn. Nhiệm vụ đầu tiên của ông là cùng đồng đội xây dựng cây cầu ở Phủ Làn Phương (Bắc Giang), giáp ranh biên giới Trung Quốc để vận chuyển hàng từ bên đó sang viện trợ cho Việt Nam.

Công việc vô cùng khó khăn nhưng cũng đầy hứng khởi đối với những chàng trai trẻ giàu nhiệt huyết như ông Luyện khi đó. Hàng ngày, ông cùng đồng đội làm việc bất kể giờ giấc với một động lực thôi thúc là sớm có đường, có cầu để chuyển hàng viện trợ cho đất nước. Những lúc Mĩ ném bom, ông và đồng đội cầm súng chiến đấu, khi bóng máy bay vừa khuất hẳn, họ lại lao ra với cuốc, xẻng và những con đường.

Tết năm 1955, khi đang tham gia xây dựng chiếc cầu đầu tiên, ông được gặp Bác Hồ khi Bác về thăm và chúc Tết anh em. Ông Luyện được gặp Bác ngay trên con đường tắt ông và đồng đội hay đi về dù trước đó anh em đã bố trí dọn dẹp con đường khác để đón Bác. Được báo trước, nhưng ông vẫn không nén nổi sự xúc động, hồi hộp. Những lời dặn dò của Bác Hồ khi ấy vẫn mãi còn lưu lại trong tâm thức chàng trai Đỗ Sáng Luyện suốt những năm công tác, và có lẽ cả trong những năm cuối đời với công việc “vác tù và hàng tổng”.

Mười mấy năm sau đó, ông đi Việt Trì, Tây Bắc, Mường Phăng… tham gia làm cầu Thăng Long, cầu Hàm Rồng, cầu Cửa Tiền … Đến giờ, ông không thể nhớ hết những công trình mình đã làm, những chiến trường mình đã đi qua … Ông chỉ nhớ, mình đã đi bộ dọc chiều dài đất nước, với túi gạo 10 cân trên lưng, có những lúc cận kề cái chết, có những cây cầu xây đến đâu Mĩ bắn phá đến đó, máu đồng đội trộn lẫn bùn đất. Vất vả, nguy hiểm, ăn uống kham khổ, nhưng tinh thần thanh niên vô cùng hăm hở.

Người thanh niên xung phong ngày nào thấy vui khi làm những công việc có ích cho đời

Thích làm việc không công

Đất nước giải phóng, ông tiếp tục công tác trong đội cầu đường Thăng Long thêm 6 - 7 năm. Đến năm 1983, ông mới trở về làm ăn với gia đình. Năm 1990, ông tham gia công tác ở địa phương. Thấy ông chịu khó, có trách nhiệm, mọi người tín nhiệm bầu ông làm tổ trưởng dân phố. Những năm đó, hồ Hữu Tiệp chỉ như một vũng nước rộng, xung quanh không có bờ kè, không có tường quây, nên chỉ một cơn gió mạnh cũng đưa rác thải về hồ. Sau những cơn mưa, rác dồn về hồ ngập ngụa, lâu dần nơi đây bốc mùi hôi thối.

Đây là hồ duy nhất còn lưu giữ xác máy bay rơi trong nội thành Hà Nội. Thấy nơi lưu giữ chiến tích lịch sử của dân tộc trở thành nơi chứa rác, người cựu thanh niên xung phong năm xưa không tránh khỏi trăn trở. Bàn tay quen cầm cuốc cầm xẻng, quen mở lối xây đường lại… “ngứa ngáy”. Ông vận động bà con cùng góp sức, cởi áo, xắn quần ngụp lặn mấy ngày nạo vét hết rác thải trong hồ.

Từ đó đến nay, sáng sáng, thay cho việc thể dục, ông lại vác đồ nghề đi vớt rác. Đồ nghề của ông chỉ đơn giản là cái rổ nhựa được buộc chặt vào một cây nứa dài 6 mét cùng một bao tải để gom rác. Rác vớt vào tập kết gọn lại một chỗ chờ xe rác đến chở đi. Mỗi ngày ông vớt không biết bao nhiêu rác. Có khi cả mấy bao cát.

Giai đoạn đầu ông phải làm nửa ngày, có khi phải thuê thêm người vớt cùng. Ông Luyện cho biết, nếu đều đặn một ngày vớt 2 lần thì rác sẽ ít đi, chỉ phải dọn nửa tiếng, có khi 15 phút buổi sáng và chiều. Nhưng cũng có khi trong một ngày ông vớt 3 - 4 lần, nhiều khi đi dọn chợ, thấy rác dạt vào ông lại vớt.

21 năm nay, bất kể trời mưa nắng, trừ những ngày ốm liệt giường, ông vẫn cần mẫn với công việc tưởng chừng như quá sức ấy. Nhiều gia đình thấy sự tận tình của ông, quyên góp chút tiền gửi lại cho ông. Có người gặp thì biếu ông chút tiền ăn quà. Số tiền đó ông không dùng chi tiêu cho bản thân mình mà để mỗi khi trái gió trở trời, ông mệt thì dùng để thuê người vớt rác thay ông.

Từng tham gia kháng chiến, ông Luyện mong muốn giữ lại vẻ tôn nghiêm cho chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc. Làm công việc vớt rác trên hồ, mỗi khi khách du lịch hỏi, ông đều kể lại câu chuyện hào hùng về nơi đây cho họ nghe với một niềm tự hào của người con đất Thăng Long Kẻ Chợ.

Từ khi chợ cóc mọc lên ở gần nhà, ông kiêm luôn công việc vệ sinh chợ không công. Mỗi sáng, sau khi làm công việc vệ sinh hồ xong, ông lại đi 1 vòng, nhắc nhở bà con giữ không bày hàng không gây cản trở ùn tắc giao thông. Ông phát cho bà con bán hàng mỗi người 1 chiếc túi để đựng rác, cuối buổi chợ, ông lại đi gom từng túi để vào nơi quy định.

Bà con nơi đây còn quen thuộc với hình ảnh người thanh niên xung phong già trong những ngày mưa bão, khơi thông cống rãnh để nước chảy nhanh, hay thấy ông tất tả mũ áo còi gậy đi phân làn giao thông vào lúc 7h mỗi sáng.

Làm tổ trưởng của một khu phố với khoảng 70 hộ, ngoài những công việc của một người tổ trưởng thông thường, ông kiêm luôn trách nhiệm của một người công nhân môi trường, cảnh sát giao thông, lẫn phát thanh viên. Mỗi khi có thông báo mới, ông lại mang loa đi vào từng ngõ để thông tin đến với mỗi người dân rõ ràng, chính xác. Toàn những việc không công và chẳng ai nhờ, nhưng ông lại thấy vui khi làm những công việc giúp cho cuộc sống bình yên, môi trường sạch đẹp hơn.

Ngoài niềm vui công việc, hạnh phúc mỗi ngày của ông Luyện còn là bữa cơm đoàn tụ của gia đình đều đặn vào 8 giờ tối mỗi ngày. Ông luôn tự hào về gia đình của mình, nơi có người vợ hết mực ủng hộ công việc ông đang làm, có những đứa con thành đạt và những đứa cháu ngoan ngoãn, học giỏi…

Nguyễn Huệ

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2773/201308/nguoi-vac-tu-va-hang-tong-1971864/