'Người về đem tới xuân đời... ' (*)

Trong tiết xuân Tân Tỵ 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam đón trước những bước ngoặt của tình hình đã được Người dự báo. Ngày lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc năm xưa (28-1-1941) tình cờ trùng với ngày đầu tiên của năm mới Đinh Dậu 2017 gợi nhiều suy nghĩ.

Thêm những nhân tố chưa từng có cho cách mạng

Đầu năm 1941, trên chiến trường châu Âu, các lực lượng tiến bộ chống phát- xít đang ở thế bất lợi. Tại Đông Dương, quân Nhật đã tràn vào Việt Nam từ tháng 9-1940. Chính quyền thuộc địa của Pháp nhanh chóng đầu hàng và trở thành công cụ của Nhật. Nhân dân Việt Nam chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Mặc dù vậy, bằng sự nhạy cảm chính trị thiên tài của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có nhận định vượt thời gian: Lực lượng tiến bộ sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát-xít và cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam sẽ có những cơ hội quý báu. Cả dân tộc phải tích cực chuẩn bị lực lượng để có thể đón đúng thời cơ lịch sử mà giành lại độc lập. Dù giá buốt vẫn còn nhưng nắng xuân sẽ tới ngập tràn, tương lai ấm áp sẽ đến. Đó là quy luật của đất trời, cũng là mong ước của lòng người.

Giữa núi rừng Pắc Bó, “Non xa xa, nước xa xa”, Người vẫn ung dung “Hai tay xây dựng một sơn hà”(Pắc Bó hùng vĩ) với phong cách an nhiên dù bộn bề công việc. Từ mùa xuân Tân Tỵ 1941, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam có thêm những nhân tố chưa từng có trong các giai đoạn trước.

Sau một thời gian ngắn gấp rút chuẩn bị, từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941 , lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hội nghị chỉ rõ: “Lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy” và xác định nhiệm vụ “cần kíp nhất” của cách mạng Việt Nam khi đó là giải phóng dân tộc. Cũng theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Việt Minh ra đời ( 19-5-1941 ) với quyết tâm “làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do”, giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân. Mặt trận Việt Minh còn tiếp tục phát huy vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, trong sự nghiệp kháng chiến - kiến quốc gian khổ và vinh quang những năm sau đó.

Cũng do sự phát triển rộng khắp của phong trào Việt Minh, Đảng đã hình thành, duy trì và phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng được những khu căn cứ cách mạng. Ngày 22-12-1944, thực hiện Chỉ thị của Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời, chính thức đánh dấu sự khai sinh của Quân đội nhân dân Việt Nam với những trang sử hào hùng,

“Từ nhân dân mà ra

Vì nhân dân mà chiến đấu”.

“Khó khăn nào cũng vượt qua

Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành

Kẻ thù nào cũng đánh thắng”, ngày càng được viết dày thêm...

Lãnhtụ NguyễnÁi Quốc về nước cũng mang những nhận định mới về tình hình thế giới và đề ra sách lược đối ngoại cho cách mạng Việt Nam, để cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam hòa nhập trong cuộc đấu tranh chung chống phát-xít, tạo ra những tiền đề cho việc xác lập vị thế của nước Việt Nam độc lập trên trường quốc tế sau này.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, việc mở rộng cánh cửa để cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là một bộ phận trong cuộc đấu tranh chung của nhân loại tiến bộ vì hòa bình và những giá trị nhân đạo, nhân văn luôn nhất quán. Hơn thế, Hồ Chí Minh là một trong số ít lãnh tụ cách mạng luôn coi và tích cực đấu tranh cho các mối quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia - không có sự áp đặt, thống trị bất công của các “nước lớn” - là những tiêu chí của một trật tự thế giới văn minh. Cuộc đấu tranh để khẳng định những giá trị đó cũng là sự phát triển, hoàn thiện của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong giai đoạn trực tiếp lãnh đạo cách mạng những năm 1941 - 1945, điều này có ý nghĩa to lớn, được Người thực hiện với tất cả sự nỗ lực và đã có những kết quả đáng kể.

Sau khi Việt Nam giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nhấn mạnh: “Việt Nam muốn xây dựng quan hệ hữu nghị dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng quyền lợi lẫn nhau”, với các nước láng giềng thì “hợp tác bình đẳng để sánh vai ngang hàng cùng tiến hóa”, với các “nước lớn” thì “sẵn sàng hợp tác thân thiện trên nguyên tắc bình đẳng, ủng hộ lẫn nhau” (Thông cáo về chính sách đối ngoại của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3-10-1945).

“Ứng vạn biến” để khẳng định chỉ một “Bất biến”

Tình hình biến động mạnh mẽ và nhanh chóng đặt Việt Nam giữa những vòng xoáy. Chúng ta không (thể) thụ động mà cần (phải) chủ động ứng phó với những biến động từng ngày, thậm chí từng giờ. Trong tương lai thế giới, các nước “lớn” sẽ vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành và chi phối những sự kiện, những mối liên kết, liên minh, những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tầm ảnh hưởng khu vực và toàn cầu nhưng cũng sẽ không dễ áp đặt những toan tính của mình như trong những giai đoạn trước.

Kinh nghiệm lịch sử cũng chỉ ra rằng tiếng nói của khu vực và các nước vừa và nhỏ có “sức nặng” đến mức nào phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó một phần lớn phụ thuộc vào sự chủ động, sự nhạy bén, khôn khéo của những nước này với các nước lớn và cả giữa các nước vừa và nhỏ với nhau. Vai trò, vị thế của Việt Nam được khẳng định bằng sự cân bằng những tương tác của Việt Nam với thế giới, trong đó trước tiên và quan trọng hơn cả là các mối quan hệ trong khu vực Đông - Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương. Với hướng nhìn đó, Việt Nam - bằng những hoạt động đối ngoại thiết thực và hiệu quả - ngày càng khẳng định vị thế của mình trong Cộng đồng ASEAN với những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Chúng ta khẳng định “cái bất biến” luôn là Độc lập cho dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân và để đạt được cần phải linh hoạt, sáng tạo “ứng vạn biến” trước những tình huống cụ thể trong những giai đoạn nhất định, nhưng tuyệt đối không được làm tổn hại đến “cái bất biến”.

*

* *

Đất nước hôm nay đang bước những bước quan trọng trên tiến trình đổi mới và phát triển.Năm mới Đinh Dậu 2017 đã đến mang hình tượng đẹp Gà trống, mang ước vọng Đại Cát - Chú bé ôm gà trống với những niềm hy vọng mới từ bức tranh Đông Hồ nổi tiếng. “Ôn cố nhi tri tân” - Ôn (nhớ) chuyện cũ để biết chuyện mới. Bài học từ đường lối sáng tạo và những hoạt động phong phú của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ mùa xuân Tân Tỵ 1941 năm xưa vẫn cần được chúng ta kế thừa, phát huy.

(*) Trích lời trong bài hát "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" của cố nhạc sĩ Văn Cao.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/antuong/item/31940602-%e2%80%9cnguoi-ve-dem-toi-xuan-doi-%e2%80%9d.html