Người Việt đầu tiên vượt sóng gió đến Mỹ

Hai lần sang nước Mỹ, lòng mong đem ba tấc lưỡi mà làm kẻ thuyết khách cầu viện đuổi Tây xâm. Việc dù không kịp thành, mà tấc lòng vì nước mãi ấm nóng. Bởi thế, dù sử nhà Nguyễn không để lại dòng nào cho công trạng của ông, nhưng tên tuổi Bùi Viên cứ sáng mãi trong sử Việt.

Bùi Viện diện kiến Tổng thống Mỹ Ulysses Grant

Tham gia dẹp được cái loạn Quản Uy, Quản Cáo, thì lại đến phiên tiếp theo, Bùi Viện theo dưới cờ Doãn Uẩn mà ra đất Hải Phòng, nạo vét bến Ninh Hải để làm một thương cảng kiêm quân cảng, làm cửa ngõ của xứ Bắc Kỳ, là nơi giao thương, buôn bán với ngoại quốc; đồng thời, lại phải phòng ngự bọn giặc bể người Tàu hay vào cướp phá, bọn thổ phỉ nổi lên.

Lĩnh ấn xuất dương

Thế rồi, xứ Bắc Kỳ có biến. Số là Jean Dupuis, tay lái buôn người Pháp, những mong tìm được một con đường từ Bắc Kỳ sang Tàu, nên năm 1872, hắn mang theo một đoàn mấy chiếc thuyền, ngang nhiên từ Sài Gòn ta Bắc. Nơi thuyền Dupuis neo lại, chính là bến Ninh Hải, một công trình có sự góp công khai phá của Bùi Viện.

Rồi từ đó, thuyền của tay lái buôn người Pháp lần theo sông Nhị Hà mà ngược lên Hà Nội để tìm lối sang Vân Nam. Lúc này, Nguyễn Tri Phương làm Kinh lược Bắc Kỳ, thấy tay lái buôn này ngang nhiên xâm phạm đất đai thì cho quân ngăn cản, khiến xung đột xảy ra. Phía Pháp phải cử Đại úy Francis Garnier ra dàn xếp vụ việc.

Sẵn có vũ khí hiện đại hơn, nhiều thành quách lân cận Hà Nội bị đoàn quân của Garnier thâu tóm. Nhà Nguyễn trước tình thế ấy, cử Lê Tuấn đi sứ vào Sài Gòn để điều đình. Bùi Viện được sung vào sứ bộ, nhưng ngặt nỗi lúc ấy ông đang về thăm nhà.

Lúc này, nhiều người có chức phận trong triều đình vua Tự Đức như Lại bộ Thượng thư Nguyễn Tư Giản, rồi Nguyễn Trường Tộ nhận thấy cần phải có sự đổi mới, cải cách. Vua Tự Đức cũng thấy điều đó. Và thế là, Bùi Viện được tiến cử ra ngoại quốc để làm tai mắt cho triều đình.

Năm Giáp Tuất (1874), Bùi Viện lĩnh mệnh vua, lên đường xuất dương để mở mang tầm mắt, hòng tìm cái lợi về mà trung hưng vận nước. Theo “Bùi Viện với công cuộc duy tân triều Tự Đức”, thì trước trọng trách cao cả của họ Bùi, nhiều viên chức trong triều đã làm thơ tiễn biệt ông, như Hộ bộ Thượng thư Phạm Phú Thứ, Lại bộ Thượng thư Nguyễn Tư Giản, Nội các Tham biện Bùi Dị…

Riêng vua Tự Đức, tiễn đưa sứ thần họ Bùi nơi núi Thúy Vân. Hành trang Bùi Viện mang theo, là “một chiếc thuyền gỗ, trong chứa chất một ít vàng bạc và những đồ vật dụng như gạo, cá khô, nước ngọt…”.

Hồng Kông, một điểm đến ngoại quốc của Bùi Viện

Sang Tây bán cầu

Điểm đến đầu tiên của vị sứ thần được thác mệnh vua không phải là trời Tây nơi cựu lục địa, hay là Tân thế giới, mà là Hương Cảng, một hòn ngọc được người Anh góp phần khai phá. Nơi ấy tàu buôn các nước Âu, Mỹ ra vào tấp nập, phố phường rõ là nơi đô hội mang ảnh hưởng của phương Tây, khác xa cảnh phố phường nước nhà rặt nét Á Đông.

Chính từ mảnh đất này, họ Bùi tìm cách giao du với các nhân sĩ nước Tàu có mặt nơi Hương Cảng, những người đã có kinh nghiệm giao thiệp với văn minh Âu Tây nhiều hơn ông.

Cũng từ mối giao thiệp ấy, Bùi Viện được bắc cầu mà biết đến và làm thân với một vị lãnh sự người Mỹ. Vốn vị sứ thần này có mẹ gốc Hoa, nên dù là người Mỹ, mà tiếng Tàu chẳng kém gì người bản địa. Trong khi ấy, sứ thần nước Đại Nam cũng có vốn tiếng Quảng Đông, bởi vậy mà việc đàm đạo không bị cách trở.

Từ sự thông tin hai bên, Bùi Viện được mở rộng tầm mắt, biết đến một liệt cường nơi bán cầu Tây còn nhiều xa lạ với dân Nam. Ông bày tỏ cái mục đích xuất dương của mình cho người bạn lai kia nghe. Thế là, một nút thắt được mở ra từ sự gợi ý của người bạn sứ thần ấy, con đường nhờ cậy liệt cường, họ Bùi thấy được đường hướng ở quốc gia thoát thai từ thuộc địa thực dân Anh ngày xưa.

Lúc bấy giờ, “chú Sam” đương thời Tổng thống Lincoln cầm quyền. Người bạn Mỹ liền viết một bức thư, giới thiệu Bùi Viện với nhà lãnh đạo cao nhất Mỹ quốc. Vậy là, điểm đến tiếp theo đã được xác định. Bùi Viện liền lên tàu sang Nhật Bản. Đến xứ Phù Tang, họ Bùi lại đáp tiếp tàu buôn Mỹ để sang Tây bán cầu. Và khi đến đất nước xa lạ hoàn toàn với cảm nghĩ của một người Á Đông da vàng, Bùi Viện ở ở lại nơi đây ngót một năm. Để làm gì?

Theo miêu tả của Phan Trần Chúc trong “Bùi Viện với công cuộc duy tân của triều Tự Đức”, thì ấy là thời gian họ Bùi phải tìm trăm phương ngàn kế để diện kiến được Tổng thống Mỹ. Và để không uổng phí, họ Bùi “đã không bỏ sót một cơ hội nào mà không đi thăm các thị trấn lớn của Hoa Kỳ. Những phong tục và tập quán trái với nước ông không đủ làm cho ông lạ nữa. Những ngôn ngữ và nhân chung không giống với người nước ông, ông cũng coi là sự thường”.

Thế rồi, vị sứ thần nước Việt đầu tiên đến Mỹ, cũng được gặp nhà lãnh đạo tối cao của nước Mỹ. Nhưng người ấy, không phải là Lincoln (như ghi chép của Phan Trần Chúc), mà là Tổng thống Grant (nhiệm kỳ 1868-1876).

Những tâm tư, mong muốn được họ Bùi trình bày với nhà lãnh đạo Hoa Thịnh Đốn, ấy nhưng, đến đây mới có một bất lợi, bởi quốc thư, ông lại không có. Thế là Chính phủ Mỹ bấy giờ đang có mối quan hệ không tốt với Pháp, đầu lòng có muốn giúp nước Nam ở Á Đông xa xôi hay không, cũng không thể thực hiện được việc kết nối khi không có gì chứng thực cho việc họp Bùi là đại diện cấp cao của Đại Nam.

Nước Mỹ cuối thế kỷ XIX khi Bùi Viện đến đã rất phát triển

Kiên tâm vì nước

Không thối chí nản lòng, lại vượt trùng khơi, họ Bùi hồi hương về nước, những mong lại tiếp tục cuộc hành trình mới để đạt cho được ước nguyện. Thuyền về đến Thuận An, gặp lại vua Tự Đức, họ Bùi trình bày hết kiến văn của mình về thế giới trong quá trình lĩnh mệnh vua đi mở mang việc giao thiệp, lại xin với vua cho làm Toàn quyền đại thần để ngoại giao với Chính phủ Mỹ. Dẫu còn bị ngăn trở bởi những vị quan thủ cựu, nhưng cuối cùng, quốc thư được soạn, và vậy là, tiếp một chuyến đến Mỹ nữa của Bùi Viện.

Nhưng, thời vận buồn làm sao, lại chẳng gặp nhau. Lúc này, quan hệ Pháp – Mỹ đã ấm trở lại, dẫu có quốc thư trong tay, nhưng Tổng thống Mỹ Grant khước từ sự giúp đỡ nước Nam chống Pháp. Vậy là, qua bao sóng gió và sự kiên tâm bền chí vì nước, mà họ Bùi vẫn “xôi hỏng bỏng không”. Ông đành phải ôm mối thất vọng mà quay thuyền về nước.

Nỗi buồn càng thêm chất chứa khi về đến cố quốc, thì lại hay tin mẹ mất. Vua Tự Đức dù biết kết quả không còn khả quan, nhưng vẫn ghi nhận công lao lao tâm khổ tứ của ông, nên mới châu phê rằng: “Trẫm với người tuy chưa có ân nghĩa gì cả mà đã coi việc nước như việc nhà, không quản xa xôi, lo lắng. Quỷ thần tất cũng biết vậy”.

Về quê chịu tang mẹ, ông nhận thư triệu về kinh, được cất nhắc lên làm Thương chính Tham biện. Chính ông, nhận thấy nạn giặc Tàu Ô hoành hành trên biển Việt, làm cho giới thương buôn vất vả trăm bề. Trong khi ấy, đội quan phòng của nhà nước thì bất lực, có cũng như không.

Vậy là, họ Bùi với kiến văn rộng rãi, đã đi đây đó khắp nơi, liền làm biểu tấu dâng lên vua trình bày muôn nỗi cùng kiến nghị của bản thân hòng cải cách việc bảo vệ thương buôn, kiểm soát nạn cướp biển. Ấy nhưng, kết quả nhận lại chỉ là một lời khước từ của vua Tự Đức “Đại ngôn bất năng, thị tộc” (Nói lớn mà không làm được, thì là có tội).

Phải mấy năm sau, vua Tự Đức mới thấy được cái ích lợi trong lời tâu của họ Bùi, nên phê tiếp “Ngươi nên tự cáng đáng lấy việc này. Nhưng trước nhất bàn với viên Bố chánh Thanh Hóa đã, rồi quyết định thế nào, cả hai người sẽ cùng tâu lên Trẫm biết”.

Để thuận tiện cho ông làm, vua phong Bùi Viện làm Tuần hải nha Chánh quản đốc. Lại tiếp những biểu tấu được gửi lên vua, đề nghị lập đội thủy quân, gọi là “Tuần dương quân”, xây dựng việc thưởng phạt nghiêm minh, bày ra cách thức chiêu mộ…

Và chỉ trong 6 tháng, họ Bùi đã mộ được khoảng 2.000 quân cả người Việt lập làm đội Thủy dũng, người Tàu lập làm đội Thanh đoàn. Thuyền có 200 chiếc. Công ấy, thật lớn lao. Nên biết, họ Bùi xuất thân từ kẻ thư sinh nghiên bút, chưa qua chiến trận. Nhưng bởi đã Đông sang Tây, nên ông có suy nghĩ táo bạo hơn người là vì vậy. Đây, chính là một dấu ấn lớn của đời ông.

Tiếc sao, trời lại nỡ cướp người anh hùng khỏi dương thế. Mọi tài năng, sức vóc đang cống hiến cho nước nhà, thì họ Bùi lại về cõi bồng lai. Ông mất đột ngột khi tuổi đời mới tròn 40, để lại niềm hoài thương cho bao người đồng vọng. Điều ấy, tỏ rõ qua thơ Nguyễn Tư Giản ai điếu:

“Kiếp sau chưa dứt niềm nhà nước,

Chí lớn đành đem gửi biển, non”.

Hay Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến thì tiếc thương:

“Làm việc chẳng ai làm, dọc đất ngang trời, trơ chí lớn!

Cũ người là bạn cũ, ôm đàn mở sách, nhớ tình xưa!”.../.

Đông Sơn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/nguoi-viet-dau-tien-vuot-song-gio-den-my-315133.html