Người Việt mua Samsung giá đắt: Cái khó của Việt Nam

"Các yêu cầu của chính quyền sở tại đối với nhà sản xuất của từng dòng sản phẩm hàng hóa, sẽ quyết định mức giá bán ra".

Đó là quan điểm của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính với Đất Việt, trước thông tin người Việt đang phải mua điện thoại Samsung với giá đắt hơn so với các nước.

Phải có chính sách thỏa thuận ngay từ đầu

PV:- Rà soát giá của dòng máy điện thoại Samsung trên một số thị trường, thấy rõ, giá thành ở các nước rẻ hơn giá bán tại Việt Nam khá nhiều (Ví dụ như ở Singapore: Samsung Galaxy J7 LTE Dual Sim (New) có giá SGD $300.00 = 4.600.000 VNĐ; Ở Ấn Độ Samsung Galaxy J7 - 13,080 Rs = 4.360.000 VNĐ, nhưng ở VN lại có giá Samsung Galaxy J7 = 6.290.000 VNĐ.

Một dòng điện thoại khác mới ra như Samsung Galaxy S7 Edge (G935FD) ở Malaysia có giá - RM 2388 = 12.900.000 VNĐ; ở Singapore, Samsung Galaxy S7 (32GB) (New) có giá SGD $780.00 = 11.700.000 VNĐ; ở Ấn Độ, Samsung Galaxy S7 có giá 38,990 Rs = 13.000.000 VNĐ. Nhưng ở Samsung Galaxy S7 Edge (Pink Gold Edition) có giá 18.490.000 VNĐ).

Điều này khiến nhiều người tiêu dùng Việt băn khoăn, Samsung sản xuất tại Việt Nam, không mất tiền vận chuyển, lại đang được hưởng những ưu đãi cao cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng lại không có chính sách bán hàng tốt với khách Việt.

Thưa ông, băn khoăn nói trên có đúng hay không và vì sao? Theo ông, việc người Việt đang phải mua Samsung với giá thành cao hơn các thị trường khác có phải một điều khó hiểu hay không?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - Về nguyên tắc, một chiếc điện thoại không chỉ Samsung mà các dòng khác cũng vậy, nếu như bán ở các nước luôn có giá rẻ hơn ở VN, do vấn đề liên quan chính sách thuế, phí của nước chủ nhà với mặt hàng đó.

Đối với các mặt hàng điện thoại đắt tiền, ở VN hiện đang phải chịu các loại thuế khác nhau, như: thuế tiêu thụ đặc biệt, mức không hề thấp, tùy theo từng sản phẩm mà có mức cao hoặc thấp; phí bảo hành, bảo trì; đặc biệt là các yêu cầu của chính quyền sở tại đối với nhà sản xuất của từng dòng sản phẩm hàng hóa, sẽ quyết định mức giá bán ra.

Thực tế, chúng ta hoàn toàn có thể trách nhà sản xuất, nhà cung cấp, có liên quan đến lợi ích kinh tế; nhưng mặt khác, chính sách thuế phí của chúng ta chưa đi song hành với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của các quốc gia trong khu vực, cũng như trên thế giới.

Không chỉ riêng điện thoại, kể cả ô tô cũng vậy, nếu như các nước, ví dụ ở Hàn Quốc giá xe khoảng 20.000 USD thì về VN giá phải đắt gấp 3 lần.

Sản xuất tại Việt Nam nhưng giá Samsung đắt hơn ở các thị trường khác

Hay một ví dụ khác, cách đây mấy chục năm, xe máy Honda sản xuất tại VN bán với giá 35 triệu đồng, trong khi đó, một chiếc Honda nhập khẩu từ Thái Lan về chỉ khoảng 38 triệu đồng, chênh nhau 3-5 triệu, trong khi chất lượng Honda Thái tốt hơn, nghĩa là giá thành của chúng ta khá đắt.

Thời điểm đó, nếu không có Honda tàu đi vào, mức thuế xe máy hạ xuống, thì giá xe máy ở VN sẽ cao. Nghĩa là nhờ thuế, nhờ hàng hóa cạnh tranh khác, đối tượng khác, thì chúng ta mới có giá xe máy như hiện nay.

Riêng với Samsung, tuy sản xuất điện thoại tại VN, mà giá đắt hơn so với các nước khác, cũng dễ lý giải, vì chi phí vận chuyển không quá lớn so với một chiếc điện thoại, thuế phí, thỏa thuận ngay từ ban đầu của chúng ta về chính sách ưu đãi với Samsung mới là phần chính.

VN cần sự phát triển toàn diện

PV:- Trên thực tế, để mua được iPhone giá tốt, nhiều người đã phải sang tận Mỹ hay để mua được những chiếc iPhone đầu tiên, nhiều người ở khu vực ĐNA đã phải sang xếp hàng ở Singapore. Điều này đặt ra khả năng, nếu Samsung có những chính sách ưu ái với thị trường Việt Nam, chúng ta sẽ thành một điểm đến smartphone Samsung, giống như Singapore.

Thưa ông, đây có phải là lý do mà Việt Nam nên đặt ra yêu cầu đối với Samsung về vấn đề này? Về phía họ, khi kích hoạt một điểm đến smartphone như Việt Nam, họ cũng sẽ có những thuận lợi gì?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: - Thực ra khi nói đến việc này thì không đơn thuần là việc chúng ta hi vọng, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Nếu chính sách của VN tốt, có thương thảo ngay từ đầu, chính sách tiếp thị của nhà sản xuất tốt, chúng ta hoàn toàn có thể hi vọng VN có thể trở thành một trong những điểm đến bán hàng hóa nói chung, hàng hóa điện tử nói riêng.

Rõ ràng họ sản xuất tại VN, mà mức giá phí hợp lý thì giá thành rẻ hơn nhiều, nhưng không có riêng ai đến quốc gia sản xuất điện thoại để mua 1 chiếc điện thoại, thường họ sẽ kết hợp đi du lịch chữa bệnh, du lịch lịch sử hoặc mua sắm.

Do đó, để giúp cho Samsung lựa chọn VN, biến chúng ta thành thị trường, điểm đến mua hàng hóa tiềm năng, làm sao có được giá tốt nhất, hậu mãi tốt nhất, thì về phía VN, các DN Việt cũng phải làm nhiều điều, làm sao để họ có thể đến VN du lịch, tham quan, học hỏi.

Khi VN trở thành trung tâm của khu vực, khi đó có nhiều cơ hội bán các sản phẩm hàng hóa, của Samsung, của các DN khác đang sản xuất kinh doanh tại VN.

Và việc cần làm hiện nay, chúng ta phải làm thế nào để Samsung tận dụng, sản xuất các sản phẩm có tính nội địa cao, sử dụng nhiều yếu tố nội địa của VN, làm sao giá trị gia tăng trong các hàng hóa của Samsung ở mức cao, chứ không phải 10-20% như hiện nay.

Khi đó, chúng ta sẽ gia tăng được công ăn việc làm, thu nhập cũng như đóng góp nền kinh tế VN, vào sản phẩm điện tử có tính quốc tế.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/nguoi-viet-mua-samsung-gia-dat-cai-kho-cua-viet-nam-3321952/