Người Việt sống trong 'Ngày của người chết'

Ở Mexico, có một lễ hội để khắp nơi ăn mừng, hát hò, kể những chuyện vui về người quá cố. Người ta gọi đó là “Ngày của người chết”.

Bàn thờ giữa thành phố vào ngày lễ hội

Từ San Diego (Mỹ), tôi bắt tuyến tàu điện giá 3 USD để sang Tijuana (Mexico). Hai thành phố của hai quốc gia chỉ cách nhau bằng một hàng rào kẽm gai, nhưng là cả một bầu trời khác biệt.

Một bên trong lành, ngăn nắp với những ngôi nhà, dãy phố tươm tất, bờ biển là nơi của những chú sư tử biển, các loài chim tụ về. Một bên là những căn nhà lụp xụp, ọp ẹp, bờ biển không một tiếng chim kêu, khói bụi nghi ngút vì những nhà máy mọc lên.

Cách đây vài năm, Tijuana là một trong những thành phố nguy hiểm, khách du lịch được khuyến cáo không nên ghé thăm vì nạn trộm cắp, buôn bán cần sa. Nay Tijuana đã trở nên ổn hơn phần nào. Ely và Carmen, hai người bạn đang tham gia hoạt động nhằm giúp khách du lịch có một ấn tượng tốt về thành phố của họ, háo hức đón tôi bằng một bữa sáng truyền thống của người Mexico.

Ely chuẩn bị sẵn xe để chở tôi đi chợ sắm sửa đồ đón lễ hội “Ngày của người chết”.

Người dân hóa trang đón lễ hội

Món ăn đầu lâu

Lễ hội diễn ra vào ngày 1 và 2 của tháng 11, nhưng thông thường người ta làm lễ cúng vào 12 giờ đêm 31.10, vì họ tin rằng đó là thời điểm thích hợp để kêu gọi linh hồn người chết trở về. Ngày 1 là ngày để tưởng nhớ những trẻ em đã qua đời. Ngày 2 để tưởng nhớ những người lớn đã mất. Hầu hết mỗi nhà đều phải sắm sửa trang trí cho bàn thờ của nhà mình.

Ely dắt tôi ra chợ, nơi mà những quầy bán thức ăn bị vùi ngập bởi những sản phẩm dành cho lễ hội. Những chiếc đầu lâu được làm từ đường hoặc chocolate xuất hiện phủ kín các gian hàng. Cô bảo, những chiếc đầu lâu là thứ không thể thiếu trên bàn thờ, đại diện cho linh hồn người chết. Nếu trong nhà có 2 người chết, họ sẽ phải mua 2 chiếc đầu lâu, ghi tên của người quá cố lên phần trán mỗi chiếc đầu lâu. Bàn thờ được trang trí cùng loại hoa đặc trưng là hoa vạn thọ, thứ mà người Mexico tin rằng mùi của loài hoa này có thể quyến rũ linh hồn người chết trở về.

Ely mua hai chiếc đầu lâu bằng đường cho ông bà của cô. Cô giải thích thêm, bên cạnh hoa và đầu lâu, chủ nhân phải để thêm ảnh của người chết lên bàn thờ. Họ trang trí cùng nến và các loại bánh kẹo hoặc những thứ mà người chết thích ăn để chiêu đãi. Chẳng hạn như ông bà cô thích ăn chocolate và những hạt kẹo tròn hình viên bi, nên cô mua hai loại đó để đãi ông bà. Với trẻ em, bàn thờ được trang trí thêm đồ chơi. Với người lớn, bàn thờ có thêm thuốc và rượu mescal (nếu người đã mất thích hút thuốc và uống rượu).

Nghĩa trang Mixquic

Đặc biệt hơn, bạn không chỉ tổ chức bàn thờ cho người thân mà có thể lập bàn thờ để tưởng nhớ bất kỳ nhân vật hoặc người nổi tiếng đã khuất nào mà bạn ngưỡng mộ. Rất nhiều người lập bàn thờ trên các tuyến đường để tưởng nhớ người nổi tiếng mà họ yêu mến.

Bàn thờ được trang trí cho đến khi hết lễ hội. Sau khi lễ hội kết thúc, những người thân trong nhà có thể lấy những vật phẩm trên bàn thờ xuống để ăn (gồm cả những chiếc đầu lâu bằng đường hoặc chocolate). Dù vậy, tôi đã hoảng hốt khi một người bạn mời tôi ăn hộp sọ bằng đường!

Lễ hội ở nghĩa trang

Ngoài lập bàn thờ để tưởng nhớ người thân ở nhà, vào ngày thứ hai của lễ hội, các gia đình kéo đến nghĩa trang, nơi có phần mộ của người thân để tổ chức nghi lễ.

Tôi đáp chuyến bay đến một thành phố khác của Mexico vào chiều ngày lễ hội diễn ra rầm rộ nhất. Thành phố đông dân này trở nên sắc màu hơn với rất nhiều bàn thờ được dựng ngay ở trung tâm thành phố, rất nhiều hình nộm hóa trang ma quỷ được treo trên khung cửa mỗi căn nhà. Theo chân vài người bạn bản địa đến nghĩa trang Mixquic, tôi chứng kiến một đêm đặc biệt dành cho lễ hội.

Đầu lâu bằng đường bán tại chợ

Từ sáng sớm, hàng ngàn người đã kéo đến dọn dẹp sạch sẽ phần bia mộ người thân. Họ mua rất nhiều hoa, nến và nhang đắt tiền để cắm và trang trí. Những gia đình khá giả còn chi tiền thuê dàn nhạc đến thổi kèn hát hò trước bia mộ. Với người Mexico, đây là một lễ hội rất quan trọng. Vì vậy, nhiều gia đình sẵn sàng chi trả từ 1 - 2 tháng lương của họ để tổ chức cho lễ hội này.

Nghĩa trang Mixquic về đêm rộn ràng và huyên náo. Người dân bày bán đủ các loại thức ăn và chuẩn bị kèn nhạc chào đón người chết trở về. Ở nghĩa trang, các gia đình tụ họp thắp nhang và cúng bái. Họ thức thâu đêm ở nghĩa trang để ngồi tưởng nhớ và kể những câu chuyện hoặc kỷ niệm vui về người đã khuất.

Người Mexico tin rằng, nếu con cháu và người thân không nhớ về người đã khuất, linh hồn người chết sẽ cảm thấy buồn, giận dữ và tìm cách quay trở về báo thù. Chính vì thế, nhiều người Mexico tổ chức lễ hội không chỉ vì tình yêu và sự tưởng nhớ mà còn nhằm mục đích làm vui lòng linh hồn người chết để được một năm làm ăn phát đạt. Có rất nhiều giai thoại được truyền miệng rằng, một số người vì không tổ chức cúng bái tươm tất cho họ hàng của họ trong ngày lễ, hôm sau chết tức tưởi vì bị linh hồn người chết về báo thù…

Tôi có một đêm hát hò, nhảy múa, thức ở nghĩa trang cùng các bạn mình để đón “Ngày của người chết”. Sau một đêm hao năng lượng như thế nhưng dường như tất cả bạn bè Mexico của tôi đều cảm thấy thanh thản, vui vẻ và làm việc hăng hái hơn.

Nguồn gốc

Người ta thường nhầm lẫn lễ hội Halloween với “Day of the Dead” vì cả hai lễ hội xảy ra cùng thời điểm và đều có phần hóa trang ma quỷ như nhau. Dù vậy, nguồn gốc lễ hội của người Mexico rất khác biệt. “Ngày của người chết” (tiếng Mexico “Dia de los Muertos”) là lễ hội có từ lâu đời của người bản địa Aztec, trước khi họ bị người Tây Ban Nha khuất phục và trở thành một quốc gia như Mexico bây giờ.

Người Aztec tin vào vòng luân hồi, tức là có sự sống hiện hành ở một thế giới khác sau cái chết. Đó chính là khởi nguồn để họ tổ chức ăn mừng về cái chết nhiều hơn là sự sợ hãi và đau buồn. Với họ, chết chỉ là sự tiếp nối một quãng đời khác ở một thế giới khác. Mỗi năm một lần, người Aztec tổ chức lễ hội của người chết kéo dài cả tháng, bắt đầu vào mùa thu hoạch ngô từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 (tức tháng thứ 9 theo lịch của người Aztec).

Khi người Tây Ban Nha chinh phục người Aztec vào năm 1521, họ đã cố gắng cải đạo người Aztec theo Công giáo. Dù vậy, người Tây Ban Nha đã thất bại. Họ cuối cùng đi đến một thỏa hiệp là trộn lẫn hai niềm tin tôn giáo vào nhau. Người Tây Ban Nha cắt ngắn kỳ lễ hội của người Aztec lại chỉ còn 2 ngày trùng với “Ngày lễ các thánh” và “Ngày lễ vong hồn” của Công giáo (All Saints' Day, All Souls' Day). Dù vậy, niềm tin của người bản xứ Aztec luôn chiếm ưu thế và nó được truyền tải qua các thế hệ cho đến khi trở thành một lễ hội nổi tiếng được toàn thế giới biết đến như bây giờ.

Năm 2008, lễ hội được UNESCO công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Võ Thị Mỹ Linh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/nguoi-viet-song-trong-ngay-cua-nguoi-chet-770946.html