Người Việt trên đất Triệu voi

Bên cạnh những người Việt thành đạt, giầu có thì trên đất nước Lào, tôi còn gặp rất nhiều người Việt khác lam lũ, nghèo khó và vất vả kiếm sống. Nhưng từ thẳm sâu trong trái tim và suy nghĩ, họ đã coi nước Lào là quê hương thứ hai của mình. Họ muốn ở lại đóng góp và giúp sức!

Ông Lương Văn Viêng đang lo lắng với kế mưu sinh của mình

và các con trong những ngày tiếp theo

Mưu sinh ở Loọng Ten

Khác với con số 20% người Việt có thu nhập cao trong tổng số khoảng 20.000 người Việt đang định cư tại Lào, khác với các cá nhân Việt kiều nổi tiếng khác như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa thì tôi còn gặp những người Việt lam lũ trên đất Lào. Cuộc sống của họ còn khó khăn và vất vả hơn nhiều người trong nước, nhưng họ lại không muốn về. Có lẽ sự ở lại chấp nhận khó khăn, chấp nhận những nghiệt ngã về mưu sinh này đã nói lên rằng, họ cũng yêu đất nước Lào như yêu đất nước Việt Nam. Họ quyết tâm ở lại để góp sức mình với mảnh đất anh em đã từng níu chân những thân nhân của họ.

Đầu Hạ, nắng như đốt lửa trên những ngôi nhà thấp mái được lợp chủ yếu bằng các loại tôn ở ngôi làng Việt có tên Loọng Ten, cách Thủ đô Viêng Chăn 13km. Theo chiếc xe Tuk Tuk do Nguyễn Văn Tuấn, một người Việt sinh ra trên đất Lào, tôi tìm đến khu làng này. Hôm ấy là ngày 12 tương đương với ngày 30 Tết của nước Việt, nhưng khu làng Việt này hầu như đều đi vắng cả. Mỗi người một nẻo, người vào thành phố làm thuê, người vào làm công cho công ty may mặc, phần đông thanh niên của làng này đều đi làm nghề trèo dừa thuê để kiếm công độ nhật.

Đối diện với cảnh dựng xây ngổn ngang, có phần hơi nghèo khó của khu làng Việt này tôi mới thấy cái sự hy sinh hết sức cao cả của cộng đồng người Việt trên nước bạn Lào, mà cụ thể đó là sự hiện đại của Thủ đô Viêng Chăn ngày nay. Phần lớn họ đều là người ở khu vực Cô Đinh – một khu thương mại giáp bên Trung tâm thương mại Chợ Sáng của Thủ đô Viêng Chăn. Đất định cư ở đây được coi là tấc đất, tấc vàng, nhưng khi chính quyền của Thủ đô Viêng Chăn có ý định xây dựng lại khu này thì họ đã đồng loạt xuống đây tái định cư để nhường đất cho chính quyền. Không lời ta thán và đòi hỏi, trong vòng 2 năm ngắn ngủi, từ năm 2001 đến năm 2002 đã có cả nghìn m2 đất đã được hiến cho chính quyền. Vì nghĩa cử cao đẹp này họ đã chấp nhận những khó khăn về mưu sinh và nghề nghiệp để gây dựng cuộc sống ở đây.

Ông Lường Văn Viêng là một trong những người đầu tiên tôi gặp ở khu làng Việt này. Ông Viêng sinh năm 1950 tại Cố đô Luông Pha Băng, bố ông quê gốc Thái Bình, mẹ quê gốc ở Ninh Bình. Năm ông lên 6, do Luông Pha Băng làm ăn khó khăn lên ông đã cùng cha mẹ xuống Viêng Chăn định cư. Ông Viêng cho biết, trước đây ở trên khu Chợ Sáng cuộc sống buôn bán nên gia đình có thu nhập. Từ ngày xuống đây, ông cùng 2 đứa con trai trong 6 đứa con của ông lấy nghề trèo dừa thuê làm kế sinh nhai. Hiện tại, mỗi ngày ông và 2 đứa con kiếm được khoảng 90 nghìn kíp (gần 300 nghìn tiền Việt) từ thứ nghề này. Với số thu nhập này tằn tiện mới đủ tiêu dùng trong ngày và không có tích lũy. Điều mà ông lo lắng nhất là khoản tiền để dưỡng bệnh và dưỡng già. Ngoài cái lo này, ông còn có điều lo lắng hơn nữa đó là nguồn mưu sinh cơ bản cho 2 đứa con trai và 2 đứa con gái đang bước vào tuổi xây dựng của mình. Không công ăn việc làm ổn định, chả lẽ cứ mãi lấy nghề trèo dừa này để mưu sinh hay sao?... Ông Viêng thở dài, đưa mắt dõi ra phía trước. Tôi biết, trước mặt ông là dải Trường Sơn hùng vĩ và sau dãy núi này là quê hương Việt Nam mà ông chỉ biết được qua lời kể của cha mẹ - những người đã sang đây làm ăn rồi định cư lại từ trước những năm 1930 của thế kỷ 20 về trước.

Theo bà Trần Thị Là, quê gốc ở Hà Tĩnh thì hiện tại khu làng Việt có tên Loọng Ten này có khoảng 340 hộ. Họ là người ở hầu khắp các địa phương trên đất Việt, nhưng nhiều nhất phải kể đến là những người từ Bắc Miền Trung trở ra, cùng bố mẹ sang đây từ trước những năm 30 của thế kỷ 20. Hiện ở trong làng này đã có tới thế hệ thứ 3 của người Việt sinh sống. Nhưng phần lớn những người ở đây nhất là những người đang trong độ tuổi lao động đều không có công ăn việc làm ổn định, chỉ chủ yếu sống bằng việc bán sức công nhật.

Những người bán đồ lưu niệm bên khách sạn này

ngoài lợi nhuận còn là cái cớ để được ở lại Viêng Chăn

Những nẻo đường, những nẻo đời

Trong những đêm trăng, rảo chân tới các điểm du lịch, tôi lại gặp những người Việt mến yêu của mình. Không công sở, không cửa hàng, đại lý, những người Việt tôi gặp này đều làm những nghề bán buôn vụn vặt để mưu sinh. Giữa cái lặng lẽ, cổ kính của Viêng Chăn họ trở thành những người đáng yêu hơn bao giờ hết.

Lặng lẽ với một thùng kem gắn trên chiếc xe máy được thiết kế như những chiếc Xítđờca mà ta vẫn thấy ở đất Việt, bên chiếc cổng vào của Thạt Luông, Hoàng Văn Tuyên quê Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết: Duyên cớ anh có mặt và làm nghề bán kem dạo trên đất bạn Lào này rất đơn giản bắt đầu từ lần anh sang thăm người quen. Đến Lào thăm thú, thấy say mê cảnh vật nơi đây, đến lúc về quê nhà vẫn còn nhớ mãi.

Thế rồi để khỏa lấp nỗi nhớ Viêng Chăn, nỗi nhớ đất nước Triệu voi anh đã quyết định sang Lào. Rồi kiếm nghề bán kem để mưu sinh như cái cớ để ở lại với Lào. Tuyên cho biết, sang đây mỗi tháng anh tiêu tốn hết 15.000 kíp, từ ăn uống đến trọ ngủ. Mỗi ngày bán kem dạo, đi từ sáng sớm đến tối mịt anh cũng chỉ kiếm được 500 kíp. Những ngày lễ, ngày hội thì số tiền lợi nhuận có thể nhích lên 800 – 1.000 kíp. Với số lợi nhuận này anh chỉ đủ ăn, đủ tiêu. Theo anh, nếu ở nhà đơn giản đi làm thợ hồ anh sẽ có thu nhập lớn hơn và lại được gần người thân. Nhưng nếu như vậy thì anh lại không được sống với Viêng Chăn, sống với Lào. Chấp nhận vất vả để được sang, ở lại và trải nghiệm với "Xứ sở hoa Chăm pa” của Hoàng Văn Tuyên chỉ đơn giản như vậy.

Đối diện với khách sạn Xay Som Boun (nghĩa là đầy đủ) là một nhóm khoảng 5 – 6 người Việt mưu sinh bằng nghề bán đồ lưu niệm cho khách. Công việc của họ chỉ kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ vào buổi sáng, dồn dập và liên tục trao đổi, mời gọi để kiếm lợi nhuận cho sinh nhai của mình trên đất bạn. Nguyễn Thị Tuyên, một phụ nữ đến từ Thanh Hóa cho biết: Lợi nhuận kiếm được hàng tháng chỉ đủ chi tiêu một cách tằn tiệm. Phần dư ra đem về quê chủ yếu là tích cóp và do lợi nhuận "đột biến” khi khách du lịch đến nhiều hay các mùa lễ hội.

Tôi không có dịp được đặt chân lên nước Lào vào mùa trăng đẹp nhất (vào tháng 11 hàng năm). Nhưng có mặt tại Lào và có những đêm chiêm ngưỡng trăng nước bạn vào những ngày đầu năm mới, tôi thấy như vậy là đã quá đủ với mình. Chợt cảm thấy cái từ "Thành phố của những ánh trăng” mà người đầu tiên tìm đặt cho Viêng Chăn là quá khái quát. Giống như anh Tuyên, chị Tuyên và những người Việt tôi đã gặp trên mảnh đất này, hình như tôi cũng sắp bị trăng nước Lào và người nước Lào mê hoặc!

Hà Giang

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=51629&menu=1434&style=1