“Người Việt từ nhà ra đường”

Băng Sơn là cái tên quen thuộc với nhiều bạn đọc với những bài tản văn, tùy bút như món “đặc sản” trên báo Tết hàng năm, với những tác phẩm đậm đà về Hà Nội: Những nẻo đường Hà Nội, Thú ăn chơi của người Hà Nội, Nước Việt hồn tôi, Nghìn năm còn lại…

Vẫn là những bài tùy bút đậm đặc cái khí chất rất riêng của cây bút Băng Sơn. Mỗi bài viết như con tằm rút ruột, bởi nó hiển hiện ra cái tâm huyết của nhà văn trước những cách sống, cách ứng xử của con người. Những bài viết rất ngắn, nhưng chạm vào nhiều bức xúc của cuộc sống, từ chuyện nhỏ nhặt như ăn, mặc, tặng quà, đến những vấn đề có tính xã hội như thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng… Nhưng tác giả không sa vào kể lể, mà điểm xuyết chi tiết và khái quát nâng tầm thông điệp, giúp người đọc có cái nhìn bản chất. Đọc cuốn “Người Việt từ nhà ra đường”, cái câu nói “gừng càng già càng cay” chợt đến trong tâm trí, đúng là mỗi câu chuyện của Băng Sơn cứ lắng đọng, trầm ngâm, có cái sức nặng của người nhiều kinh nghiệm sống, hiểu sự đời và thuộc sử sách Đông Tây Kim cổ. Những câu chuyện, những suy tư khiến ta nhớ, và không ít lần tự gật gù mà rằng, nhiều khi chính mình cũng như vậy. Đây là chuyện Băng Sơn nói về cái sự “Bắt đầu”. Ông viết: “Chuyện dân gian kể rằng, loài cóc sở dĩ không có đuôi vì chúng cứ tự hứa với mình là việc lắp đuôi để đến mai hãy hay, nhưng mai qua đi, mai nữa qua đi, dự định ấy cứ lần lữa trôi, cuối cùng không thực hiện được và đến nay vẫn chỉ “trơ thân cụ”, không đuôi hoàn không đuôi. Nhiều người chúng ta rất giữ đúng lời hứa, dù với người thân, người sơ, hay con trẻ. Đã hứa là nhất quyết làm, là tròn lời hứa. Hoan hô lắm. Nhưng còn lời tự hứa với bản thân mình, sao cứ hoãn, cứ khất lần hết nay đến mai, hết năm này sang năm khác, để cái già nó sồng sộc đến, dự định vẫn chỉ là dự định, tuổi xuân trôi vèo, tóc hoa râm xuất hiện, tay trắng vẫn hoàn tay trắng? Bắt đầu, khởi đầu… đó là quyết định, là giờ thiêng liêng, là cuộc chiến thắng với chính mình. Cái đẩy chân để con đò bắt đầu sang sông, cái nút bấm để máy bay cất cánh, cái tia sáng đầu tiên cho bông hoa nở… Phải có cái đầu tiên ấy mà không được tự buông thả mình, tự dễ dãi với mình mà hoãn đi hoãn lại như loài cóc trong tục ngữ kia…”. Còn đây là cách Băng Sơn nói về cái sự “Vươn lên”: Người ta ai cũng mong tiến lên, vượt lên số phận, thoát khỏi hoàn cảnh của mình. Đó là lẽ thông thường. Người nghèo mong khá hơn. Người khá mong giàu. Người giàu mong thành tỷ phú giàu hơn nữa. Đại tỷ phú rồi thì mong không bị coi là trọc phú nên phải mưu danh, mưu cầu địa vị, chức tước. Kẻ ít chữ mong học để đỗ đạt cao hơn, cố để thoát khỏi cảnh dốt nát, mong thành người sang nên mới sinh ra chuyện đi mua bằng cấp, len lỏi vào nơi quyền quý, dựa vào người này người nọ… mạo ra học hàm học vị. Mong tiến bộ, cầu tiến để mỗi người vươn lên làm cho cộng đồng cùng vươn lên, nhưng vươn lên cũng có 5, 7 đường…” Còn đến hơn 100 bài viết khác, nào là văn hóa lưỡi, văn hóa uống, chuyện chính và phụ, sống dễ và sống khó, sang và trọc, vàng và cát, chuyện chữ nghĩa đỏ và hồng… Những bài tùy bút có sự điềm tĩnh, nhưng cũng không ít sự cay đắng, đau xót trước những trớ trêu của sự đời. Tác giả : Việt Hà

Nguồn VTV: http://www.vtv.vn/article/get/nguoi_viet_tu_nha_ra_duong_____f145621e51.html