Nguồn gốc bí ẩn 'thần dược' ngọc kê bán tràn Hà Nội

Ngọc kê đang được bày bán tràn lan trên thị trường, giá từ 600.000-700.000 đồng/kg, tạo nên cơn sốt. Đây không chỉ là món ăn ngon mà còn được ví như 'thần dược' tăng cường sức khỏe. Vậy, nguồn cung ngọc kê dồi dào là ở đâu? Liệu có phải từ các nhà máy giết mổ ở Việt Nam hay hàng đông lạnh nhập về từ các nước?

Cơn sốt ngọc kê

Được cho là món ăn ngon, lại bổ dưỡng với đấng mày râu trong chuyện chăn gối nên gần đây, chị Lê Thị Thanh Tuyền ở Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội) thường xuyên mua ngọc kê về tẩm bổ sức khỏe.

Chị Tuyền chia sẻ, ngọc kê ăn béo ngậy, thơm ngon nên đều đặn một tuần 2 lần, chị mua về chế biến lẩu ngọc kê, cháo ngọc kê hay đơn giản là món ngọc kê xào hoa thiên lý, xào tỏi, hấp hành,... “Ngày trước muốn mua ngọc kê phải đi từng hàng gà ở chợ để gom mới được 1-2 lạng là nhiều, bây giờ đặt mua dễ dàng hơn nhiều”, chị chia sẻ.

Ngọc kê đang là món ăn khiến nhiều người phát sốt, lùng mua về ăn

Anh Nguyễn Ngọc Kế, quản lý một nhà hàng trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết, trước đây ngọc kê ít người biết đến để mua về ăn, nhưng giờ thì khác, khách vào quán đua nhau gọi món lẩu ngọc kê (gồm ngọc kê, tràng trứng non, lòng mề gà).

Mỗi ngày, nhà hàng của anh nhập 10 kg ngọc kê về chế biến các món mà vẫn “cháy hàng”.

Trong khi đó, trên một số diễn đàn mạng, nhiều đấng mày râu hay chị em phụ nữ đua nhau hỏi cách tìm mua kê gà, hay nhà hàng nào có món chế biến từ ngọc kê để đến thưởng thức hoặc mua về ăn.

Thực tế, theo ghi nhận của PV. VietNamNet, tại các chợ dân sinh, chủ hàng bán gà mổ sẵn đều khẳng định gà có thể ế chứ ngọc kê thì không bao giờ còn. Người muốn ăn phải lùng khắp các hàng gà để có thể mua ngọc kê tươi với mức giá 70.000 đồng/lạng (700.000 đồng/kg).

Còn trên mạng xã hội, ngọc kê được rao bán tràn lan. Đơn cử như, trên trang Pha... đang chào bán 600.000 đồng/kg kê gà.

Theo thông tin trên trang web này, ngọc kê là hàng đông lạnh, được nhập trực tiếp từ một số nhà máy giết mổ gà ở Đồng Nai và TP.HCM, kích thước đồng đều, size từ 80-100 hạt/kg, đóng gói thành túi với trọng lượng 200 gram/túi. Đặc biệt, mỗi ngày cơ sở buôn bán ngọc kê này có thể cung cấp ra thị trường khoảng 40-50kg ngọc kê.

Trên thị trường, nhiều đầu mối khẳng định có thể cung cấp số lượng ngọc kê rất lớn

Bí ẩn nguồn gốc

Ngoài câu chuyện được thưởng thức món ngọc kê béo ngậy, thơm ngon, nhiều người băn khoăn và tự đặt ra câu hỏi: ngọc kê ở đâu mà nhiều vậy, liệu có phải hàng của Việt Nam hay nhập khẩu Trung Quốc?

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Minh Tuệ, chủ một doanh nghiệp gà đặc sản lớn tại Hà Nội, cho biết, ngọc kê ở mỗi loại gà đều khác nhau, nhưng chúng có một điểm chung là gà nuôi thời gian càng lâu thì ngọc kê càng to.

Song, theo anh Tuệ, nguồn cung cấp ngọc kê ở Việt Nam không nhiều bởi ngọc kê mà to cỡ ngón tay cái thì chỉ có ở loại gà trống bố, nhưng tỷ lệ gà trống bố không nhiều. Chỉ đến khi phá đàn, gà trống được giết thịt thì mới có ngọc kê bán. Ngoài ra, những loại trống là gà ri, gà mía khi nuôi 5 tháng trở lên thì ngọc kê mới có thể to gần bằng ngón tay cái, còn gà non khoảng 3-3,5 tháng kê khá nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, cũng khẳng định, kê gà lấy từ nguồn cung của các nhà máy giết mổ không nhiều để bán ra tràn lan như hiện nay.

Ông Ngọc cho hay, ngọc kê là một bộ phận sinh dục của gà trống, gà càng già thì ngọc kê càng to và ngược lại. Chính vì thế, ngọc kê loại to bán trên thị trường thường là của gà trống bố.

Tuy nhiên, số lượng gà trống bố phá đàn đem giết thịt cực kỳ hạn chế, vì tại các trang trại nuôi gà đẻ trứng, tỷ lệ phối giống thường là 12 con mái mới có 1 con trống. Trong khi đó, gà trống bố thường nuôi 2-3 năm mới phá đàn nên số lượng kê gà không đáng kể. Còn riêng loại gà thương phẩm, lượng giết thịt tại các nhà máy rất lớn, thế nhưng, ngọc kê lại rất nhỏ do gà vẫn còn non.

Theo ông Ngọc, ngọc kê gà bán trên thị trường có thể được nhập từ Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Brazil,... do các nước này không ăn nội tạng gà. Nguồn hàng này được tuồn về Việt Nam với giá khá rẻ.

“Giống như gà thải loại, chân gà công nghiệp người dân các nước không ăn nên cũng được nhập về Việt Nam với giá bèo”, ông Ngọc nói.

Băng Dương

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/nguon-goc-bi-an-than-duoc-ngoc-ke-ban-tran-ha-noi-346548.html