Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán

Tết cổ truyền là dịp lễ quan trọng nhất của người dân Việt Nam, diễn ra vào ngày đầu tiên của năm mới theo lịch âm mồng 1 tháng 1. Tết là dịp mà hầu hết các gia đình trên mọi miền tổ quốc đều quy tụ về sum vầy bên ông bà, bố mẹ. Tết có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với người dân Việt Nam.

Do ảnh hưởng văn hóa của Tết Âm lịch Trung Hoa và văn hóa Đông Á, Tết Nguyên Đán của nước ta còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch.

Nguồn gốc ra đời

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam đại, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần làm tháng khởi đầu năm mới.

Đến đời nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng Chạp, làm tháng đầu năm.

Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng Mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ "tạo thiên lập địa" như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày Tết khác nhau.

Do đó đến đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần - thế kỷ 3 trước Công nguyên (TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng Mười.

Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng Giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi tháng Tết nữa.

Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập về Việt Nam trong 1.000 năm Bắc thuộc. Đến bây giờ Tết Nguyên Đán vẫn là điều gây nhiều tranh cãi.

Cho dù được du nhập và có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng Tết Việt Nam vẫn mang màu sắc và truyền thống riêng biệt.

Các phong tục tập quán trong tháng chuẩn bị ngày Tết Nguyên Đán

"Tết Táo Quân" (23 tháng Chạp) là ngày người Việt Nam sửa soạn đồ lễ cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây cũng là một ngày lễ quan trọng trong tháng. Lễ cúng gồm có: nhang, nến, hoa quả, vàng mã và hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà kèm theo ba con cá chép (cá chép thật hoặc cá chép làm bằng giấy kèm theo cỗ mũ). Theo sự tích ông Táo, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng trình báo các sự việc xảy ra trong năm.

Ngày Tất niên nhằm vào ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (nếu là năm thiếu). Đây là ngày gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên. Tất cả bánh trái, mâm ngũ quả, hoa đào, hoa mai, đồ cúng đã được chuẩn bị trang hoàng lộng lẫy.

Đêm giao thừa là lúc rộn ràng và thiêng liêng nhất của người dân Việt Nam khi vừa ngắm pháo hoa vừa cúng giao thừa. Trong giây phút thiêng liêng của thời khắc giao thoa giữa năm mới và năm cũ, trong lòng mỗi người dường như trào dâng niềm hân hoan được sum vầy bên gia đình để chúc nhau những điều tốt đẹp nhất .

Sáng mồng Một, ngày đầu tiên của năm mới, gia chủ thường kén chọn khách đến xông đất hợp tuổi để cầu mong một năm gặp nhiều may mắn. Người Việt Nam thường đến chúc tết ông bà, cha mẹ theo tục: Mồng Một Tết cha.

Ngày mồng Hai tháng Giêng, người Việt Nam vẫn làm cơm cúng thịnh soạn để cúng lễ tại gia vào buổi sáng và đi chúc tết các bà mẹ theo tục Mồng Hai Tết mẹ, con rể đến tết cha mẹ vợ.

Ngày mồng Ba tháng Giêng, sau khi cúng cơm tại gia theo lệ cúng theo đủ nghi lễ ba ngày Tết, các học trò thường đến chúc Tết thầy dạy học theo tục Mồng Ba Tết thầy.

Ngoài những ngày tết trên, người Việt Nam còn có ngày lễ hạ cây nêu, hay còn gọi là lễ hóa vàng hoặc lễ tiễn các cụ ra đồng, thường thì ngày lễ này làm vào mồng 7 tháng Giêng.

Trong những ngày tết đó, người dân Việt Nam còn có truyền thống đi lễ chùa, đi du xuân hái lộc, đi thăm thú các danh lam thắng cảnh hoặc làm lễ chúc thọ cho ông bà, bố mẹ… Chính vì vậy, Tết Nguyên Đán là một lễ tết vô cùng quan trọng và linh thiêng theo nghi lễ truyền thống của người dân Việt Nam.

Hạ Ly

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/nguon-goc-cua-tet-nguyen-dan.html