Nguồn hàng dồi dào cho Tết 2017

Nguồn hàng cung ứng, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong dịp tết Đinh Dậu 2017 đã được các tỉnh, thành phố, nhất là ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đã được DN chuẩn bị tăng từ 10-20% so với năm trước.

DN đã chuẩn bị nguồn hàng tăng từ 10-20% so với năm trước. Ảnh: ST

Nguồn hàng dồi dào

Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Công Thương, đến nay, đã có 21/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch hoặc đã triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả cuối năm và tết Nguyên đán 2017.

Trên địa bàn TP. Hà Nội, dự báo diễn biến thị trường cũng như nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thủ đô sẽ tăng cao trong dịp Tết đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như nông, lâm sản khô; bánh, mứt, hạt khô; rượu, bia, nước giải khát… Để bảo đảm lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo và phối hợp với các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10% so với năm 2016. Dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ tết Nguyên đán trên địa bàn thủ đô đạt hơn 23.500 tỷ đồng với 7 nhóm mặt hàng thiết yếu và hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết.

Hàng Tết được tổ chức bán tại 20 trung tâm thương mại, 119 siêu thị, 700 cửa hàng tiện ích, các hộ kinh doanh và 454 chợ trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng chỉ đạo DN tổ chức 5 điểm bán hàng Việt phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, thời gian dự kiến từ 18-12 đến 27-12 Âm lịch và tổ chức 22 phiên chợ Việt, 100 chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội.

Là địa phương đi đầu trong việc thực hiện bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, năm 2016, TP. HCM tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn thị trường theo hướng xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Có 86 DN tham gia 4 chương trình bình ổn thị trường của TP, trong đó nhiều nhóm hàng chuẩn bị với lượng lớn, chi phối từ 35-52% nhu cầu thị trường. Hiện các đơn vị đầu mối đều chuẩn bị tốt việc tăng cường bán hàng lưu động. Sở Công Thương thành phố cũng đã phối hợp với các đơn vị DN, các tỉnh… hầu hết các đơn vị đều khẳng định bảo đảm tình hình cung ứng hàng Tết năm nay sẽ bằng và cao hơn 2016 từ 15-30%. Nguồn cung hàng hóa chuẩn bị phục vụ Tết chủ yếu từ 3 nguồn chính, gồm các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường (chiếm 30-40% thị phần), các chợ đầu mối (chiếm 60-70% thị phần), các DN còn lại (chiếm 10-20% thị phần).

Phía các DN cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng Tết từ trước đó 2-3 tháng. Ví dụ, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) đã chuẩn bị 21.300 tấn hàng hóa các loại, với tổng trị giá hơn 1.590 tỷ đồng, tăng 29,1% so với năm ngoái. Công ty TNHH Ba Huân cũng đã chuẩn bị hơn 40 triệu quả trứng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời cam kết ổn định giá bán trong các tháng Tết. Tổng Công ty Thương mại Hà Nôi (Hapro) đã chuẩn bị và dự trữ các mặt hàng thịt bò, lợn, trứng, thủy sản… với tổng trị giá khoảng 1.200 tỷ đồng, phục vụ tại 70 điểm bán lẻ của Tổng công ty.

Lo tăng giá?

Như vậy, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các địa phương, DN, có thể thấy, nguồn hàng cung ứng dịp Tết khá dồi dào, không sợ thiếu hàng. Tuy nhiên, theo quy luật thị trường, khi nhu cầu dịp Tết tăng cao thì không tránh khỏi hiện tượng tăng giá, găm hàng. Do vậy, vấn đề cần chú ý nhất trong dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu vẫn là kiểm soát giá cả, tránh tăng giá, găm hàng. Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, dịp Tết sẽ khó tránh khỏi sự biến động về giá cả, nhưng trong kế hoạch triển khai công tác phục vụ tết Nguyên đán năm 2017, TP. Hà Nội sẽ cố gắng giữ giá các mặt hàng ở mức ổn định, nếu tăng không tăng quá 5%. “Chúng ta cố gắng giữ giá ổn định, vì CPI đã đến ngưỡng tối đa 5%, nếu giá hàng hóa tăng sẽ làm rối loạn kinh tế vĩ mô”, ông Thăng nói.

Để làm được việc này, bà Lan cho biết, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 TP. Hà Nội tổ chức 3 đoàn kiểm tra, trong đó có 1 đoàn chuyên kiểm tra hàng hóa phục vụ tết, TP cũng tổ chức 6 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm để kiểm tra trên địa bàn các quận, huyện. Sở Công Thương Hà Nội cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch kiểm tra Tết, chú trọng 4 nhiệm vụ về chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để đảm bảo thị trường dịp Tết lành mạnh.

Đảm bảo cung ứng hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá cũng là yêu cầu mà Bộ Công Thương đặt ra với các địa phương trong dịp Tết. Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, TP.HCM là trung tâm giao dịch lớn, nơi phát luồng hàng cho thành phố nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung, vì vậy, công tác chuẩn bị nguồn hàng, nhất là vào dịp cao điểm và tết Nguyên đán cần được chú trọng và thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa được thông suốt, tránh tình trạng thiếu hàng cục bộ hoặc các tiểu thương lợi dụng cơ hội găm hàng chờ tăng giá. Bên cạnh việc đảm bảo nguồn hàng, ổn định giá cả, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Bởi lẽ, đây là vấn đề rất nhiều người tiêu dùng quan tâm và tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn được phát hiện ngày càng tinh vi hơn.

Phan Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/da-san-sang-nguon-hang-doi-dao-cho-tet-2017.aspx