Nguồn tư liệu quý về Nam Bộ thế kỷ XIX

Yêu thích tác phẩm "Lục Vân Tiên" của tác giả Nguyễn Đình Chiểu, vào cuối thế kỷ XIX, một sĩ quan Pháp đã thực hiện "tranh hóa" toàn bộ truyện thơ này. Hơn 100 năm sau, bản thảo được số hóa, xuất bản thành bộ sách "Lục Vân Tiên cổ tích truyện" gồm hai cuốn. Không chỉ có ý nghĩa về mặt nghệ thuật, sách cho phép độc giả hình dung về đời sống, con người Nam Bộ vào thế kỷ XIX.

Bộ sách "Lục Vân Tiên cổ tích truyện" do Viện Viễn đông Bác cổ và NXB Văn hóa - Văn nghệ xuất bản, ra mắt độc giả từ ngày 1-6-2016. Ông Olivier Tessier - đại diện Viện Viễn đông Bác cổ tại TP Hồ Chí Minh đã ví số phận bản thảo này như cuộc đời Lục Vân Tiên, bởi sự truân chuyên trong hành trình đến với độc giả.

GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhớ lại, năm 2011, trong một chuyến giao lưu tại Viện Hàn lâm Văn khắc và Văn chương Pháp, ông được giới thiệu về những văn bản quý liên quan tới Việt Nam đang được lưu trữ tại cơ quan này. Trong số tư liệu về Đông Dương, GS Phan Huy Lê phát hiện bản thảo truyện thơ "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu - một văn bản "đẹp hoàn hảo", như thể chưa có ai chạm tới. Thế là "viên ngọc quý" được mang đi phân tích, tìm hiểu thông tin liên quan.

Hóa ra truyện thơ "Lục Vân Tiên" đã được dịch sang tiếng Pháp từ năm 1864, nhưng bản dịch tuyệt vời của giảng viên, biên dịch viên người Pháp Abel des Michel vào năm 1883 mới khiến cho sĩ quan hải quân Pháp Eugène Gibert (công tác tại Việt Nam từ năm 1895 đến năm 1897) say mê. Ông này quyết định thuê người thực hiện tranh minh họa cho cuốn sách. Người đứng ra tổ chức vẽ minh họa là Lê Đúi (Đức) Trạch - nghệ nhân trang trí cung đình Huế. Bản thảo có khoảng 1.200 hình màu minh họa, được vẽ trên 139 tờ tranh. Trong mỗi trang, ở chính giữa là các câu thơ được viết bằng chữ Nôm, bốn phía là tranh minh họa. Khi về Pháp, Eugène Gibert đã tặng lại bản thảo này cho thư viện.

Phát hiện tư liệu quý, Viện Viễn đông Bác cổ lập dự án lưu trữ và phát huy giá trị của chúng. Năm 2012, Viện cho số hóa tư liệu. Ông Pascal Bourdeaux - người tham gia dự án cho biết: Nhóm đã cộng tác với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để chụp lại bản thảo; hợp tác với các cộng sự Việt Nam để có thêm tư liệu nghiên cứu về tác phẩm "Lục Vân Tiên" cũng như văn bản tranh minh họa. Sau khi số hóa, tư liệu được in thành hai cuốn sách. Cuốn thứ nhất là "Bản thảo có tranh minh họa", gồm toàn bộ văn bản tranh minh họa. Cuốn thứ hai là "Lời bình chú bản thảo". Mở sách ra, một bên là ảnh tranh được chụp lại từ bản thảo, trang còn lại là văn bản bằng ba thứ tiếng Pháp, Việt, Anh - tương ứng với đoạn thơ gốc được viết bằng chữ Nôm.

Theo ông Pascal Bourdeaux, điều quý giá nhất ở bản truyện thơ là các bức tranh minh họa. Trong lời ghi chú bản thảo, Eugène Gibert viết về yêu cầu mà ông đưa ra cho nghệ nhân Lê Đúi (Đức) Trạch khi thực hiện bộ tranh: "Trình bày một cách trung thực nhất các nhân vật; tất cả các con vật, mọi cỏ cây, mọi nghi lễ về đời sống cá nhân và cộng đồng có thể, mọi thứ của cuộc sống". Như vậy, bên cạnh giá trị nghệ thuật, tác phẩm còn có giá trị phục vụ nghiên cứu lịch sử. Mỗi tranh vẽ góp phần thể hiện đời sống, phong tục, con người, cảnh vật Nam Bộ thế kỷ XIX.

GS Phan Huy Lê đánh giá cao về giá trị bản chép tay có tranh minh họa chưa từng được phổ biến. Ông cho rằng, cho tới cuối thế kỷ XIX, sách tại Việt Nam chưa có minh họa màu. Do vậy, bản truyện thơ "Lục Vân Tiên" - được minh họa hoàn toàn từ đầu tới cuối; tranh đẹp, nhiều màu, sống động - có thể coi là sự mở đầu cho sách minh họa của Việt Nam. Theo GS Phan Huy Lê, đây là tư liệu quý, mở ra nhiều hướng nghiên cứu, như là về mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XIX, đời sống của người dân Nam Bộ...

Đỗ Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/sach/836779/nguon-tu-lieu-quy-ve-nam-bo-the-ky-xix