Ngưỡng cửa của thời kỳ tuyệt chủng mới?

QĐND - Theo các nhà khoa học, mỗi năm có khoảng 50.000-100.000 loài động vật biến mất, tương đương với tốc độ thảm họa đã từng xảy ra cách đây 65 triệu năm, làm tuyệt diệt loài khủng long. Nguyên nhân chính dẫn tới sự biến mất hàng loạt của các loài động vật là do các hoạt động của con người, như chặt phá rừng, săn bắn, lấn chiếm đất đai làm thu hẹp không gian sống của chúng. Tất cả những tác động đó gộp lại đã đẩy nhiều loài động vật hoang dã đến bờ vực của sự tuyệt chủng.

Trong số các loài động vật hoang dã, cá heo Vaquita sống tại vịnh Ca-li-pho-ni-a là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Chúng đang bị đe dọa bởi phạm vi sinh sống hạn hẹp và khả năng dễ bị mắc vào lưới đánh cá. Số lượng còn lại ngày nay chỉ khoảng 200-300 cá thể. Khỉ đột Cross River sống ở Ni-giê-ri-a và Ca-mơ-run cũng chỉ còn lại ít hơn 300 cá thể. Loài này tưởng chừng đã bị tuyệt chủng những năm 80, nhưng chúng đã trụ lại được, ít nhất là đến thời điểm này. Song với tình trạng săn bắn làm mồi nhậu ở quán ven rừng và mất môi trường sinh sống hiện nay, khả năng sống sót của chúng vẫn còn rất bấp bênh.

Cá heo Vaquita, loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Ảnh: Vaquita

Bằng chứng về sự tuyệt chủng của nhiều loài đang vẽ lên bức tranh rõ rệt về một thảm họa tương lai trên Trái Đất. Một câu hỏi đặt ra: Phải chăng chúng ta đang ở ngưỡng cửa của thời kỳ tuyệt chủng mới?

Sự suy giảm số lượng các loài thú lớn săn mồi do hoạt động của con người gây nên có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tuyệt chủng hàng loạt của động vật trên Trái Đất. Đó là kết luận được rút từ nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Ca-li-pho-ni-a, Mỹ. Theo họ, việc tiêu diệt không chỉ thú săn mồi mà các động vật nói chung có khả năng dẫn tới những hậu quả đáng buồn cho hoạt động chức năng của hệ sinh quyển và môi trường. Một ví dụ nổi bật là sự hủy diệt cá voi dẫn đến gia tăng mạnh tỷ lệ khí CO2 trong khí quyển. Theo ước tính của giới nghiên cứu, những động vật biển có vú khổng lồ “lưu trữ” trong cơ thể khoảng 9 triệu tấn carbon. Khi những “bể sống” như vậy càng ít đi thì khối lượng CO2 trong khí quyển sẽ càng nhiều. Các chuyên gia xác nhận, trong vòng 100 năm qua, việc đánh bắt cá voi là nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện trong bầu không khí một lượng carbon dioxide tương đương nếu 50.000km2 rừng bị đốt cháy. Trong khi đó, dù các lệnh cấm săn cá voi vẫn có hiệu lực và những người bảo vệ môi trường tích cực chống săn bắt cá voi, một số nhà khoa học dự đoán là ngành công nghiệp đánh bắt cá voi sẽ hồi sinh.

Các nhà khoa học tại Đại học Ca-li-pho-ni-a khẳng định, những thay đổi hệ thống trong các hệ sinh thái xảy ra chủ yếu do giảm số lượng con thú săn mồi. Nếu các động vật ăn thịt bị giảm đi, thì số lượng các loài dưới chúng trong hệ mấu xích dây chuyền thức ăn sẽ tăng nhanh. Chẳng hạn sự mở rộng đông đảo của quần thể động vật móng guốc dẫn tới thiếu hụt thức ăn, nảy sinh chuỗi các đe dọa cho hệ sinh quyển. Những biểu hiện như vậy đã diễn ra tại Công viên quốc gia Yellowstone. Sau khi các bầy sói ở đây bị tiêu diệt, số lượng hươu, nai, các loài ăn lá liễu đã tăng mạnh. Việc khôi phục thảm thực vật vô cùng vất vả, chỉ thu được thành công sau khi những con sói được nuôi thả trở lại.

Trong lịch sử hành tinh, quá trình chết hàng loạt của động vật xảy ra gần đây nhất khoảng 70 triệu năm trước và đã dẫn đến sự tuyệt chủng của khủng long, cùng với 1/6 tất cả các sinh vật sống. Tuy nhiên, về cơ bản tình hình hiện nay khác hẳn và khó có thể so sánh với những gì đã diễn ra trước đó. Bởi những lần xảy ra trước đó xuất phát từ tự nhiên, trong khi lần này là những tác động bởi hoạt động của con người.

Nguyễn Hoàng Lan

Theo ABC

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/68/77/77/77/167055/Default.aspx