Nguy cơ 'bùng phát' tư bản thân hữu?

Những cố gắng của Chính phủ nhiệm kỳ mới nhằm cải thiện môi trường kinh doanh là rất lớn. Và những cố gắng này đã mang lại không ít những kết quả tích cực.

Điều dễ nhận thấy là đã có những chuyển biến đáng ghi nhận về ý thức phục vụ DN, phục vụ người dân của bộ máy công quyền; nhiều tủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê đã bị cắt bỏ; việc đo đếm sự hài lòng của DN, của người dân để tạo ra khuyến khích phục vụ đã được triển khai ở nhiều nơi; hệ sinh thái khởi nghiệp được từng bước được kiến tạo…

Tất cả những điều trên cho thấy không phải ngẫu nhiên mà theo xếp hạng của WB, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2016 đã tăng đến 9 bậc (82/190).

Tuy nhiên, công bằng mà nói, công việc làm ăn ở nước ta vẫn rất khó khăn. Ngoài những nguyên nhân như đầu tư công bị cắt giảm; sự cạnh tranh các DN nước ngoài ngày càng quyết liệt; thị trường Trung Quốc vẫn chưa hết thất thường... chắc chắn vẫn đang tồn tại những nguyên nhân hết sức cơ bản khác nữa. Phải chăng chủ nghĩa tư bản thân hữu là một trong những nguyên nhân như vậy.

Chủ nghĩa tư bản thân hữu là thuật ngữ được dùng để mô tả một nền kinh tế mà trong đó thành quả kinh doanh phụ thuộc vào các mối quan hệ thân thiết giữa các doanh nhân và các quan chức chính quyền. Nó được biểu hiện qua cách cư xử thiên vị của chính quyền cho các DN thân hữu trong việc cung cấp tài chính, giấy phép, các khoản miễn giảm thuế và các hình thức hỗ trợ khác.

Với một khuôn khổ khái niệm như vậy, không khó để nhận thấy, chủ nghĩa tư bản thân hữu không những đang tồn tại, mà đang ngày càng bùng phát trên đất nước của chúng ta.

Thứ nhất, chủ nghĩa tư bản thân hữu đang làm cho môi trường kinh doanh bị hủy hoại nghiêm trọng. Thời gian qua, Chính phủ đã cố gắng rất nhiều trong việc thúc đẩy cải cách hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh. Thế nhưng, ở đâu đó cải cách hành chính khó hoàn thành sứ mệnh nếu “quan hệ thân hữu” vẫn được các DN sử dụng. Bởi lúc này hay lúc khác, chi phí không chính thức đã được nhiều DN sử dụng như một cách “cải cách thủ tục”, để thủ tục được hoàn thành một cách nhanh nhất. Ở một số địa phương, việc gia nhập thị trường cũng khiến DN nhỏ “loay hoay” và họ lại sử dụng “mối quan hệ” như một phương thức cuối cùng để đạt mục đích của mình.

Thứ hai, chủ nghĩa tư bản thân hữu đang triệt tiêu cạnh tranh. Ai cũng biết cạnh tranh lành mạnh là một động lực thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế là năng lực cạnh tranh thậm chí phải “cạnh tranh” cả với... quan hệ thân hữu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản giải thích tại sao các DN ở Việt Nam ít có khuyến khích đầu tư vào khoa học - công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hệ quả tiếp theo là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng rất thấp.

Thứ ba, chủ nghĩa tư bản thân hữu đang làm cho bất công và bất bình xã hội bị tích tụ lại ngày một nhiều hơn. Một số DN đang giàu lên nhanh chóng nhờ được ưu tiên, ưu đãi trong việc tiếp cận các nguồn lực của đất nước...; một số quan chức cũng giàu lên nhờ được... lại quả. Rủi ro lớn nhất ở đây là nếu tình hình không được cải thiện, thì sớm muộn gì bất ổn xã hội cũng sẽ xảy ra. Đến lúc đó thì môi trường để sống cho an toàn còn khó, chứ nói gì đến môi trường kinh doanh!

Thứ tư, chủ nghĩa tư bản thân hữu dẫn đến tham nhũng. Tham nhũng là gì nếu chẳng phải là việc lạm dụng quyền lực công vì lợi ích tư. Nhiều quan chức đã sử dụng quyền lực được nhân dân trao cho để ưu tiên, ưu đãi cho nhóm thân hữu và hưởng lợi từ sự lại quả của nhóm này.

Để cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ cần xây dựng và triển khai một chiến lược bài bản, công phu để chống lại chủ nghĩa tư bản thân hữu. Trước hết, mọi biểu hiện về mặt hành vi của chủ nghĩa tư bản thân hữu trong hoạt động kinh tế đều cần phải được nhận diện. Chế tài chống lại những hành vi này phải sớm được ban hành. Ngoài ra, các quan chức tuyệt đối không được có quan hệ cá nhân với các DN. Các quan chức có thể tiếp xúc với các DN để giải quyết công việc, nhưng không được xác lập quan hệ cá nhân.

Cuối cùng, hiện tượng các DN tài trợ cho chuyện mua quan, bán chức cần phải được nhìn nhận như một hiểm họa của đất nước. Đây là sự khởi nguồn rất phổ biến của chủ nghĩa tư bản thân hữu hiện nay.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng/DĐDN

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/nguy-co-bung-phat-tu-ban-than-huu-177280/