Nguy cơ kênh bất động sản tê liệt

Đẻ thêm nhiều thủ tục không cần thiết. Người góp vốn mua nhà có thể nhờ anh chị em, bà con đứng giùm tên để lách quy định mỗi người chỉ được phép mua một sản phẩm. Việc này có thể làm phát sinh tranh chấp về dân sự.

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, nhiều doanh nghiệp bất động sản khi góp ý cho các quy định trong dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 71 (nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở đang được Bộ Xây dựng đưa ra lấy ý kiến) cho rằng một số quy định của thông tư và của nghị định có thể khiến thị trường nhà đất… bất động. Can thiệp thô bạo Ở kênh bất động sản, vấn đề quan trọng đối với chủ đầu tư một dự án là nguồn vốn triển khai. Thế nhưng trong dự thảo thông tư, vấn đề huy động vốn góp của người mua nhà có phần bị siết chặt. Cụ thể về quy định nhận sản phẩm khi góp vốn, hợp tác đầu tư nêu: “Kể từ ngày 8-8, trong phạm vi địa bàn của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, mỗi hộ gia đình hoặc cá nhân khi tham gia góp vốn hoặc hợp tác đầu tư với chủ đầu tư thì chỉ được phân chia một lần với số lượng một nhà ở (nhà biệt thự, nhà riêng lẻ, căn hộ chung cư)”. Nghĩa là người góp vốn chỉ được chia sản phẩm một lần, còn sau đó không được góp vốn để chia sản phẩm nhà ở thuộc dự án khác. Về việc này, ông Bùi Tiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Sacomreal, cho rằng quy định như trên là không cần thiết. Lý do quy định này không thể hạn chế được chuyện một người mua nhiều nhà vì có thể người góp vốn nhờ anh chị em hay bà con dòng họ đứng tên. “Quy định này đã không hạn chế được người mua nhiều sản phẩm mà còn có thể khiến nảy sinh các tranh chấp về dân sự với các trường hợp đứng tên giùm” - ông Thắng nói. Dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 71 có quy định cấm các sàn giao dịch bất động sản gom sỉ bán lẻ. Ảnh minh họa: M.THẢO Còn ông Đặng Quốc Cường, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Việt, thì cho rằng quy định như trên quá bất hợp lý. Vì dự án nhà ở thương mại nguồn vốn là do cá nhân, tổ chức bỏ ra xây dựng chứ không phải sử dụng vốn ngân sách. “Tại sao nhà nước hạn chế và can thiệp vào việc bán sản phẩm của doanh nghiệp?” - ông Cường góp ý. Cũng theo ông Cường, việc ra quy định như trên có thể hiểu là nhà nước muốn hạn chế đầu cơ. Tuy nhiên đó là ý muốn chủ quan của cơ quan quản lý, còn việc phân định thế nào là đầu cơ hay đầu tư hiện rất mông lung. “Nếu nhà nước muốn điều tiết thị trường thì nên tạo ra nhiều sản phẩm nhà ở chất lượng giá rẻ. Lúc đó nếu chủ đầu tư dự án thương mại nào bán sản phẩm bất động sản giá cao thì sẽ bị chính thị trường tẩy chay”. Đẻ thêm thủ tục Ý kiến nhiều doanh nghiệp bất động sản còn cho rằng tại dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 71 này đã đẻ thêm các quy định về thủ tục hành chính không cần thiết có thể khiến doanh nghiệp, cơ quan quản lý thêm rối. Cụ thể ở Điều 19 quy định về xử lý chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở quy định “hộ gia đình, cá nhân, tổ chức không có chức năng kinh doanh bất động sản khi chuyển nhượng hợp đồng góp vốn phải có chứng nhận của cơ quan công chứng”. Theo ông Phùng Văn Năng - Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Nam Việt Ý, quy định thêm phần công chứng sẽ khiến giao dịch dân sự thêm rối. Vì theo dự thảo thông tư, với những hợp đồng góp vốn mua nhà hình thành trong tương lai thì người mua sau cùng phải giữ đầy đủ giấy tờ chuyển nhượng của các giao dịch trước để nộp cho cơ quan thẩm quyền khi làm sổ hồng. Ông Năng cho biết hiện nay ở thị trường thứ cấp có rất nhiều giao dịch nhà ở qua nhiều đời chủ. Nếu quy định như trên áp dụng thì thêm gánh nặng cho người mua cũng như các cơ quan quản lý như cơ quan thuế, tài nguyên môi trường… Ông Bùi Tiến Thắng, Phó Tổng Giám đốc Sacomreal, cũng cho rằng việc thêm công chứng là không cần thiết vì trước nay chuyện chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua nhà ở rất đơn giản. Cụ thể, khi có nhu cầu chuyển nhượng nhà ở dạng góp vốn, người mua chỉ cần cùng người bán đến chủ đầu tư xin hủy hợp đồng cũ và ra hợp đồng mới. Trên hợp đồng mới chuyển tên chỉ cần chủ đầu tư ghi thêm vào phụ lục hợp đồng góp vốn cũ, sau đó đi đóng thuế thu nhập cá nhân là xong. Nhiều doanh nghiệp bất động sản phản ánh nếu đọc kỹ các quy định trong thông tư thì còn rất nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ như về hợp đồng, sàn, quy định chủ đầu tư cấp I, cấp II… trước khi Bộ Xây dựng ký ban hành. BÙI NHƠN

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100830111349331p1014c1068/nguy-co-kenh-bat-dong-san-te-liet.htm