Nguy cơ lạm phát cao trở lại

* EVN khẳng định từ nay đến cuối năm, không tăng giá điện.

DN thêm phần lao đao

Các chuyên gia kinh tế tính toán, việc giá điện vừa tăng thêm 5% hôm 1-8 sẽ làm tăng CPI 0,2% trong tháng 8 và thêm 0,2% trong tháng 9. Vì vậy, cần thận trọng với điều hành giá cả. Đáng chú ý, ngày 2-8, một số doanh nghiệp xăng dầu trong nước lại có thông tin đang lỗ khoảng 500 đồng/lít xăng. Cùng với việc kêu lỗ "thông điệp” của các DN xăng dầu lại muốn tăng thêm khoảng 2% nữa.

Và nếu như những "đòi hỏi” của các DN xăng dầu lại một lần nữa được chấp thuận, nguy cơ giá cả bị đẩy lên chắc chắn sẽ không thể tránh được.

Bởi theo phản ánh của các DN, việc giá xăng tăng 3 lần liên tiếp thời gian vừa qua, nhiều DN phải rất khó khăn, thắt chặt chi phí, giảm nhân công… mới có thể kìm giá. Tuy nhiên, việc giá điện vừa tăng, thực sự là gánh nặng đối với các DN ở thời điểm sản xuất đang trì trệ như hiện nay.

Một số DN xuất khẩu ngành vải sợi cho hay, giá điện vừa điều chỉnh tăng đúng 1 ngày, đã nhận được thông báo từ nhà cung cấp nguyên liệu rằng sẽ tăng giá cung cấp từ 5-10%.

Còn theo tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam, giá điện hiện chiếm 11-12% chi phí sản xuất, điện tăng giá 5% sẽ tác động lên giá thành phẩm bình quân khoảng 50.000 đồng/tấn. Song với tình hình thị trường tiêu thụ hiện nay, sức mua quá yếu, nên việc tăng giá sản phẩm là điều không thể, do đó, nhiều DN thép đang đứng trước tình thế khó có thể tồn tại.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong thời điểm nền kinh tế đang rất khó khăn, Chính phủ đang nỗ lực tìm các giải pháp hỗ trợ để DN phục hồi sản xuất kinh doanh, thì việc giá điện tăng thêm 5% giống như việc phủ nhận mọi cố gắng, nỗ lực giải cứu DN từ trước đến nay.

Lạm phát trong tháng 8 có thể tăng mạnh

Ảnh: T.L

Khó giữ mục tiêu lạm phát 7%

Và một yếu tố quan trọng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi giá điện không thể không nhắc đến, đó là chỉ số CPI.

Trong nửa năm đầu, bằng việc duy trì những chính sách điều hành khá hợp lý của Chính phủ, lạm phát đã được kiềm chế một cách hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm, những công bố về chỉ số CPI liên tục khiến các nhà quản lý hài lòng. Tuy nhiên, tháng 7 vừa qua, với việc giá xăng tăng 3 lần liên tiếp, CPI của tháng này đã tăng 0,27% - xóa bỏ mức tăng giảm "trồi sụt” khó định hình của những tháng trước và con số này cũng đã xác lập xu hướng tăng giá rõ ràng. Điều này đang tạo áp lực lên lạm phát những tháng cuối năm.

Bộ Công thương – cơ quan chủ quản của EVN – đã có nhận định rằng, từ nay đến cuối năm, áp lực của việc điều chỉnh giá bán điện vẫn rất lớn. Nguyên nhân là do sau đợt giá than bán cho điện tăng từ 20-4-2013 lên 37-41% (làm tăng chi phí mua điện của EVN từ các nhà máy nhiệt điện chạy than khoảng 3.000-4.000 tỉ đồng) thì áp lực tăng giá than bán cho điện trong thời gian sắp tới vẫn lớn. Bên cạnh đó, theo báo cáo tài chính được kiểm toán của EVN thì hết 31-12-2012 EVN còn lỗ sản xuất kinh doanh điện khoảng 7.900 tỉ đồng và lỗ chênh lệch tỉ giá khoảng 15.000 tỉ đồng.

Trả lời những lo lắng của dư luận rằng, từ nay đến cuối năm liệu giá điện có tăng thêm lần nào nữa hay không? Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã khẳng định: Giá điện sẽ không điều chỉnh tăng một lần nào nữa trong năm 2013 này. Tuy nhiên, chính phía Bộ Công thương – cơ quan chủ quản của EVN – đã có nhận định rằng, từ nay đến cuối năm, áp lực của việc điều chỉnh giá bán điện vẫn rất lớn. Nguyên nhân là do sau đợt giá than bán cho điện tăng từ 20-4-2013 lên 37-41% (làm tăng chi phí mua điện của EVN từ các nhà máy nhiệt điện chạy than khoảng 3.000-4.000 tỉ đồng) thì áp lực tăng giá than bán cho điện trong thời gian sắp tới vẫn lớn. Bên cạnh đó, theo báo cáo tài chính được kiểm toán của EVN thì hết 31-12-2012 EVN còn lỗ sản xuất kinh doanh điện khoảng 7.900 tỉ đồng và lỗ chênh lệch tỉ giá khoảng 15.000 tỉ đồng.

Dù theo lãnh đạo EVN, các khoản lỗ trên không được hạch toán vào giá thành sản xuất điện, mà bù đắp nhờ phần lãi trong sản xuất kinh doanh. Nhưng trên thực tế, để có lãi, ngay cả trong năm điều kiện thủy văn rất thuận lợi (lãi lớn nhờ thủy điện như năm 2012), EVN vẫn tăng giá với lý do để bù đắp cho giá nhiên liệu đầu vào tăng. Tuy lãnh đạo EVN vẫn luôn khẳng định tính minh bạch trong việc tăng giá điện song với áp lực phải "có lãi để bù lỗ”, người tiêu dùng vẫn có quyền đặt câu hỏi về tính hợp lý trong các lần tăng giá của EVN. Và theo như nhận định của Bộ Công thương, cộng với tính đỏng đảnh của nhà đèn (thích tăng giá điện là tăng, bất chấp ý kiến của dư luận ra sao – PV) thì dư luận vẫn phải hoài nghi về việc EVN khẳng định sẽ không tăng giá điện (?)

Nói như vậy để thấy rằng, hoàn toàn có cơ sở để các chuyên gia kinh tế đưa ra dự báo rằng, đến cuối năm 2013, giá điện vẫn có thể tiếp tục được điều chỉnh vì đợt điều chỉnh 5% ngày 1-8 chưa đạt được mục tiêu đề ra của ngành điện.

Với sự tăng giá của các mặt hàng thiết yếu và cả những nguy cơ "sẽ tăng giá” trong thời gian tới của những sản phẩm đầu vào thiết yếu (xăng dầu, điện) đang tạo nên hàng loạt các nguy cơ và chắc chắn lạm phát trong tháng 8 có thể tăng ở mức khá mạnh, theo dự đoán của giới chuyên gia sẽ là mức "tăng vọt” chưa từng thấy trong suốt 7 tháng của năm 2013, vào khoảng 1,4 -1,5%. Và do đó, mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 7% trong năm nay khó có thể thực hiện được.

Duy Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=67716&menu=1372&style=1