Nguy cơ tăng thâm hụt ngân sách

Tài khóa trước thách thức ngắn hạn, cần chấp nhận sự đánh đổi lợi ích - chi phí, trong việc lựa chọn biện pháp ngắn hạn để cân bằng ngân sách nhà nước.

Thu ngân sách giảm nhanh nếu không tương ứng với giảm chi tiêu, có nguy cơ tăng thâm hụt ngân sách, nợ công

CôngThương - Nguy cơ tăng thâm hụt ngân sách, nợ công

Tháng 11/2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013- 2014, trong đó, trần bội chi NSNN cho 2 năm được nâng lên 5,3% GDP.

Theo dự toán NSNN Quốc hội phê duyệt cho năm 2014, số thu ngân sách được dự báo là 782.700 tỷ đồng, số chi là 1.006.700 tỷ đồng và bội chi dự kiến là 224.000 tỷ đồng- tương đương 5,3% GDP.

TS Vũ Sĩ Cường- Học viện Tài chính- nhận định: Dự toán NSNN năm 2014 khá cao, việc thực phải đối mặt với những khó khăn.

Thứ nhất là sự bền vững của ngân sách. Cơ cấu thu NSNN Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các nguồn thu có tính ổn định không cao, không bền vững như thu từ dầu thô, tiền sử dụng đất, hải quan. Năm 2013, tổng 3 nguồn này chiếm khoảng 35% tổng thu NSNN.

TS Vũ Sĩ Cường:

Việt Nam đang trong thế lưỡng nan về chi cho đầu tư. Nếu tiếp tục duy trì đầu tư công ở mức cao để hỗ trợ tăng trưởng thì phải chấp nhận bội chi ngân sách lớn hơn và nợ công tăng lên. Nếu chấp nhận cắt giảm mạnh đầu tư công để giảm thâm hụt NSNN thì phải chấp nhận tăng trưởng giảm sút, tình trạng việc làm khó khăn.

Trong ngắn hạn, nguồn thu NSNN có thể giảm do thay đổi chính sách thuế. Theo Luật thuế TNDN đã được Quốc hội thông qua, từ 1/1/2014 thuế suất thuế TNDN sẽ chỉ còn 22% so với 25% hiện nay.

Thu thuế suất nhập khẩu cũng có thể giảm khi Việt Nam tiếp tục cắt giảm thuế suất theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2012-2014.

“Quy mô thu ngân sách giảm nhanh nếu không đi kèm với việc giảm quy mô chi tiêu tương ứng, có nguy cơ làm tăng thâm hụt ngân sách và nợ công”-. TS Cường cảnh báo và diễn giải:

Hiện tổng chi thường xuyên đã lớn hơn mức thu từ thuế và phí. Điều này vi phạm nguyên tắc về tính bền vững trong Luật Ngân sách, tạo ra rủi ro rất lớn cho ngân sách về dài hạn khi chúng ta phải vay để tiêu dùng thay vì chỉ vay để đầu tư.

Thứ hai là thực hiện tiết kiệm chi tiêu từ NSNN. Chính phủ đã áp dụng nhiều biện pháp, nhưng tốc độ tăng chi NSNN theo dự toán của Quốc hội và nhất là tăng chi thường xuyên vẫn khá cao (năm 2012 vượt xa so với tốc độ lạm phát).

Chi ngân sách cho trả nợ (cả lãi và gốc) đang tăng nhanh, do quy mô vay nợ ngày càng tăng, nhiều khoản vay đã đến kỳ trả nợ. Tỷ lệ trả lãi trong tổng chi cân đối NSNN năm 2005 là 2,9% đã tăng lên 5,2% năm 2013. Nếu tính tổng chi NSNN cho trả cả lãi và gốc thì năm 2014 cần khoảng 12% tổng chi cân đối NSNN để trả nợ.

Chi cho quản lý hành chính tiếp tục tăng lên trong vài năm gần đây, trong bối cảnh Chính phủ vẫn phải duy trì các khoản chi an sinh xã hội. Hiện, các biện pháp tiết kiệm chi tiêu đã được áp dụng nên khó có thể tiết kiệm NSNN hơn nữa khi chưa có sự thay đổi mạnh về hệ thống và cơ chế chi tiêu.

Thứ ba là vay nợ và hiệu ứng lấn át. Việt Nam liên tục bị hạ tín nhiệm trên thị trường vốn quốc tế nên rất khó tìm kiếm nguồn vốn vay từ bên ngoài.

Nhằm bù đắp số tuyệt đối bội chi cao, Việt Nam buộc phải phát hành trái phiếu chính phủ huy động vốn trong nước. Tuy nhiên, cách thức các ngân hàng thương mại mua trái phiếu chính phủ rồi sử dụng nó để xin tái cấp vốn đang làm tăng cung tiền cho nền kinh tế.

Hệ quả là nền kinh tế có thể phải đối mặt với lạm phát cao. Hơn nữa, nếu Chính phủ vay nợ nhiều hơn cũng có nguy cơ tạo ra hiệu ứng lấn át với việc vay vốn của khu vực tư nhân, việc tăng đầu tư công 1% sẽ làm giảm đầu tư tư nhân 0,48%.

Thứ tư, kỷ luật ngân sách. Đây là vấn đề đáng quan tâm cả ở trung ương và địa phương. Thực tế ở nhiều địa phương, việc quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN rất kém, thậm chí có sai phạm ở nhiều cấp.

Với dự toán NSNN năm 2014 khá cao, TS Cường cho rằng “Nếu không có những cải cách triệt để thì có thể lại ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế vĩ mô trong tương lai”.

Nút thắt thể chế

Luật NSNN được coi là nền tảng cho việc thực hiện chính sách tài khóa cũng như quản lý NSNN. Những trở ngại liên quan đến sự bền vững của NSNN, đặc biệt là những trở ngại về thể chế, cần được khắc phục trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

TS Vũ Nhữ Thăng

Phấn đấu tăng thu, giảm bội chi năm 2014, cần kiểm soát mức dư nợ công trong giới hạn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và phải quan tâm đến kỷ luật tài khóa.

TS. Vũ Nhữ Thăng- Viện trưởng, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính- nhận xét, những cải cách thể chế trong thời gian gần đây cho thấy có tác động lớn tới chính sách tài khóa, đồng thời chỉ rõ “sự dùng giằng trong thể chế” tác động không nhỏ tới hiệu quả của chính sách tài khóa.

Việc thiếu chế tài đảm bảo hiệu quả chi tiêu NSNN đã dẫn tới chi tiêu ngân sách kém hiệu quả. Tình trạng chi vượt dự toán, chi sai mục đích, chế độ vẫn xảy ra. Quý I/2014, Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 9.924 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định; từ chối thanh toán 20 tỷ đồng chi thường xuyên và 40 tỷ đồng chi đầu tư.

Đổi mới thể chế về giá đối với các dịch vụ công đã được đặt ra nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Đơn cử, ngành y tế đưa ra lộ trình đổi mới cơ chế giá thuốc và dịch vụ y tế nhưng vẫn chậm thực hiện so với lộ trình.

Để đảm bảo hiệu quả chi tiêu NSNN, TS Thăng cho rằng: "Cần tăng cường chế tài". Những điều chỉnh trong thể chế như Luật phí, lệ phí để thay thế cho Pháp lệnh phí, lệ phí; xây dựng Luật thuế bất động sản theo định hướng đã xác định tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương sáu, khóa XI… cần được sớm ban hành và thực hiện.

Hải Vân

Thu ngân sách giảm nhanh nếu không tương ứng với giảm chi tiêu, có nguy cơ tăng thâm hụt ngân sách, nợ công

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/tai-chinh/53938/nguy-co-tang-tham-hut-ngan-sach.htm