Nguy cơ từ đèn pha, còi hơi

Trong các mục tiêu giảm tai nạn giao thông (TNGT), ý thức người tham gia giao thông luôn được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, mục tiêu này sẽ khó hoàn thành nếu không xử lý triệt để tình trạng các lái xe cố tình lắp đặt, 'độ chế' đèn pha, còi hơi công suất lớn sai quy định, gây mất an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông. Đây cũng chính là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn thương tâm, là nỗi kinh hoàng đối với nhiều người dân.

Nhiều loại còi hơi được bày bán tại khu vực phố Thịnh Yên (Hà Nội). Ảnh: TÚ ANH

Nhiều loại còi hơi được bày bán tại khu vực phố Thịnh Yên (Hà Nội). Ảnh: TÚ ANH

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn

Theo quy định, nếu người điều khiển xe ô-tô vi phạm các quy định về bật đèn chiếu xa, sử dụng còi hơi tự chế hoặc bấm còi liên tục sẽ bị xử phạt từ 600 đến 800 nghìn đồng. Đối với người điều khiển xe máy vi phạm các lỗi này, sẽ bị phạt tiền từ 60 đến 100 nghìn đồng. Nếu gây ra tai nạn lái xe sẽ bị tước giấy phép lái xe từ hai đến bốn tháng. Thế nhưng, dường như ít người biết đến quy định này, chế tài cũng chưa đủ sức răn đe.

Mỗi khi có việc phải ra đường buổi tối trong thành phố, anh Phùng Đức Kiên trú tại phường Quan Hoa, Cầu Giấy (Hà Nội) phàn nàn mình hay bị chói mắt vì ánh đèn pha sáng quá mức từ các xe ô-tô rọi thẳng vào mặt. Nếu ai đi trên đường Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) vào buổi tối sẽ được mục kích màn "trình diễn” ánh sáng đèn pha của các phương tiện giao thông. Khi trời tối, hai tuyến đường này trở nên rất nguy hiểm vì đường hẹp, nhiều ổ gà, xe cộ đông, ánh sáng công cộng yếu. Vì thế người điều khiển ô-tô, xe máy rất "chăm" chiếu đèn pha, bấm còi hết sức tùy tiện. Có lần anh Kiên bị lao xuống dốc vì lóa mắt.

Dù đã bị nghiêm cấm sử dụng, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, tại các tuyến phố chuyên kinh doanh phụ tùng, “đồ chơi” ô-tô, xe máy ở TP Hà Nội như Phố Huế, Thịnh Yên, Trần Cao Vân, Đồng Nhân,… đang tái diễn tình trạng bán còi hơi công suất lớn, đèn pha led siêu sáng. Những loại còi bình dân thường có giá từ 400 đến 500 nghìn đồng/chiếc, thậm chí dàn còi của Hàn Quốc, Đức,… có giá tới vài triệu đồng/bộ. Còn đèn led siêu sáng cũng đủ hình dáng, kiểu loại, từ 24 đến 36 bóng led có độ sáng gấp bốn đến năm lần so với đèn pha bình thường, giá dao động từ 1,5 đến ba triệu đồng, thường được các chủ xe bán tải, xe tải ưa thích. Nhiều lái xe tải cỡ trung và cỡ lớn thường lựa chọn những loại còi “khủng” phát ra âm lượng cực lớn hoặc đèn led có đến 80 bóng siêu sáng. Khách hàng có nhu cầu mua còi xe ưu tiên, cứu hỏa, cấp cứu,... các cửa hàng đều đáp ứng dù không bày bán công khai. Theo tìm hiểu, những loại còi, đèn “độ chế” có thể lắp dễ dàng cho tất cả các loại ô-tô, xe máy thông qua một bộ kích.

Cần xử lý nghiêm

Hiện tượng thường thấy trên đường vào ban đêm là nhiều người điều khiển phương tiện có thói quen bật đèn chế độ chiếu sáng xa, bấm còi vô tội vạ. Thậm chí, cả trong khu vực đô thị, đông dân cư, nhiều người cũng “quên” chuyển đèn về chế độ chiếu sáng gần, hoặc cố tình bấm còi khiến người khác giật mình, dẫn đến tai nạn.

Phó Cục trưởng Ðăng kiểm Việt Nam Nguyễn Hữu Trí cho biết, quy định về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã nêu rõ, âm lượng còi xe phải nằm trong giới hạn từ 90 dB đến 115 dB. Đối với đèn chiếu sáng, phải bảo đảm đúng về tiêu chuẩn của nhà thiết kế về cường độ sáng, chùm tia sáng đủ quan sát vào ban đêm. Để giải quyết dứt điểm vấn nạn sử dụng đèn chiếu sáng, còi hơi sai mục đích, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có công văn yêu cầu các Trung tâm đăng kiểm trên cả nước kiên quyết không cho đăng kiểm các phương tiện lắp đặt còi hơi, đèn chiếu sáng không bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu các phương tiện này phải tháo bỏ, lắp đặt đúng tiêu chuẩn mới cho đăng kiểm. Cần có sự vào cuộc của các lực lượng chức năng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm, tránh những trường hợp gây tai nạn đáng tiếc do còi xe, đèn pha “độ chế” gây ra.

Muốn dẹp bỏ triệt để vấn nạn lạm dụng còi, đèn chiếu sáng, trước hết, cần phổ biến, giáo dục về các quy định nhằm nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Uông Việt Dũng cho biết, nhiều người tự ý gắn đèn led, còi hơi lên ô-tô, xe máy để tăng độ sáng và âm thanh là nguy cơ tiềm ẩn tai nạn khó lường. Trong thời gian tới, Ủy ban ATGT quốc gia sẽ tập trung tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao ý thức văn hóa và trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông, nhất là việc sử dụng còi xe, đèn pha khi lưu thông trên đường. Cùng với đó, kiến nghị ngành công thương có biện pháp siết chặt quản lý kinh doanh mặt hàng phụ tùng ô-tô, xe máy. Khi ý thức của người dân tham gia giao thông được nâng cao, tiếng còi và ánh đèn xe sẽ trở về đúng chức năng vốn có là cảnh báo, bảo vệ an toàn cho người tham gia giao thông.

MINH DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/33766902-nguy-co-tu-den-pha-coi-hoi.html