Nguyên Bộ trưởng GDĐT Trần Hồng Quân: Biên chế triệt tiêu động lực lao động

GS Trần Hồng Quân cho rằng, cơ chế biên chế là nguyên nhân làm triệt tiêu động lực phấn đấu của người lao động và nó như một cái rọ an toàn cho những người yếu kém. Vì thế, việc xóa bỏ công chức, viên chức trong giáo dục là biện pháp hợp lí trong lúc này.

GS Trần Hồng Quân cho rằng biên chế sẽ làm triệt tiêu động lực lao động (Ảnh: giaoduc.net)

"Cái rọ" an toàn cho những người yếu kém

Trao đổi với báo Lao Động, GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết, cách đây 30 năm, khi hưởng ứng tinh thần đổi mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, lúc đó Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề (tiền thân của Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng đã đặt ra vấn đề thực hiện theo cơ chế hợp đồng nhưng thời điểm ấy chưa có đủ điều kiện để thực hiện.

Đánh giá về chủ trương này của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, GS Trần Hồng Quân nhận xét:

“Hai nhóm giải pháp lớn nhất để thúc đẩy nền giáo dục phát triển đó là vấn đề động lực và nguồn lực thì chủ trương bỏ công chức, viên chức trong bối cảnh hiện nay là ý tưởng tích cực tác động đến động lực. Đồng thời, đây cũng được xem là cuộc cải cách mạnh dạn, có thể làm thay đổi cả hệ thống”.

Theo GS Trần Hồng Quân, chế độ hợp đồng giảng dạy là thực hiện chế độ trả lương theo việc làm, điều này sẽ tạo điều kiện để thầy cô có toàn quyền quyết định khối lượng công việc nhận làm, mức thu nhập của bản thân và chịu trách nhiệm về giảng dạy, đào tạo, nghiên cứu và về thời hạn hoàn thành công việc. Có nghĩa là việc làm, thu nhập, đời sống của giáo viên gắn chặt với việc hoàn thành nhiệm vụ của họ trong giảng dạy. Đây chính là nguồn động lực tự thân của từng thầy cô cũng như của toàn bộ đội ngũ.

Chất lượng đào tạo sẽ là cơ sở... để kí hợp đồng. Trong khi đó, cơ chế biên chế lại là nguyên nhân làm triệt tiêu động lực phấn đấu của người lao động và cơ chế này như một cái rọ an toàn cho những người yếu kém, không tích cực vì khi đã vào biên chế nhà nước thì không lo bị sa thải. Đồng thời cơ chế này cũng như một cái rọ hạn chế sự phấn đấu tích cực của nhiều thầy cô bởi lẽ dù có phấn đấu thì mọi đánh giá, chính sách đãi ngộ cũng không khác gì so với những người không phấn đấu, không tích cực.

Nảy sinh nhiều vấn đề xã hội

Nhưng trong tình hình hiện nay, để xóa bỏ được quan niệm về biên chế đã gắn với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên trong nhiều năm qua không phải là điều dễ dàng, thậm chí đầy rẫy những khó khăn. Bộ GDĐT sẽ phải đối mặt với một loạt các thách thức. GS Quân chỉ rõ thứ nhất, mô hình tổ chức quản lý ở các cơ sở sẽ tổ chức kiểu gì? Ai là người được quyền quyết định tuyển dụng hay sa thải đội ngũ lao động của trường? Bản thân những người quyết định có phải là trong biên chế nhà nước hay hợp đồng lao động? Ai kí hợp đồng lao động với những người đó? Cơ chế kiểm soát như thế nào để tất cả hoạt động đó là hợp lí, vô tư, có hiệu quả?...

Vì thế, theo ý kiến của GS Quân, hiện nay, các trường đại học công lập, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đang tiến tới thành lập Hội đồng trường - thể chế cao nhất có quyền lực của nhà trường, đại diện cho chủ nhân của nhà trường.

Vậy khi toàn bộ đội ngũ lao động ở dạng hợp đồng (có nghĩa là cấu tạo nhà trường không ổn định) thì việc thành lập Hội đồng trường sẽ như thế nào?

Chúng ta cũng cần bàn tới việc nhiều tổ chức cụ thể mang tính chính trị như Đảng bộ của nhà trường vốn có số lượng ổn định như lâu nay sẽ được sắp xếp như thế nào. Vì những người đảng viên cũng là lao động cụ thể nhưng lại theo cơ chế hợp đồng, tức là toàn bộ đội ngũ không phải là ổn định. Nói chung lại, về mặt tổ chức sẽ có những khó khăn nhất định nhưng cái không ổn định đó xét về mặt động lực lại rất tốt vì có ra, có vào, có sàng lọc. Do đó, phải có những bước nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của một trường khi ta chuyển sang thực hiện cơ chế hợp đồng lao động.

Thứ hai, lộ trình thực hiện không thể làm ngay một lúc. Không ít đội ngũ thầy giáo cho tới nay chưa hoàn toàn thật sự thích hợp với công việc hoặc do tuổi tác, hoặc do lâu nay không phấn đấu để nâng cao trình độ, tính tích cực hạn chế, lương bổng nhà giáo chính thống chưa nuôi đủ gia đình nên có “chân trong chân ngoài”… Chính vì thế, nếu có sự sàng lọc gay gắt về năng lực thì sẽ sinh ra vấn đề xã hội.

“Do vậy, khi thực hiện việc bỏ biên chế giáo dục cần được nghiên cứu một cách thấu đáo, kỹ lưỡng”, GS Trần Hồng Quân lưu ý.

Huyên Nguyễn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giao-duc/nguyen-bo-truong-gddt-tran-hong-quan-bien-che-triet-tieu-dong-luc-lao-dong-668246.bld