Nguyễn Khắc Thạch ngồi thiền

(TNTT&GT) Sáng nay đi dự lễ hội “Ngày thơ Việt Nam” tại Văn Miếu, chợt nhìn thấy “cây thơ” của Thừa Thiên - Huế có giới thiệu nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch và bài thơ Dòng sông một bờ nổi tiếng của anh. Đó là một bài thơ hay mà ý tưởng ban đầu có thể lấy từ tên một truyện vừa rất nổi tiếng của Garcia Marquez nhan đề Bờ thứ ba của dòng sông.

Nếu Marquez nghĩ tới một “bờ thứ ba” như một vỉa tầng hiện thực - ảo giác, thì với Nguyễn Khắc Thạch, Dòng sông một bờ lại chứa chất một nỗi buồn, nỗi cô đơn không dễ giải tỏa của con người, nhất là người đang yêu và gặp bất hạnh trong tình yêu. Chơi với Nguyễn Khắc Thạch gần 30 năm, nhưng nói có thể hiểu anh hoàn toàn là điều gần như không thể. Mặc dù khó ai hiền hơn và hay giúp đỡ người khác hơn Nguyễn Khắc Thạch. Mấy năm trước, sau một tai nạn, tự nhiên khi gặp lại Thạch ở Huế, tôi thấy anh ăn chay trường. Ăn chay như kiểu của Thạch là đúng kiểu ăn chay của nhà chùa, của các vị sư thầy. Ăn những món chay đơn giản nhất, tránh xa các món chay “mô phỏng” theo hình dáng và mùi vị của các món mặn. Tôi cũng không hiểu vì sao, đã là món chay mà người ta lại cố làm cho giống món mặn? Nếu thế thì ăn chay làm gì? Vì trong khi “miệng ăn chay” thì anh lại để “tâm ăn mặn”. Thạch ăn chay thật lòng, vì một lời tự hứa nào đó, tôi đoán vậy. Nhưng không vì thế mà chúng tôi không ngồi lai rai với nhau. Ăn chay nhưng vẫn uống bia được. Các nhà chùa lớn bây giờ có “mốt” uống bia không độ cồn. Nhưng nói như một người bạn của tôi: bia không độ cồn thì đâu còn là bia. Và nếu uống bia không độ cồn thì tốt nhất... không nên uống bia nữa, cứ uống nước lọc cho khỏe người. Nguyễn Khắc Thạch với tôi tuy không là anh em ruột nhưng luôn coi nhau như ruột thịt. Anh được cha mẹ đặt tên “Thạch” là rất có lý, vì nhiều lúc anh “lặng im như đá”, dĩ nhiên không phải nước đá, mà là đá núi. Người ít nói như Thạch thường có nội tâm sôi động, và khi họ làm thơ, thì chỉ có thơ mới làm cho họ lắng lại. Vì thế Thạch có nhiều bài thơ hay. Mấy tháng qua, ra Huế không gặp Thạch. Hỏi vợ anh mới biết, Thạch phải cơm đùm cơm nắm ra Hà Nội trông coi ngôi nhà đang xây của con trai. Nghe nói, ngôi nhà xây trên đất “nhạy cảm” gì đó, giấy tờ chỉ viết tay (nhưng không hề rẻ) nên nhiều khi xây được một bức tường thì phường kéo tới đập phá, lại phải chờ... phường rút rồi xây lại. Tôi hỏi vì sao lại chọn mua mảnh đất nhạy cảm đến kỳ quái như vậy, Thạch nói là nhà sui gia chọn mua, anh chỉ có nhiệm vụ ra ở “công trường” và trông coi thợ xây và... phường đập. Vậy mà sau năm lần bảy lượt, ngôi nhà vẫn mọc lên. Thạch nói, đó là một chuyến đi “thực tế” anh chưa từng biết trong đời. Rằng vì sao nhà bị đập vẫn... xây, và xây được. Và phải “lót nền” bằng cái gì. Anh trầm ngâm rồi nói: “Bác ơi, sau lần xây nhà này, tôi chỉ muốn vô chùa ở”. Thì Thạch bấy lâu nay vẫn tu tại gia đấy mà! Nhật Chung

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201010/20100301090710.aspx