Nguyên nhân khiến Nông nghiệp BAF Việt Nam lãi gấp 30 lần lên gần 120 tỷ trong quý đầu năm

CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý đầu năm 2024 với kết quả tích cực.

BAF báo lãi gần 120 tỷ đồng

Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ của doanh nghiệp đạt 1.292 tỷ đồng, tăng tới 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán ở mức 1.120 tỷ đồng, tăng 48,7% dẫn đến lãi gộp kỳ này tăng tới 170% so với cùng lên gần 172 tỷ đồng.

Về cơ cấu doanh thu, doanh thu bán nông sản đạt 764,4 tỷ đồng, tăng 67% so với năm trước; doanh thu hoạt động chăn nuôi tăng 53% lên 525,4 tỷ đồng, có thêm khoản thu mới từ bán cám với 2,3 tỷ đồng.

Nông nghiệp BAF

Doanh thu tài chính trong quý I/2024 cũng tăng từ 528 triệu đồng lên gần 7 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí tài chính ở mức cao với gần 47 tỷ đồng, trong đó có tới 46,4 tỷ đồng là chi phí lãi vay.

Chi phí bán hàng 23 tỷ đồng, chi phí quản lý 24,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản lợi nhuận khác kỳ này cũng tăng mạnh từ gần 7 tỷ đồng lên 54 tỷ đồng.

Khép lại quý đầu năm, doanh nghiệp của ông Trương Sỹ Bá báo lãi sau thuế 118,6 tỷ đồng, gấp 30,4 lần so với cùng kỳ. Trong đó, lãi sau thuế công ty mẹ gần 120 tỷ đồng, gấp 37,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải trình về kết quả này, BAF cho biết do thị trường giá heo trong quý I đã có những phục hồi nhất định sau đợt giảm đáy vào quý IV/2023. Hiện giá heo vẫn đang trên đà phục hồi và dự kiến sẽ duy trì ở mức trên 60.000 đồng/kg.

Sản lượng heo của BAF trong quý I đạt hơn 100.000 con, trong đó riêng tháng 3 đạt hơn 53.000 con đánh dấu tháng có sản lượng cao nhất lịch sử Công ty.

Giá nguyên vật liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng giảm 10-20% so với giai đoạn trước, góp phần tăng hiệu quả chăn nuôi. Ngoài ra, một khoản lợi nhuận đáng kể đã được ghi nhận từ việc bán lô đất Mai Chí Thọ. Khu đất này ban đầu được dự định để phát triển tòa nhà văn phòng mới của BAF. Tuy nhiên, với việc công ty chuyển đến địa điểm phù hợp hơn vào năm 2023. Sau khi cân nhắc, việc giữ lại tài sản được cho là không cần thiết, Công ty đã quyết định chuyển nhượng và mang lại lợi nhuận sau thuế khoảng 80 tỷ đồng.

Tính tới 30/3/2024, BAF có tổng tài sản đạt 6.760,6 tỷ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 53% xuống 45 tỷ đồng. Đầu tư tài chính ngắn hạn tăng nhẹ lên 346 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn giảm 12,5% so với đầu năm xuống 996,3 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 18% lên 1.882,6 tỷ đồng. Tài sản dở dang dài hạn ở mức 932,2 tỷ đồng.

Nợ phải trả tăng nhẹ lên 4.733,6 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với 3.100 tỷ đồng. Vay nợ ngắn hạn tăng 21% lên 853 tỷ đồng; vay nợ dài hạn ở mức 1.628 tỷ đồng, trong đó nợ ngân hàng 593,7 tỷ đồng, tổng nợ trái phiếu 1.034 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu ở mức 2.027 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 1.435 tỷ đồng.

BAF dự trình mục tiêu lãi hơn 300 tỷ đồng năm 2024

Theo tài liệu ĐHĐCĐ, năm 2024, BAF đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 5.543,9 tỷ đồng, chỉ tăng gần 7% so với thực hiện năm 2023, song mục tiêu lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 305,9 tỷ đồng, gấp 9,9 lần năm trước.

Trong mảng chăn nuôi, BAF đặt mục tiêu tổng sản lượng heo dự kiến bán ra thị trường là 609.509 con (heo thịt là 587.771 con và heo giống loại là 24.738 con). Doanh thu dự kiến đạt 3.399,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 270,6 tỷ đồng, chiếm 88,4% tổng lợi nhuận sau thuế.

BAF sẽ phát triển chăn nuôi heo theo hướng tập trung quy mô lớn, tăng tổng đàn bằng việc tiếp tục triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động các trại chăn nuôi theo mô hình hiện đại và công nghệ tiên tiến đạt tiêu chuẩn Global GAP, vận hành và quản lý đàn heo khoa học. Đồng thời, phát triển các sản phẩm chế biến từ thịt đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và giá trị gia tăng.

Đối với mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, doanh thu thuần dự kiến đạt 144 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 3,27 tỷ đồng. Còn đối với mảng kinh doanh nông sản, BAF dự kiến doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 32 tỷ đồng, chiếm khoảng 10,5% tổng lợi nhuận sau thuế.

Với 2 mảng này, BAF tiếp tục duy trì việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các quy định, chuẩn mực quốc tế. Đồng thời hoạch định năng lực và đầu tư nâng cao trang thiết bị, năng lực sản xuất của Nhà máy cám Tây Ninh để đạt công suất tối đa 250.000 tấn/năm. Tối ưu hóa quy trình sản xuất và phân bổ tài nguyên, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của hệ thống trang trại ngày càng mở rộng và bán ra thị trường.

Nhìn chung, trong năm 2024, BaF chú trọng mở rộng kênh phân phối sản phẩm tại các siêu thị lớn như Big C, AEON; thực hiện liên kết với nông dân phát triển đàn heo; sẽ đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển trang trại với mục tiêu là đạt vị trí top 3 trong ngành chăn nuôi tại Việt Nam vào năm 2030…

Bên cạnh đó, BAF cũng trình cổ đông thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ trong năm nay theo 3 hình thức.

Thứ nhất là phương án phát hành hơn 68,4 triệu cổ phiếu, chiếm 47,67% số lượng cổ phiếu đang lưu hành để chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:0,476767 (cổ đông nắm giữ 01 cổ phiếu sẽ được hưởng 01 quyền, 1 triệu quyền sẽ được mua thêm 476.767 cổ phiếu). Giá chào bán là 10.000 đồng/CP. Tổng giá trị vốn huy động dự kiến sau đợt phát hành này là hơn 684,2 tỷ đồng.

Thứ hai là phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động năm 2023 (ESOP) với tỷ lệ 5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành, tương ứng phát hành thêm 7.176.000 cổ phiếu mới với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng số tiền dự kiến huy động được là 71,76 tỷ đồng.

Thứ ba là phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông năm 2023 tỷ lệ 17% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 17 cổ phiếu mới). Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 24,4 triệu cổ phiếu.

O.L

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/nguyen-nhan-khien-nong-nghiep-baf-viet-nam-lai-gap-30-lan-len-gan-120-ty-trong-quy-dau-nam-122310.html