Nguyên nhân máu bạch tuộc có màu xanh

Sắc tố hemocyanin ở trong máu là nguyên nhân khiến máu bạch tuộc có màu xanh, thay vì màu đỏ giống nhiều loài động vật khác.

Hemocyanin, sắc tố khiến máu bạch tuộc có màu xanh, là yếu tố giúp loài động vật này tồn tại ở môi trường nhiệt độ khắc nghiệt, theo How Stuff Works.

Hemocyanin là protein chứa các nguyên tử đồng (Cu) liên kết với một số lượng tương đương nguyên tử oxy (O). Đây là thành phần trong huyết tương máu của động vật không xương sống.

Hemocyanin mang màu xanh liên kết với oxy trong máu, vận chuyển oxy đi khắp cơ thể bạch tuộc để nuôi dưỡng các mô. Bạch tuộc có ba trái tim và cần oxy nhiều hơn hầu hết động vật không xương sống khác. Do đó, hemocyanin giúp bạch tuộc có một nguồn cung cấp oxy ổn định, ngay cả khi không có nhiều oxy trong môi trường sống.

Hemocyanin đảm bảo cho sự sống còn của bạch tuộc tại môi trường có thể gây tử vong cho nhiều sinh vật khác, từ nơi băng giá có nhiệt độ khoảng -1,8 độ C đến các lỗ thông nhiệt siêu nóng dưới đáy đại dương.

Máu của các loài động vật có vú, bao gồm con người, có màu đỏ vì nó chứa một loại protein giàu chất sắt gọi là hemoglobin.

Theo VnExpress

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/nguyen-nhan-mau-bach-tuoc-co-mau-xanh-2710034-l.html