Nguyễn Phong Việt 'trải đời' hơn với những vết thương liền da qua năm tháng

Không ít người nói thơ tôi sến sẩm và có nhiều bi lụy, nhưng tôi nghĩ một cuốn sách là một sản phẩm giải trí về mặt tinh thần dù nhìn ở góc độ nào đi chăng nữa. Tôi chẳng mưu cầu ai ai cũng thích thơ mình, nếu vậy thì số lượng bản in những cuốn sách của tôi đến giờ này không chỉ là trên 100.000 bản mà vượt xa con số đó rất nhiều…

Sau những tập thơ gây sốt “Đi qua thương nhớ”, “Từ yêu đến thương”, “Sinh ra để cô đơn”, “Sống một cuộc đời bình thường”, độc giả đang chờ đợi tập thơ mới "Về đâu những vết thương" của anh. Tại sao anh thường chọn cuối năm để ra mắt tập thơ mới?

Tôi thật sự rất thích không khí mùa Giáng sinh. Đó là mùa của niềm vui, sự trao tặng và rộn ràng của đám đông khi tận hưởng cuộc sống cùng nhau. Và tôi muốn cuốn sách của mình cũng có thể trở thành một phần của không khí ấy. Như một món quà, mọi người có thể trao tặng nhau hoặc thậm chị có thể tặng cho chính mình, xem như một người bạn để thủ thỉ những câu chuyện về cảm xúc của con người trong suốt những năm tháng mình đã đi qua hay chỉ một năm vừa mới đi qua.

Nếu như những tập thơ đầu của anh nhiều cảm xúc trong trẻo, thì hai tập thơ gần đây, sự trong trẻo ấy trở nên hiếm muộn, nhường chỗ cho những “vết thương”, “nhẫn tâm”. Chẳng lẽ càng trải nghiệm, con người ta càng trở nên chai sạn, gai góc hơn?

Tôi muốn đặt ra một câu hỏi cho bản thân cũng như cho mọi người, rằng những vết thương đã có vào những năm tháng thanh xuân của chúng ta ngày hôm nay đã trở nên như thế nào. Những vết thương ấy đã bị lãng quên chưa hay vẫn còn hiển hiện, nếu còn hiện diện trong lòng thì nằm ở góc khuất nào… Tôi nghĩ ai trong chúng ta cũng từng có cảm giác “muốn chết đi” vì đánh mất một thứ gì đó vào ngày tuổi trẻ, nhưng rồi chúng ta vẫn sống, vẫn an vui, vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Chúng ta không ai chết đi, chỉ là trưởng thành hơn và trải đời hơn với những vết thương liền da theo năm tháng. Cũng có 1 vài bài thơ, tôi đã bắt đầu viết về triết lý thân phận con người. Đây cũng chỉ là một bước khởi đầu cho những dự định tương lai khi tôi muốn viết không chỉ về tình yêu thương của con người với nhau nữa…

Nhiều độc giả cho rằng tập thơ năm ngoái “Sống một cuộc đời bình thường” dường như có chút đuối hơn so với “Đi qua thương nhớ”. Anh có áp lực gì không khi ra mắt "Về đâu những vết thương"?

Áp lực thì vẫn luôn có, đặc biệt là khi tôi có những độc giả đi theo cùng mình với hành trình 5 năm qua. Nhưng thực tế trong lòng tôi cũng biết, tôi của Đi qua thương nhớ 5 năm trước đã không còn giống như bây giờ. Không phải tôi đang bào chữa, nhưng tôi tin mỗi cuốn sách như một quãng đời mình sống vậy, có lúc chông chênh, có lúc bình tâm, có lúc khao khát vĩ đại, có lúc chỉ mưu cầu sự giản dị… Tập thơ Sống một cuộc đời bình thường của tôi vào nằm ngoái nằm ở góc nhìn của một người đi qua quá nhiều những thăng trầm cuộc sống, và ước mơ duy nhất còn lại trong đời là được sống một cuộc đời bình thường giản dị. Tôi tin, một lúc nào đó, nếu một ai đó đã đi qua những dâu bể cuộc đời cũng sẽ chỉ mong chờ điều này. Với riêng Về đầu những vết thương, khi bắt đầu cuốn sách tôi đã lo mình không đủ trải nghiệm để viết nhưng đến khi hoàn thành xong tôi thật sự trút được gánh nặng này. Tôi tin cuốn sách này có một phần đời của mọi người ở trong đó!

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, thơ của anh thường theo một công thức, và mang tính thương mại. Thơ mang tính thương mại liệu có còn là thơ?

Thật ra tôi nghe về quan điểm này nhiều rồi, và thậm chí trong rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp xung quanh mọi người vẫn hay nói thơ tôi khá sến sẩm và có nhiều bi lụy. Nếu như mọi người đều thích thơ của Nguyễn Phong Việt thì tôi tin rằng số lượng bản in của những cuốn sách của tôi đến giờ này không chỉ là trên 100.000 bản in mà sẽ còn vượt xa con số đó rất nhiều.

Tôi sẽ vẫn chọn theo phong cách vốn có, có thể nó có công thức và thương mại trong suy nghĩ của nhiều người. Nhưng thú thật đó là thế mạnh của tôi trong cách viết. Tôi sẽ không còn là Nguyễn Phong Việt nếu khác đi. Tôi chỉ mong là mình vẫn còn cảm hứng để tiếp tục viết. Và nỗi niềm lo lắng lớn nhất của tôi khi một độc giả chịu bỏ ra một số tiền để mua một cuốn sách thơ đó là họ cảm thấy thất vọng- vì chẳng còn tìm thấy được sự đồng cảm trong thơ Nguyễn Phong Việt nữa. Tôi sẽ luôn phải cố gắng để không nhìn thấy sự thất vọng đó.

Một bài thơ được phổ nhạc sẽ có một đời sống riêng, anh có mong muốn được phổ nhạc cho thơ của mình, và anh mong sẽ được kết hợp với nhạc sĩ nào?

Năm nay cùng với việc cho ra mắt Về đâu những vết thương, tôi có phát hành lại bản sách đặc biệt của Đi qua thương nhớ có tặng kèm một CD gồm 4 bài hát trong đó có ca khúc Đi qua thương nhớ của nhạc sĩ Võ Hoài Phúc sáng tác với hai phiên bản do ca sĩ Ly Sang và Quốc Thiên trình bày. Tất cả đều là cơ duyên khi nhạc sĩ Võ Hoài Phúc và anh Trần Lê Quỳnh đọc thơ tôi và tìm thấy nguồn cảm hứng để chia sẻ. Tôi nghĩ âm nhạc và thơ ca là 2 đời sống hoàn toàn khác nhau, và để một nhạc sĩ nào đó viết ca khúc dựa trên cảm hứng thơ của mình quả thật là một điều quá may mắn.

Làm thơ, dường như cần nhiều cảm xúc hơn “một người bình thường”, tuy nhiên, cuộc sống của nhà thơ Phong Việt dường như khá đơn giản: một vợ, một con, gia đình hạnh phúc, công việc kinh doanh ổn định… Anh có nghĩ cuộc sống như vậy có phần tẻ nhạt?

Trong cuộc sống thường nhật tôi là người khá lý trí và thực tế, thậm chí đôi khi nói là khô khan cũng được, hay tự làm mọi thứ một mình. Đó cũng là lý do rất nhiều lần tôi làm cho người bên cạnh mình không vui. Tôi cũng hiểu ra được điều đó và cũng đang dần thay đổi. Ngày xưa bà xã tôi cũng là một nhà thơ nữ có tiếng, nhưng giờ đã chuyển hẳn qua công việc kinh doanh và áp lực từ công việc rất nhiều. Có thể nói, vợ tôi là trụ cột gia đình, tôi đang làm freelancer nên dễ sắp xếp mọi thứ, và thư thả thời gian hơn để chăm sóc cho con nhiều hơn một chút.

Nếu anh tự thấy là bà xã là trụ cột, trong khi ở bên ngoài, anh hẳn được rất nhiều cô gái trẻ thần tượng, ngưỡng mộ. Anh có cảm thấy dễ buông mình trước một cô gái vì anh mà buồn thương?

Tôi nghĩ cuộc sống rất khó nói trước được điều gì. Mỗi khoảnh khắc cuộc sống là một chọn lựa. Tôi cũng đã từng rất nhiều lần làm buồn lòng đến tận cùng với bà xã của mình. Nhưng ở tuổi này, năm tháng này, tôi biết mình phải sống thế nào, ra làm sao để không chỉ có trách nhiệm với gia đình mà còn có trách nhiệm với chính bản thân mình. Có thể nói hơi sớm với một người gần tuổi 40 như tôi, nhưng những gì có thể mơ ước nhất của tuổi này là có một mái nhà thật bình yên và hạnh phúc.

Tú Oanh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/nguyen-phong-viet-trai-doi-hon-voi-nhung-vet-thuong-lien-da-qua-nam-thang-1083746.tpo