Nguyễn Quang Thiều “tranh luận” với 9X về sáng tạo

Liệu tiếng nói của những người trẻ thực sự có được quan tâm, có được đặt lên trước tiên khi quyết định những vấn đề liên quan tới chính họ?

Để rộng đường dư luận, mời độc giả lắng nghe một số ý kiến, góc nhìn thẳng thắn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều – cũng như ý kiến của chính các bạn trẻ:

NV Nguyễn Quang Thiều: Ranh giới giữa tự do và tùy tiện rất mong manh!

Tôi nghĩ rằng tiếng Việt hiện đại sẽ có những đổi thay, phát triển và ngôn ngữ của người trẻ phản ánh một phần cuộc sống của thời đại này. Tôi cho rằng kể cả những thứ ngôn ngữ mà chúng ta cảm thấy khó chịu, kể cả chúng ta cảm thấy bất ổn… thì đó là sự đương nhiên của thời đại đó, do đời sống xã hội sinh ra. Chỉ có điều ngôn ngữ đó được chúng ta nhìn nhận, ứng xử như thế nào, đó mới là điều quan trọng…

Đối với giới trẻ bây giờ họ phải sống như chính họ nhưng phải trên nền tảng của nhân văn. (Ảnh VTV6)

Tôi chưa đọc cuốn sách nhưng đã đọc những trích dẫn của nó. Chúng không phải là sự sáng tạo vì ít nhất thế hệ của chúng tôi cũng được nghe, cũng sử dụng trong những hoàn cảnh nào đó. Tuy nhiên, những câu nói ấy khi được in thành sách nghĩa là nó đã được xác lập những giá trị nhất định: Tôn vinh hay cảnh báo một lối sống cũng là những giá trị khác nhau. Trong trường hợp của cuốn sách, theo tôi nếu người biên tập kĩ, biết làm khéo hơn, đề dẫn tốt hơn, cách phân bổ tốt hơn thì nó cũng có những tác dụng nhất định của nó.

Về khoảng cách thế hệ trong ngôn ngữ, đây là một điều đương nhiên lúc nào nó cũng xảy ra ngay cả ở Phương Tây hiện đại, được cho là rất cởi mở. Mỗi thời đại, mỗi thế hệ có những ngôn ngữ nói riêng của họ và điều họ chưa thể chấp nhận hay không chấp nhận ngôn ngữ của thế hệ trước với thế hệ sau đó là một điều đương nhiên. Nhưng điều này chỉ là một vấn đề rất nhỏ, nó không phải là một mâu thuẫn lớn. Ngày nay có nhiều thứ thay đổi nhưng đấy chỉ là sự thay đổi về cách thức chứ không thể nói bây giờ giới trẻ đã đánh mất đi đạo đức còn những thế hệ khác thì giữ lại được.

Đối với giới trẻ bây giờ họ phải sống như chính họ nhưng phải trên nền tảng của nhân văn. Hiện nay bước đi dân chủ của nước mình là rất rộng và đó là ý nghĩa rất lớn của đổi mới. Nhưng họ cũng rất dễ bị rơi vào giữa sự tự do và tùy tiện. Sự tự do là khi anh được sống được sáng tạo với chính mình nhưng sự tùy tiện là họ sống không có luật pháp khuôn khổ trên nền tảng của giáo dục của văn hóa. Điều đặc biệt là sự tùy tiện và tự do của con người là rất mong manh vì vậy các bạn trẻ cần phải có được cái nhìn thực sự về vấn đề này nhất là trong thời đại mở hiện nay.

Trần Đức Thiện – SV ĐH Kinh tế Quốc dân: "Chúng tôi biết cư xử thế nào cho phù hợp"

Là một 8x đời cuối, khi biết về cuốn sách, cũng như việc cuốn sách bị ngưng xuất bản vì có nội dung phản cảm, không phù hợp với việc giáo dục thanh thiếu niên, tôi thực sự rất bức xúc trước nhận xét có tính quy chụp như vậy.

Chẳng có căn cứ hay cơ sở nào gán ghép nó bóp méo tiếng Việt, làm băng hoại, tinh thần đạo đức của giới trẻ cả. Sách vở hay bất cứ loại hình nghệ thuật nào đều có nhiều mục đích khác nhau, đâu nhất thiết phải mang tính giáo dục.

Còn về “nguy cơ” tiếng Việt bị bóp méo, xuyên tạc vì một cuốn sách, thì thật sự không chấp nhận được, bởi chỉ có toàn thể những người sử dụng nó mới làm được điều ấy chứ không phải là một cuốn sách nhỏ như vậy được.

Bảo những câu nói mà cuốn sách ghi lại làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt… khác gì nói chính giới trẻ - những người sử dụng các câu nói ấy nhiều nhất đang phá hoại tiếng Việt?

Trong khi là những người có văn hóa, chúng tôi sẽ biết cư xử, biết sử dụng chúng như thế nào cho phù hợp, biết lúc nào nên tránh và lúc nào có thể dùng một cách vui vẻ, suồng sã.

Nguyễn Thị Kim Chi (NV NH Quốc Tế BIV): Nói sách này ảnh hưởng xấu đến giới trẻ mới là nói “nhảm.
“Khi đọc cuốn sách, ban đầu tôi cảm thấy khá vui, thậm chí còn nghĩ nó có thể là một món quà tác cho các em tôi, đều đang là những “teen”. Đọc sách, tôi hình dung ra tác giả là một người rất thông minh và sáng tạo, dù trước đó tôi chưa từng biết đến Thành Phong và những tác phẩm của anh ấy.

"Nói cuốn sách này ảnh hưởng xấu đến giới trẻ thì thế mới đúng là nói “nhảm".

Thật sự với tôi, cuốn sách và những câu nói bên trong hoàn toàn vô hại, nhiều câu bản thân tôi và bạn bè đã sử dụng rất nhiều. Cũng có những câu, nội dung và hình ảnh minh họa gợi nhiều suy ngẫm khá sâu sắc về cuộc sống mà dường như ít người chú ý. Ví dụ như câu “Ác như con tê giác”, vẽ hình con tê giác đi săn đầu người với câu nói của tê giác con “Hôm nay không săn được con nào hả bố”. Nhìn hình vẽ ấy, đọc câu ấy, có ai nghĩ tới chuyện con tê giác cuối cùng ở Việt Nam đã chết? Còn câu “Khổ như con hổ”, vẽ hình con hổ đang đau khổ thắp hương cho cha mình đã bị nấu thành cao, vừa hài mà bi…

Những câu như thế, có phải chỉ để giải trí? Có phải không mang chút giáo dục nào? Đọc sách cũng phải biết suy ngẫm, biết cảm nhận, chứ không phải là những người chỉ biết đọc lớp chữ bên trên, nhìn nhận những hình ảnh vô cảm bề ngoài. Còn nói cuốn sách này ảnh hưởng xấu đến giới trẻ thì thế mới đúng là nói “nhảm".

Đừng bóp nghẹt sáng tạo của người Việt trẻ!

Từ câu chuyện cuốn sách "Sát thủ đầu mưng mủ" bị cấm xuất bản, những người trẻ tự vấn: Phải chăng, sự sáng tạo của họ đang bị bóp nghẹt bởi đám đông thủ cựu và giáo điều?

Nên cấm “Hỏi xoáy” của GS Xoay?

“Mọi người hãy nhìn vào chương trình "Hỏi xoáy đáp xoay"  về hình thức cũng như nội dung cả thì cuốn sách cũng tương tự như thế nhưng tại sao chỉ giáo sư Xoay được yêu quý đến thế còn "Sát thủ - mưng mủ" lại không được chấp nhận.

Minh Tâm – Hồng Khanh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/chuyen-dong-tre/48038/nguyen-quang-thieu--tranh-luan--voi-9x-ve-sang-tao.html