Nguyễn Văn Viết: Đại gia ngành in Sài Gòn xưa

Năm 1933, vào cuối cuộc khủng hoảng kinh tế ở Nam kỳ, một người nổi tiếng trong ngành in ở Sài Gòn, đầu thế kỷ XX, ông Nguyễn Văn Viết, có lúc gọi là Joseph Nguyễn Văn Viết, đã từ trần sau 5 tháng bị bệnh ung thư, hưởng thọ 65 tuổi.

Những người đọc sách thời đó tuy không biết về ông nhưng rất quen thuộc với cái tên nhà in Nguyễn Văn Viết trong nhiều cuốn sách lưu hành khắp Nam kỳ bấy lâu, khi đọc bộ truyện Tàu Tam quốc diễn nghĩa 38 tập do ông Nguyễn Chánh Sắt dịch, tiểu thuyết Giọt máu chung tình của Tân Dân Tử hay khi ê a hát hò các bài ca cổ trong cuốn Cầm ca tân điệu.

Báo Phụ nữ Tân văn số 22 ra ngày 26.10.1933, có bài viết Cái đời đáng treo gương sáng của nhà doanh nghiệp Nguyễn Văn Viết ký tên bổn báo. Tít phụ là: Từ hai bàn tay trắng, một con zéro, gây dựng nên sự nghiệp to lớn muôn ngàn. Bài báo (được lược lại dưới đây) như là nén nhang của tòa báo tưởng nhớ ông, người chủ nhà in đã in ấn tờ báo này từ năm 1929.

Nguyễn Văn Viết là chủ nhà in Jh. Viết trên đường d’Ormay (nay là Mạc Thị Bưởi). Tác giả bài báo ca ngợi ông trong việc in ấn, hết lòng chăm lo việc in báo khiến tờ báo có hình thức đẹp. Theo các tư liệu viết về báo Phụ nữ Tân văn, tờ này được in rất đẹp, có thể nói là đẹp nhất thời ấy, nhờ ban đầu do nhà in Nguyễn Văn Viết thực hiện (đến giữa năm 1930 thì số lượng phát hành lên đến 10.000 bản, không nhà in Việt Nam nào đảm nhận được nên phải giao cho nhà in Albert Portail của người Pháp).

Tác giả viết: “Song nào phải chúng tôi cảm thương than tiếc vì tình riêng mà thôi. Lại chính cũng vì cuộc đời và việc chung nữa. Ông Viết mất đi, tức là thiệt thòi cho xứ ta hết một nhà doanh nghiệp có chí có tài, đang lúc phấn đấu hoạt động, các công cuộc từ thiện trong xã hội cũng thiệt thòi nơi ông, hết đi một người hào hiệp, một người sốt sắng”.

Chân dung ông Nguyễn Văn Viết - màu nước của Phạm Công Tâm

Ông Nguyễn Văn Viết sinh năm 1868, chỉ ba năm sau khi người Pháp vào Việt Nam. Xuất thân từ gia đình nghèo, cha mẹ không có đất đai tiền của gì, năm 22 tuổi, ông xin làm thợ đóng sách ở nhà in Ardin, góc đường Catinat và d’Ormay (nay là Đồng Khởi - Mạc Thị Bưởi). Nhà in trả lương cho ông 0,70 đồng một ngày, mức cao vì ông là thợ khéo nhưng không bằng vợ ông đi may cho Tây, với 6 đồng tiền công một tuần. Cả hai vợ chồng sống khó khăn, mỗi người chỉ có bộ đồ bận trên người.

Nhưng ông Viết là người có chí lớn, không cam phận làm thợ đóng sách vô danh trên đất Sài Gòn. Ông muốn làm nên sự nghiệp. Sau khi làm thuê mấy năm, hai vợ chồng góp nhóp chút tiền bạc, mua vài dụng cụ đóng sách, rồi dần dà mở riêng hẳn một nhà đóng sách nho nhỏ trên đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng nay).

Đến năm 1898, tròn ba mươi tuổi, ông Đinh Thái Sơn, chủ nhà in Phát Toán số 83 đường d’Ormay (là nhà in sớm nhất do người Việt làm chủ từ năm 1879) thấy ông Viết có tài lại có chí nên để lại cho ông mấy món đồ nghề, gồm: một máy cắt, một máy ép, tính giá tổng cộng là 1.100 đồng, cho trả góp 15 tháng. Với số máy móc cũ kỹ đó, ông Viết dời nhà đóng sách của mình từ đường Paul Blanchy sang d’Ormay, là nhà in Nguyễn Văn Viết cho tới sau này.

Ban đầu, ông tạm ở phía sau nhà in. Đến khi việc đóng sách phát triển tốt, ông trả hết số nợ, rồi mua dần máy in, chữ đúc, dần dần chiếm luôn hai căn phố lầu số 85 và 87, tạo dựng cơ ngơi nhà in Jh. Viết to lớn và nổi tiếng khắp Nam kỳ.

Tuy ít học, từ bàn tay trắng, trong mấy chục năm, bằng nghị lực phi thường, ông Nguyễn Văn Viết tạo dựng cơ ngơi khá đồ sộ với số tiền vài chục muôn, 200 mẫu đất trồng cao su, mấy chục căn phố, một tòa nhà đồ sộ. Đó là sự nghiệp khá lớn của một người dân Việt trên đất nước thuộc địa thời ấy. Tuy khá giả, ông không ích kỷ, thường tham gia đóng góp cho từ thiện, cho các cuộc quyên góp giúp người nghèo, nạn nhân bão lụt, người thất nghiệp. Dù giàu có, ông giản dị, thường ăn bận như một ông già xưa.

Các sách do ông in và xuất bản, gồm: tái bản Chuyện giải buồn của Huỳnh Tịnh Paulus Của; bộ Tam quốc diễn nghĩa 38 tập tổng cộng hơn 1.500 trang, in năm 1930 ở Sài Gòn, người dịch là Nguyễn Chánh Sắt; Cầm ca tân điệu sưu tập gần như đầy đủ các bài bản đờn và lời ca cổ lúc bấy giờ của Trần Phong Sắc; tiểu thuyết Giọt máu chung tình của Tân Dân Tử, ấn hành lần đầu năm 1926 tại Sài Gòn; và nhiều cuốn sách của nhà văn và nhà báo Phạm Minh Kiên, tức Dương Tuấn Anh chuyên viết tiểu thuyết “tự thuật”, tiểu thuyết trinh thám và tiểu thuyết lịch sử có bút lực rất dồi dào...

Phòng sắp chữ trong một nhà in xưa. Ảnh TL    

Về việc tiền bạc, lương bổng của thợ, ông tính toán công bằng và sòng phẳng cho cả ngàn công nhân. Ông sẵn sàng giúp công nhân gặp khó khăn. Dù là người Công giáo, ông không phân biệt đối xử với ai trong hay ngoài đạo.

Lúc đó đang trong giai đoạn đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân Việt. Tình trạng này cũng khiến cạnh tranh giữa các nhà in với nhau rất lớn, mặc dù xã hội Nam kỳ đang có phong trào đọc truyện quốc ngữ. Ông bộc bạch chuyện này: “Nhà in và nhà bán sách của tôi lập ra trót đã 30 năm rồi, trong khi khắp cả 3 kỳ đồng bào chư quân tử, ai ai cũng từng biết là một nhà bán đủ hết các thứ thơ, tuồng, truyện sách rất hay, rất có giá trị, vì phần nhiều truyện sách xuất bản tại nhà in của tôi đây, đều do nơi tay mấy ông Trần Phong Sắc, Nguyễn Chánh Sắt, và Nguyễn An Khương v.v.. đều là những người trước thuật có tiếng ở Nam kỳ này, viết và dịch ra, thiệt rất được lòng công chúng hoan nghênh, vì văn từ mấy ông ấy rất giản dị, rất thanh nhã, ai ai cũng đều vui đọc, vui xem” (lời rao đăng trên Phụ nữ Tân văn số 32 tháng 12.1929).

Tuy truyện quốc ngữ là cái kho để khai thác, nhưng có lần, nhiều anh em không có việc làm đến cậy nhờ giúp đỡ, ông chấp nhận bày việc in sách báo rẻ tiền, chủ yếu giúp anh em không có việc làm. Ông nói: “Tôi in truyện sách bán rẻ, tuy tôi không có lời, song đồng bào có truyện sách rẻ tiền đọc chơi, mà mấy mươi ấn công cũng có công ăn việc làm để kiếm tiền mà sống lây lất cho qua hồi kinh tế khủng hoảng”.

Có lúc, một người muốn vận động chức huyện hàm cho ông, ông xua tay từ chối và nói chỉ muốn “làm một người thường dân trọn đời” thôi.

Lúc bệnh nặng, biết không qua khỏi, ông gọi anh em thợ đến bên giường rồi nói: “Mấy mươi năm trời gần gũi với nhau như con một nhà, nhưng nay mai tôi lại phải xa cách anh em, thiệt tôi đau lòng khôn xiết. Vậy trước khi từ biệt anh em, tôi xin cảm ơn hết thảy anh em đã giúp đỡ tôi gây dựng nên sự nghiệp. Và đối với người nào đã bị tôi quở rầy trong công việc làm ăn, dầu ưng dầu oan, xin cũng vui lòng miễn chấp cho tôi về chỗ nóng giận đó. Thôi, xin anh em ở lại bình yên, ráng làm việc siêng năng với con tôi, cũng như lúc tôi còn sanh tiền vậy...”.

Đó là câu chuyện do chính những người thợ của ông kể lại.

Phạm Công Luận

Nguồn Người Đô Thị: http://www.nguoidothi.net.vn/vn/news/hon-pho/ky-uc-do-thi/8611/nguyen-van-viet-dai-gia-nganh-in-sai-gon-xua.ndt