Nguyên vẹn một chữ "Tâm"

Làm kinh doanh ai cũng muốn đầu tư vào nơi nào có lợi nhuận cao nhất. Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), đa phần doanh nghiệp sẽ chọn phân khúc cao cấp bởi nếu thành công với một dự án BĐS cao cấp, chủ đầu tư sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn rất nhiều so với việc đổ tiền vào một dự án nhà ở thương mại hay nhà ở xã hội giá rẻ. Nhưng thật ngạc nhiên, dù tham vọng đưa BID Việt Nam trở thành một trong những công ty xây dựng và bất động sản hàng đầu Việt Nam, ông Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Trần Văn Mạnh lại chọn phân khúc nhà giá rẻ làm mũi đột phá.

Đã nói là làm. Sau khi rà soát quỹ đất tại TP. Hồ Chí Minh, BID Việt Nam đang hợp tác triển khai các dự án nhà ở xã hội tại quận 8 và huyện Bình Chánh với tổng số căn hộ lên đến 5.500 căn. Những dự án này của ông Mạnh sẽ sớm biến giấc mơ “an cư” của hàng nghìn người lao động thu nhập thấp trở thành hiện thực. Lợi nhuận từ những dự án nhà ở giá rẻ như thế này rất mỏng, thậm chí là hòa vốn nếu không biết cách triển khai. Mặc dù vậy, mục tiêu của ông Mạnh là đưa BID Việt Nam trở thành doanh nghiệp bất động sản lớn nhất cả nước ở phân khúc nhà giá rẻ. Để đạt được mục tiêu này, trước mắt trong 5 năm tới, BID sẽ xây dựng khoảng 10.000 căn.

Nguồn cảm hứng kinh doanh

Ít ai biết rằng, chiến lược kinh doanh này lại bị chi phối bởi một cuộc gặp gỡ tình cờ của ông Mạnh với một người bạn cũ trong một chuyến đi tìm kiếm các dự án mới xuôi về phía Nam. Bạn ông hiện là giáo viên tại một trường phổ thông ở TP. Hồ Chí Minh. Với mức lương vài triệu đồng/tháng, ước mơ sở hữu một căn hộ có chỗ an cư là quá xa vời đối với một giáo viên như bạn ông, nhất là trong bối cảnh giá nhà đất cao ngất ngưởng, vượt xa thu nhập của người dân. Là nhà kinh doanh bất động sản, ông Mạnh càng hiểu rằng, giữa trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước này vẫn còn hàng chục nghìn cán bộ, giáo viên – những người đêm đêm vẫn âm thầm lặng lẽ, miệt mài bên trang giáo án cùng ngọn đèn khuya để thắp lên bình minh trong từng bài học, vẫn còn luôn phải trăn trở về một chốn an cư. Sau lần gặp gỡ ấy, ông Mạnh nhận thấy cần phải làm một điều gì đó giúp ích cho xã hội, cho sự phát triển của ngành giáo dục. Ông quan niệm, giáo dục là nền tảng, là tương lai của quốc gia, và đội ngũ giáo viên là những người đi trước mở đường. Vì thế, ông tin rằng, những dự án của BID Việt Nam sẽ giúp một số lượng lớn giáo viên, cán bộ ngành giáo dục sở hữu trong tay ngôi nhà mơ ước để “an cư lạc nghiệp”, yên tâm công tác, đóng góp hơn nữa cho ngành giáo dục, và sâu xa hơn là góp phần xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh và thịnh vượng.

Ông Trần Văn Mạnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc BID Việt Nam

Tuy nhiên, muốn phát triển và lớn mạnh, ông Mạnh hiểu rằng, BID Việt Nam sẽ không thể bó hẹp trong phân khúc nhà giá rẻ. Vì vậy, ông quyết định BID sẽ phải đi bằng cả hai chân, một bên là phân khúc cao cấp hơn với những dự án mới công bố như khu căn hộ cao cấp The Garden Hill và BIDHomes Golden South tại Hà Nội. Lợi nhuận kinh doanh từ phân khúc này sẽ là nền tảng để BID mở rộng đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội. Trong 2 năm tới, BID sẽ đầu tư 6.000 tỷ đồng để xây dựng 5.500 căn hộ giá rẻ tại TP. Hồ Chí Minh, đầu tư 1.600 tỷ đồng cải tạo các khu tập thể cũ đã xuống cấp nghiêm trọng tại Thái Bình cùng một số dự án nhà ở xã hội ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Có lẽ, chiến lược đầu tư nhà ở xã hội của BID Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi nhân cách của vị Chủ tịch. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo, bố liệt sỹ, mẹ làm nông ở quê lúa Thái Bình, ông Mạnh thấu hiểu được nỗi khổ khi không được học hành, không nơi trú ngụ. Bản thân gia đình ông cũng có 4 chị em nhưng chỉ có 2 người được học hành đến nơi đến chốn.

Trách nhiệm với xã hội

Có lẽ chính tuổi thơ khốn khó cũng như những thất bại đầu đời đã rèn luyện một doanh nhân đủ bản lĩnh và kỹ năng dẫn dắt BID Việt Nam vượt qua giai đoạn khủng hoảng của thị trường bất động sản và hoàn thành mục tiêu đặt ra cho năm 2017 trước dự kiến 2 năm. Không những thế, BID còn đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 60-70%/năm trong những năm tới và cán mốc 5.000 tỷ đồng vào năm 2020.

Bước đầu thành công trên thương trường nhưng ông Mạnh vẫn không quên những tháng ngày vất vả. Với vẻ ngoài lạnh lùng nhưng ẩn chứa trong đó là một trái tim đầy ắp yêu thương. Không chỉ là lòng trắc ẩn khi bắt gặp cảnh trẻ em nghèo ở miền núi xa xôi không có sách vở, hay người dân nghèo không có tiền để hưởng một cái Tết đầm ấm, ông Mạnh xác định, doanh nghiệp làm kinh doanh phải gắn trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Chính vì vậy, ông đặt kim chỉ nam cho mọi hoạt động của BID là “Vì một cộng đồng phát triển”. Và chiến lược đầu tư phát triển nhà ở xã hội cũng là cách thể hiện trách nhiệm đó của ông với xã hội.

Bên cạnh đó, BID còn thực hiện nhiều chương trình thiện nguyện như chung tay vì đồng bào bị bão lũ ở Quảng Bình; Chia sẻ khó khăn cùng những mảnh đời bất hạnh tại Trại phong Văn Môn (Thái Bình); Cùng Đoàn thanh niên Bộ Công an trao tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và học sinh nghèo vượt khó học giỏi huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang chăn ấm, gạo ngon với tổng giá trị trên 100 triệu đồng; Ủng hộ 100 triệu đồng cho Quỹ Tấm lòng Việt… Mới đây, ông Mạnh còn đích thân tham gia đoàn công tác của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đến chúc mừng Noel và hỗ trợ 420 triệu đồng cho đồng bào Công giáo ở Tây Nguyên, hay gần đây nhất, BID cũng đã trao tặng 300 suất quà với tổng trị giá 150 triệu đồng cho các hộ gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng, hộ nghèo, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Ninh Bình…Những món quà tuy chưa lớn, nhưng sự chia sẻ ấy có ý nghĩa tinh thần vô giá, mang hơi ấm và động lực giúp đỡ người dân vươn lên thoát khỏi khó khăn.

Trong tương lai, BID sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh và song hành với đó là những hoạt động vì xã hội, vì cộng đồng cũng sẽ được thực hiện nhiều hơn, theo đúng tinh thần mà người đứng đầu doanh nghiệp đã định hướng. Đời người như kiếp phù du, vì vậy trong thâm tâm, ông luôn mong muốn làm điều gì đó có ích cho mọi người, cho xã hội.

Công ty như một gia đình

Nhưng để làm được “cái gì đó’ cho xã hội, ông Mạnh hiểu rằng, trước hết mình phải có trách nhiệm với chính cán bộ nhân viên của mình. Vì vậy, ông luôn nỗ lực tạo dựng một môi trường làm việc để mỗi nhân viên có thể phát huy tối đa khả năng và sức sáng tạo của mình, có cuộc sống đầy đủ cả về vật chất và tinh thần. BID Việt Nam không chỉ là nơi của công việc mà còn trở thành ngôi nhà thứ 2 - nơi có tình thân gia đình của mỗi cán bộ nhân viên. Vì thế, BID thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, bóng đá, dã ngoại…nhằm gắn kết các thành viên, tạo điều kiện để các cán bộ nhân viên có cơ hội trao đổi, chia sẻ và xích lại gần nhau hơn.

Bản thân ông Mạnh luôn hỗ trợ hết mình cho tất cả các cán bộ nhân viên trong Công ty. Ông nhấn mạnh sự đoàn kết như một gia đình, ở đó, mọi thành viên đều hỗ trợ lẫn nhau trong công việc. Từng trải qua các vị trí công tác khác nhau tại nhiều công ty, tập đoàn, ông Mạnh nhận thấy điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt là chỉ đoàn kết khi còn nhỏ, còn khó khăn nhưng khi lớn mạnh lại mất đoàn kết, chia rẽ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Vừa hỗ trợ nhân viên, ông Mạnh cũng luôn cố gắng tạo thêm động lực cho các cán bộ nhân viên. Đó là những phần thưởng thích đáng cho những ai hoàn thành tốt công việc hoặc có những ý tưởng xuất sắc. Quan trọng không kém, ông biết động viên nhân viên bằng những chính sách đào tạo và thăng tiến theo cách riêng của mình. Nhiều công ty khác thường tuyển nhân tài từ những nơi khác về làm quản lý, nhưng ông Mạnh lại ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cho các cán bộ, nhân viên đang làm việc tại công ty để họ có động lực phấn đấu và gắn bó vì sự phát triển chung của công ty.

Trong mắt nhân viên, ông Mạnh là người tham vọng, quyết đoán trong công việc, khi đã đặt ra kế hoạch thì quyết tâm làm đến cùng, làm cho bằng được. Ông không thích những người chưa làm đã nói không thể làm được.
Là người lãng mạn, nhưng ông không lãng mạn trong công việc. Khi đã bắt tay vào việc, ông không những đòi hỏi nhân viên mà bản thân ông cũng như các lãnh đạo BID luôn phải tìm tòi, học hỏi và sáng tạo để hoàn thành công việc hiệu quả nhất. Một ví dụ điển hình có thể thấy, để vươn tới mục tiêu trở thành chủ đầu tư hàng đầu trong phân khúc nhà giá rẻ, ông Mạnh đã làm việc với các cơ quan chuyên môn của Bộ Xây dựng, các đối tác hàng đầu Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực tư vấn thiết kế, quản lý, giám sát xây dựng như JCM, HamiGlobal…để đề xuất các mô hình, giải pháp ứng dụng công nghệ xây dựng nhà ở xã hội để áp dụng vào thực tế và thi công đại trà với chất lượng tốt nhất, tiến độ nhanh nhất và chi phí xây dựng thấp nhất…Ông xác định, dù là nhà giá rẻ nhưng chất lượng vẫn phải tốt bởi ông luôn đặt chữ “Tín” lên hàng đầu. Ông quan niệm, uy tín là thứ không thể mua được bằng tiền, mất uy tín thì sẽ mất tất cả. Vì thế, ông luôn nỗ lực để không đánh mất chữ “Tín” dù chỉ là một lần.

Vĩ Thanh

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh/nguyen-ven-mot-chu-tam-105688