Nhà 3 tầng vẫn hộ nghèo, thuyền rách chở 40 trò

Trong số các hộ nghèo ở Bắc Yến (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), có cả những hộ nhà cán bộ khá giả, hiện đang xây nhà 2-3 tầng.

Gia đình ông Nguyễn Cao Được, người có tên trong danh sách hộ nghèo, đang hoàn thiện ngôi nhà ba tầng. Ảnh: Vnexpress.

Người dân thôn Bắc Yến (xã Hải Yến, Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đang khiếu nại về danh sách hộ nghèo năm 2017. Bởi trong danh sách 40 hộ nghèo của thôn, có cả có một số gia đình cán bộ và nguyên cán bộ thôn kinh tế khá giả, có xe máy, tivi, tủ lạnh, máy giặt… vẫn được đưa vào.

Báo Vnexpress cho biết: “Gia đình ông Nguyễn Cao Được, nguyên Chi hội trưởng cựu chiến binh thôn Bắc Yên, đang xây ngôi nhà 3 tầng ước tính chi phí cả tỷ đồng, nhưng vẫn được đưa vào danh sách hộ nghèo. Hộ ông Lê Hồng Thăng, Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh thôn, đang xây dựng ngôi nhà 2 tầng khang trang và được xét vào diện hộ nghèo từ một năm nay”.

Trong khi đó, hộ nghèo nhất thôn là vợ chồng ông Cao Bá Tình và bà Lê Thị Bích, nhà có 6 miệng ăn, công việc bấp bênh, hai con bệnh tật nên gia đình ông Tình không có tiền làm nhà, phải nhờ sự trợ giúp xây nhà tình nghĩa, được cả thôn bình chọn thì không được đưa vào danh sách này.

Đó là câu chuyện đang gây bức xúc cho cộng đồng mạng ngày hôm qua. Dù vấn đề không mới lạ, nhưng xảy ra khá thường xuyên, gây nên sự chán nản cho nhiều người. Có người đã bình luận chua chát: “Những hộ này lọt vào danh sách hộ nghèo là đúng rồi, họ nghèo cái tâm, nghèo lòng tự trọng, chúng ta đừng nên trách họ”.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hải Yến thì cho biết: “"Việc nhiều cán bộ cấp thôn vào danh sách hộ nghèo có thể do trùng hợp ngẫu nhiên". Thật là một cách lý giải khó ai chấp nhận nổi.

Ngẫu nhiên ở đâu khi mà qua mấy vòng bình chọn, những hộ cán bộ kia vẫn ở trong danh sách khiến người dân bức xúc, và hộ nghèo được cả thôn bình chọn lại trượt ra ngoài? Chẳng nhẽ những vị cán bộ ở đó không còn biết xấu hổ khi mà họ “tranh phần” với dân nghèo cả cái suất hỗ trợ hộ nghèo?

Suất hỗ trợ hộ nghèo ấy, chắc không thể làm họ giàu lên được, nhưng nó sẽ là giọt máu tiếp sức cho cái gia đình 6 miệng ăn đau yếu bệnh tật kia, thế mà họ cũng nỡ lòng nào hớt mất? Thật chua chát cho tình người.

Ấy là còn chưa kể, họ là cán bộ, đối với dân, họ phải là những người có trách nhiệm lo cho dân, đằng này đến cái suất hỗ trợ hộ nghèo cũng nhẫn tâm “cướp trên giàn mướp”.

Khoảng 40 học sinh chen chúc nhau trên con thuyền ván gỗ qua sông đi học. Ảnh: Vnexpress

Một câu chuyện khác cũng gây bức xúc không kém, đó là chuyện đã nhiều năm nay, lũ trẻ ở xóm chài, khu 5, thị trấn Kẻ Sặt (tỉnh Hải Dương) phải chen chúc nhau trên chiếc thuyền cũ trong điều kiện không có áo phao.

Nhìn lũ trẻ tíu tít đi học trên một chiếc thuyền đóng bằng ván cũ nát, đi qua sông, không có áo phao mà thấy thương cảm và lo lắng. Cách đây 3 năm, đã có tai nạn xảy ra mùa nước xiết, 10 em rơi xuống sông, may mà vớt được.

Các gia đình xóm chài thì nghèo, họ không có tiền cho con cái đi ô tô theo đường vòng, tất cả đều phó mặc vào con thuyền mong mong cũ nát. Dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị cấp huyện và tỉnh Hải Dương đầu tư một con thuyền vững chãi, an toàn để đưa các cháu đến trường nhưng chưa được giải quyết.

Một con thuyền vững chãi cho trẻ đến trường, không biết tốn bao nhiêu tiền? Có đến vài chục triệu không? Chắc chỉ tầm ấy.

Nhưng mấy năm nay kêu hoài không ai thấu. Còn những nhà máy ngàn tỷ đắp chiếu, những quảng trường long lở, cỏ mọc tốt um, những công trình vừa làm xong đã xuống cấp tiêu tốn hàng ngàn tỷ… thì sao? Đặt những con số này cạnh nhau mà thấy xót xa cay đắng.

Bao giờ thì người ta mới thôi tranh suất của hộ nghèo? Bao giờ thì lũ trẻ mới được đến trường trên một con thuyền mới?

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/nha-3-tang-van-ho-ngheo-thuyen-rach-cho-40-tro-3333678/