Nhà báo có 'duyên' với những mảnh đời bất hạnh

Hơn 12 năm qua, cái cụm từ 'nhà báo của những mảnh đời bất hạnh' được rất nhiều độc giả và đồng nghiệp 'gắn' cho nhà báo Vũ Văn Thắng (phóng viên thường trú Báo Sài Gòn Giải Phóng tại Thừa Thiên-Huế) bởi từ những bài báo của anh rất nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện trên khắp đất nước đã chung tay hướng về người dân, giúp đỡ họ qua cơn nguy khó.

Nhà báo Văn Thắng trao quà cho một hộ gia đình nghèo

Nhà báo Văn Thắng trao quà cho một hộ gia đình nghèo

Duyên, nợ với nghề

Gặp anh trong một buổi trưa hè, giữa cái nắng gay gắt những ngày đầu tháng sáu. Khác hẳn so với những ngày trước đây, hôm nay anh vội vàng hơn, khuôn mặt dường như đang ấp ủ một tâm nguyện gì đó. Khi chúng tôi hỏi, anh vội vàng chia sẻ: “Hôm nay, ở bệnh viện Trung ương Huế, có trường hợp bị bỏng khi lao động rất thương tâm. Tôi vừa ở trên đó về, chuẩn bị những thông tin để viết kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ gia đình ấy…”

Nhà báo Vũ Văn Thắng (thứ 2, từ trái qua), nhận bằng khen của UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế vì đã có thành tích xuất sắc trong đợt vận động “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”.

Bao nhiêu năm theo đuổi nghiệp báo chí, nhà báo Vũ Văn Thắng không nhớ hết mình đã viết bao nhiêu bài báo tìm kiếm “vận may” giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh và nghèo khổ. Những nhân vật trong bài viết của anh thường mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, thân thể tàn tật, cuộc sống khó khăn, những cô cậu bé vượt khó học giỏi hay những tấm gương người tốt việc tốt... Cảm thương, xót xa những mảnh đời bất hạnh, anh muốn góp một chút công sức nhỏ bé của mình để mong các tấm lòng hảo tâm chia sẻ, giúp đỡ họ vươn lên trong cuộc sống.

Và rồi đã có không ít trường hợp được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây nhà, chi phí khám chữa bệnh và cả những món quà đầy ý nghĩa.

Nhà báo Vũ Văn Thắng trao số tiền ủng cho một hoàn cảnh khó khăn sinh sống trên sông Bồ (Thừa Thiên Huế)

Chia sẻ về cơ duyên và động lực thôi thúc khiến anh không ngừng trăn trở trước những mảnh đời bất hạnh và nỗ lực hết mình kêu gọi sự giúp đỡ, nhà báo Vũ Văn Thắng cho biết: “Cách đây hơn 10 năm, khi tôi đang chăm đứa em trai bị phỏng điện tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng thì bắt gặp một bệnh nhân nghèo cũng bị bỏng do nổ điện. Sau mấy tiếng đồng hồ cứu chữa nhưng người thanh niên quê ở Quảng Nam ấy đã không qua khỏi. Khi được biết gia đình nạn nhân rất khó khăn, tiền thuê xe đưa thi thể con trai về mai táng cũng không có. Xót thương trước nghịch cảnh ấy, tôi đã đứng ra kêu gọi thêm sự chia sẻ góp sức của những người chăm bệnh xung quanh, giúp thân nhân người bệnh xấu số đó có được chi phí thuê chuyến xe về quê ngay trong đêm”.

Kể từ ngày đó, nhân vật dưới ngòi bút của anh là những con người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh cần sự chung tay giúp đỡ. Anh Thắng tâm sự, mỗi lần trực tiếp đối diện với những mảnh đời bất hạnh là mỗi lần anh lại thấy xót xa trước nghịch cảnh và số phận của họ. Trước những hoàn cảnh ấy, tôi tự nhủ mình rằng phải cầm bút viết một cái gì đó; phải đi đến những nơi khó khăn để thấu hiểu những vất vả mà người dân đang phải gánh chịu. Rồi từ những chuyến đi ấy, tâm trí tôi lại thôi thúc để cho ra những bài viết kêu gọi cộng đồng chung tay giúp đỡ những người kém may mắn.

Nhà báo Văn Thắng trò chuyện với Nhà báo Quang Tám

Kể về những kỉ niệm đáng nhớ nhất, nhà báo Văn Thắng cho biết không thể nào quên hình ảnh cậu bé Hồ Văn Súc (7 tuổi, dân tộc Pa Cô, ở xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị bỏng nặng, cháy đen toàn bộ gương mặt, trong khi gia cảnh quá không có tiền chạy chữa. Để giúp đỡ gia đình cậu bé, tôi đã viết một loạt bài đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng nhằm kêu gọi độc giả và cả cộng đồng giúp đỡ em. Sau loạt bài đăng lên, bạn đọc khắp nơi ủng hộ được 20 triệu đồng để giúp đỡ gia đình em Súc chữa trị.

“Để làm được cho ai đó một điều gì thì cũng xuất phát từ cái tâm và khả năng vốn có của mình. Đặc biệt đối với công tác thiện nguyện, cái tâm luôn đặt lên hàng đầu, bởi có tâm ta mới có thể giúp đỡ được người khác. Tôi chỉ mong mình trở thành một cầu nối giữa các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân từ khắp mọi miền đất nước với những người dân đang cần giúp đỡ”- nhà báo Văn Thắng chia sẻ.

Cây bút chủ lực cho chuyên mục “vận động”

Không chỉ có “duyên” với những hoàn cảnh khó khăn, nhà báo Vũ văn Thắng còn là cây bút chủ lực cho chuyên mục này với những bài viết vận động nguồn lực toàn xã hội chung tay góp sức chăm lo cho các gia đình thương binh liệt sĩ, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và đồng bào nghèo đang sinh sống dọc tuyến đường Trường Sơn.

Anh chia sẻ, khi tham gia cho chuyên mục vận động của tờ báo, trước hết bản thân mình phải thực hiện và cam kết nguyên tắc như không nhận phụ cấp, không nhận thù lao, không nhận hoa hồng. Ngoài ý nghĩa xã hội từ thiện, chương trình còn có một ý nghĩa sâu xa hơn là nhắc nhở mọi người, nhất là thế hệ trẻ không được lãng quên Trường Sơn.

Chia sẻ về những việc làm của nhà báo Văn Thắng trong thời gian qua, Đại tá Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế cho biết: Nhà báo Văn Thắng đã trực tiếp vận động các doanh nghiệp phối hợp trao hàng trăm suất học bổng, tặng phòng máy vi tính cho học sinh biên giới và hải đảo. Anh Thắng là một tấm gương sáng điển hình cho thế hệ nhà báo trong thời đại mới, luôn mẫu mực đi đầu trong các công tác xã hội thiện nguyện. Những nỗ lực của nhà báo Văn Thắng đã góp phần vào sự thành công của chương trình Nghĩa tình Trường Sơn”.

Thùy Nhung

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/nha-bao-co-duyen-voi-nhung-manh-doi-bat-hanh-341257.html