Nhà báo Dương Phước Thu- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế: Tránh tình trạng người làm báo 'lơ mơ' về Luật báo chí

Hưởng ứng đợt sinh hoạt chính trị học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016 và góp ý sửa đổi Quy định đạo đức người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam phát động, với việc xác định Luật Báo chí không chỉ dành riêng cho những người làm báo mà của toàn dân, toàn xã hội, vì vậy Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế đã chọn cho mình một cách làm riêng… Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, nhà báo Dương Phước Thu- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế- đã nêu quan điểm của mình về Luật và cách triển khai học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016 của Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế với hy vọng để Luật nhanh chóng phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn.

+ Nói về những điểm mới của Luật Báo chí 2016, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng: “Luật không chỉ dành riêng cho những người làm báo mà cho mọi công dân Việt Nam, áp dụng cho mọi hoạt động liên quan đến báo chí”. Quan điểm của ông về nhận định này như thế nào?

– Tôi hoàn toàn nhất trí với lời khẳng định của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn. Bởi Luật Báo chí 2016 có nhiều điểm mới, điều mới liên quan đến cả xã hội và nền dân chủ xã hội Việt Nam, trong đó quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của mọi công dân Việt Nam được Luật xem trọng.

Nhà báo Dương Phước Thu

+ Hiện nay, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn, lo ngại là làm sao để tránh tình trạng có Luật rồi nhưng xã hội không quan tâm đúng mức, đặc biệt là nhà báo không nhận thức được đây là chỗ dựa pháp lý, là “vũ khí” hiệu năng của mình. Theo ông, cần những biện pháp gì để triển khai, sớm đưa Luật Báo chí 2016 đi vào cuộc sống?

– Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền; mọi hoạt động quản lý, điều hành đất nước đều bằng pháp luật. Mọi công dân phải tuân thủ luật pháp. Những người hoạt động báo chí lại càng phải tuân thủ, nắm vững luật pháp, nhất là Luật Báo chí 2016. Để Luật sớm đi vào cuộc sống thì ngoài việc các cơ quan, đơn vị báo chí, quản lý báo chí triển khai, phổ biến một cách rộng rãi, mỗi nhà báo phải tự nghiên cứu để nắm vững được những điều Luật quy định nhà báo được làm và không được làm để tránh sai sót. Đặc biệt tránh trình trạng người làm báo “lơ mơ” về Luật, nếu không dễ dẫn đến sự phạm luật một cách “vô thức”?

+ Đợt sinh hoạt chính trị học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016 và góp ý sửa đổi, xây dựng Quy định đạo đức người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam phát động đã và đang được các cấp Hội Nhà báo trong toàn quốc hưởng ứng hy vọng sẽ có tác động mạnh mẽ trong việc đưa Luật Báo chí phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn. Ông đánh giá như thế nào về phong trào này? HNB Thừa Thiên Huế đã triển khai công việc này ra sao?

Thực hiện chủ trương của Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế đã xây dựng kế hoạch triển khai việc học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016 từ cấp Chi hội cơ sở đến các cơ quan báo chí. Với quy mô mở rộng, chúng tôi đề nghị và được UBND tỉnh ủng hộ, đồng tình cao trong việc phải tổ chức hội nghị phổ biến. Hội nghị do ông Nguyễn Dung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Báo cáo viên mời ông Hoàng Hữu Lượng- nguyên Cục trưởng Cục Báo chí (thành viên soạn thảo Luật Báo chí 2016) vào truyền đạt. Thành phần tham dự, ngoài báo chí địa phương, chúng tôi mời các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; đại diện UBND cấp huyện, thị xã, thành phố Huế; Phòng Văn hóa thông tin, đài truyền thanh cấp huyện, các trang thông tin điện tử, các đơn vị có xuất bản ấn phẩm tham dự… Trong việc này, chúng tôi ý thức rằng, nếu Luật Báo chí chỉ để giới báo chí học tập, quán triệt, trong khi các cơ quan ban ngành, đoàn thể, các địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn chưa nắm rõ Luật thì cũng coi như không. Vì trong quá trình tác nghiệp của nhà báo, những vấn đề nảy sinh lại xuất phát từ việc không nắm vững Luật Báo chí, Quy chế pháp ngôn… Để việc học tập có hiệu quả, chúng tôi đã phát cuốn Luật Báo chí do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành cho tất cả mọi người tham dự. Tại hội nghị này, cùng với việc phổ biến Luật Báo chí 2016, chúng tôi còn được nghe nhà báo Hoàng Hữu Lượng phố biến, quán triệt lại “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” của Thủ tướng Chính phủ.

Việc góp ý sửa đổi, xây dựng Quy định đạo đức người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam phát động chúng tôi tổ chức riêng trong giới báo chí và hội viên nhà báo.

Bản thân BTC và những người tham dự rất phấn khởi, vì có hai nhẽ: Một là, Luật Báo chí 2016 do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì được phổ biến rộng rãi, nghiêm túc đến tất cả các ngành, các cấp trên địa bàn, hy vọng là sẽ có tác động mạnh mẽ để Luật nhanh chóng phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn. Hai là, khẳng định lại sự cần thiết phải thực hiện nghiêm túc “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” của Thủ tướng Chính phủ được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo, các ngành, các cấp cần nghiêm chỉnh chấp hành, coi đây là việc làm đúng, tạo điều kiện cho báo chí hoạt động.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Lành (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tranh-trinh-trang-nguoi-lam-bao-lo-mo-ve-luat-bao-chi/