Nhà báo Võ Thế Ái: Nghiệp chữ, đời người

Nhà báo lão thành Võ Thế Ái thuộc thế hệ phóng viên đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam, một thế hệ gắn bó cả cuộc đời mình với sự nghiệp báo chí, với cách mạng và kháng chiến.

Chân dung Nhà báo Võ Thế Ái.

Quê ở Đà Nẵng, khi cách mạng Tháng 8 thành công, mới 15 tuổi, Võ Thế Ái đã tham gia hoạt động, làm liên lạc cho bộ đội khu 5. Năm 1950, trên đường lên chiến khu Việt Bắc để đi học nước ngoài, do hoàn cảnh thay đổi, ông đã về công tác tại Nha Thông tin, trở thành phóng viên Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX).

Người thanh niên Võ Thế Ái, khi ấy mới 20 tuổi đã mau chóng hòa nhập với công việc, gắn bó với đời sống, có mặt trên các ngả đường kháng chiến, cùng các đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thông tấn quốc gia non trẻ; trở thành phóng viên trong chiến dịch Điên Biên Phủ lịch sử.

Gia đình nhỏ của nhà báo Võ Thế Ái trước khi ông lên đường đi chiến trường miền Nam.

Hòa bình lập lại, ông phụ trách phân xã Khu Bốn một thời gian rồi chia tay người vợ trẻ Nghiêm Thị Tú, người cũng là phóng viên thông tấn, cùng cậu con trai mới sinh, trở lại chiến trường miền Nam vào đầu năm 1960, ngay khi đường mòn Hồ Chí Minh mới mở.

Ông đã xây dựng nền tảng cho cơ quan Thông tấn xã khu 5 ngay từ những ngày đầu tiên, góp phần tạo cơ sở cho Thông tấn xã Giải Phóng ra đời cùng với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.

Nhà báo Võ Thế Ái đã liên tục gắn bó với chiến trường khu Năm ác liệt cho mãi đến những năm sau này. Điều đặc biệt là trong khoảng thời gian đó có 5 năm vợ ông, nhà báo Nghiêm Thị Tú, người con gái Hà Nội (bà là em ruột của bà Nghiêm Thị Băng, vợ nhạc sĩ Văn Cao) đã gửi con, vào chiến trường sống và chiến đấu bên người chồng của mình...

Vợ chồng nhà báo Võ Thế Ái- Nghiêm Thị Tú ở chiến trường khu Năm.

Thời gian trôi thật nhanh. Năm nay, nhà báo Võ Thế Ái đã 87 tuổi. Gặp ông trong buổi họp mặt các phóng viên Ban biên tập tin Trong nước qua các thời kỳ, tôi mừng khi thấy ông còn khỏe mạnh, minh mẫn; trên gương mặt rắn rỏi, cương nghị vẫn nét cười hiền sau những thách thức và thăng trầm của cuộc sống.

Tôi đã từng làm việc dưới sự lãnh đạo của ông ở các Ban Tin Miền Nam, rồi Ban Tin Trong nước (thời gian sau khi Hiệp định Paris ký kết cho đến những năm đầu đất nước thống nhất). Tôi cũng có thời gian làm việc cùng với bà Nghiêm Thị Tú ở Tiểu ban nông nghiệp, Ban Tin Trong nước.

Những câu chuyện được nghe về ông bà thật xúc động và khó quên: Chuyện tình yêu giữa chàng phóng viên từ chiến khu về với cô gái Hà thành trong một gia đình danh giá. Chuyện ông đã phải giữ bí mật cả chuyện chia tay khi lên đường trở lại chiến trường miền nam.

Nhà báo Võ Thế Ái và nhà báo Trần Mai Hưởng.

Có thời gian ở mặt trận ở khu Năm, hàng ngày nhà báo Võ Thế Ái đã đón nghe tiếng bà Tú trên chương trình Tin đọc chậm của Đài TNVN, nguồn động viên tinh thần lớn lao từ hậu phương xa xôi. Đoán biết vậy nên có những ngày tuy mệt, bà Tú vẫn gắng đến đài để đọc tin, sợ vắng tiếng mình ở trong ấy ông Ái sẽ lo...

Khi bà Tú quyết định gửi con để vào chiến trường cùng ông, một trong những chi tiết bà kể làm tôi nhớ mãi. Đấy là chuyện mỗi lần máy bay Mỹ ném bom, hai ông bà chia nhau chạy về hai hướng để tăng thêm hy vọng có người còn sống trở về với con sau này!

Nhà báo Võ Thế Ái thuộc lớp những phóng viên đầu tiên của ngành, vượt nhiều gian khó hy sinh, gắn bó cả cuộc đời với nghề nghiệp, với sự nghiệp giải phóng và giành độc lập cho đất nước, góp phần làm nên truyền thống anh hùng của TTXVN. Tự cuộc đời những người thuộc thế ông đã là tấm gương có sức cổ vũ cho các thế hệ sau tiếp bước xây dựng TTXVN qua các thời kỳ ngày một vững mạnh, trưởng thành!

Những năm sau này, nhà báo Võ Thế Ái có những nỗi buồn riêng. Cậu con trai duy nhất mà ông bà dành tất cả tình yêu thương đã không qua được bệnh tật hiểm nghèo, bỏ ông bà ra đi sớm. Vợ ông, nhà báo Nghiêm Thị Tú cũng đã mất mấy năm trước đây...

Những mất mát ấy là những thử thách nghiệt ngã dành cho ông. Với nghị lực kiên cường, nhà báo Thế Ái vẫn vượt lên tất cả để tiếp tục sống và làm việc.

Cầu chúc cho nhà báo Võ Thế Ái có nhiều sức khỏe và nghị lực sống! Bởi lẽ, với một người đã trải qua những năm tháng chiến tranh nhiều gian khó hy sinh như ông, sự sống luôn quý giá. Và vì mỗi chúng ta luôn sống cho mong ước của cả những người thân yêu nhất, vì những lý do khác nhau, đã không còn có mặt trên cuộc đời!

Trần Mai Hưởng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/nha-bao-vo-the-ai-nghiep-chu-doi-nguoi-20170621071133227.htm