Nhà báo Xuân Ba: 'Muốn bán được báo thì phải viết những gì mà bạn đọc cần...'

Không ít người ví Xuân Ba là Vũ Trọng Phụng trong thể loại phóng sự, nhưng ít ai biết được rằng để có cái danh ấy ông đã từng phải đi bán báo, rửa bát thuê cho các hàng phở để tìm kế sinh nhai.

Đi tìm địa hạt mới

- Không ít người thường xuyên đọc ông ví ông là Vũ Trọng Phụng thời hiện đại. Ông nghĩ như thế nào về sự so sánh này?

Theo tôi bây giờ chưa ai có thể ngang bằng được với Vũ Trọng Phụng. Tuy nhiên, nếu để ý thì thấy tất cả các phóng sự mà Vũ tiên sinh (xin lỗi, gọi là tiên sinh thì mới đúng) viết đều là phóng sự phiếm chỉ. Với nhiều người, viết phiếm chỉ tưởng là dễ, dường như anh nhà báo nào cũng có thể viết được một cách thành công, nhưng không phải vậy.

Nhà báo Xuân Ba.

Cái khó theo của Vũ Trọng Phụng là không sa đà vào chi tiết mà đứng cao hơn tầm sự kiện để khái quát, nắm bắt được bản chất sự việc, thấy cả rừng chứ không chỉ thấy cây. Có người ví tôi như Vũ Trọng Phụng nhưng thực lòng tôi không khoái lắm kiểu riết róng, ngoa ngoắt trong cách hành văn của ông.

Tôi thích kiểu ẩn đằng sau ngôn từ, mà như nhiều người hay nói, là đọc giữa hai hàng chữ. Tôi ví dụ ngay trường hợp của cựu Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải (nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng, bị án tù trong vụ án đường dây 500 KV- NV), đây không phải là việc khi người ta tuyên án xong, đằng sau cánh cửa phòng giam sập lại, đó là một thế giới riêng, tôi nghĩ thời gian đó ông thấm thía nhất chuyện nhân tình thế thái, tuy ở trong tù nhưng vẫn liền mạch suy nghĩ. Bởi tôi không tin rằng tất cả những ai khi ra tù đều có cái nhìn khắt khe hơn với cuộc đời, có khi lại có sự nhân ái hơn.

- Ngay từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ông đã viết về giới chức lãnh đạo cao cấp. Trong bối cảnh lúc đó thì đây là chuyện gần như xa lạ với người làm nghề, vì sao ông lại chọn hướng đi này?

Tôi chỉ nghĩ với người làm báo thì không có địa hạt nào là xa lạ cả. Đời sống quan chức với báo chí phương Tây từ lâu đã là một đề tài bình thường. Tôi nói thế không có nghĩa là bị ảnh hưởng bởi báo chí phương Tây, nhưng nói như thế nào nhỉ, lãnh đạo cũng là một con người. Có điều tôi thấy hơi lạ ở người mình là hễ cứ nói tới quan chức là người ta nghĩ rằng sẽ có chuyện này chuyện nọ, cũng như một thời cứ nghĩ giám đốc là phải dính đến gái gú, rượu chè...

Tôi viết về họ nhưng không xâm phạm đời tư, có chăng chỉ là chút ít na ná như gia vị để chuyển tải nội dung về con người họ đến bạn đọc. Khi tôi viết về ông Vũ Ngọc Hải, hay một số ông Bộ trưởng vừa hạ cánh, bây giờ thì thành bình thường, nhưng hồi đó lĩnh vực này là vùng cấm kỵ vì người ta cho rằng những chuyện này là tế nhị, nhạy cảm. Ở đây cũng có sự gặp gỡ giữa “máu” nghề của phóng viên và Tổng biên tập, bởi có vậy tôi mới dám làm chứ không thì viết cũng chưa chắc được đăng.

Một thời đi rửa bát thuê

- Nghe nói trước đây ông đã từng phải đi bán báo dạo ở các bến xe?

Trong làng báo có lẽ tôi là người duy nhất bán báo theo đúng nghĩa đen. Hồi ấy cầu Long Biên hay bị tắc đến mấy km. Mỗi lần như vậy xe con, xe tải nằm ềnh ra mà chờ thông tàu rất nhiều thế là tôi cứ đi bộ hoặc xe đạp bỏ báo vào trong xe, rồi người ta đưa tiền lại, có khi không lấy tiền lẻ.

- Ngoài ra ông còn làm “nghề” nào nữa không?

Khi ấy cuộc sống vất vả lắm. Để lấy kế sinh nhai tôi đi quay máy làm dép nhựa; rồi thì rửa bát thuê cho các hàng phở. Mỗi tối khi hết khách, gia chủ trả tiền và bồi dưỡng một bát phở.

- Nhưng trong cuộc mưu sinh đó ông có rút ra được điều gì bổ ích cho nghề báo của mình không?

Trong những lần bán báo dạo như thế tôi hỏi chuyện cánh lái xe đại loại: “các ông thích đọc báo thế nào?”. Họ bảo, báo chí các ông viết chán bỏ mẹ. Những người ăn phở cũng nói đại loại như vậy. Sau đó người ta nói, người ta cần chuyện thế này, thông tin thế kia. Tôi mới nghĩ rằng muốn bán được báo thì phải viết những gì mà bạn đọc cần chứ không nên viết theo cái kiểu như người ta nói là “chán bỏ mẹ” đi ấy.

“Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời...”

- Xin được quay trở lại đề tài “quan chức”. Tại sao ông lại hay săn lùng những quan chức vừa “hạ cánh” để gặp gỡ và trò chuyện?

Trong khi người ta vừa “hạ cánh” người ta đang hoang mang nên người ta cần giải bày, cần có ai đó để mà trò chuyện. Thường thì những lúc như thế họ rất cô đơn. Hoặc là không ai dám đến nhà, hoặc là bạn bè xa lánh... Khi ấy mình tới: ngồi bên cạnh người ta là một nhà báo nghe họ giải bày, cảm thông với họ.

Sau những lần ngồi dai như thế, truyền tải thông tin gì tới bạn đọc đây? Không phải là thay họ thanh minh những việc làm của họ, mà là đưa tới bạn đọc một cái nhìn toàn cảnh về một con người, những uẩn khúc của họ. Cái gì tốt của họ và cả những sai lầm mà họ mắc phải. Đi lý giải những nguyên nhân dẫn đến việc làm của họ.

Những lúc như vậy tôi không dùng dạng phỏng vấn để truy tìm căn nguyên một cách rạch ròi bằng các câu hỏi mà là thông qua câu chuyện về nhân tình thế thái để nói về một thân phận. Lúc này tôi thường dùng bút pháp nửa báo, nửa văn. Cái ấy thường được gọi là khoảng lặng để cho người ta chiêm nghiệm.

- Ông là người từng tiếp xúc với nhiều người, nhiều giới khác nhau cả trong lẫn ngoài nước, vậy ai là người để lại cho ông ấn tượng mạnh nhất?

Nói như văn hào Nga Eptusencô “Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời/ Mỗi số phận chứa một điều cao cả”. Tôi đã gặp rất nhiều nhân vật với những số phận rất khác nhau, nhưng có lẽ người ấn tượng nhất là người tôi chưa gặp...

- Khi viết về số phận một con người thì điều gì hấp dẫn ông, hay đơn thuần chỉ là muốn có một bài báo hay?

Có thể đó là một con người có tích cách, số phận, có thể viết được một tác phẩm hay. Tuy nhiên, cũng có lúc bất chợt phát hiện ra một điều gì đấy ở họ. Ví dụ, trong chuyến thăm Aixơlen, tôi nghe ông Chánh Văn phòng nội các giới thiệu ông Thủ tướng Aixơlen là một nhà văn, lập tức tôi nghĩ ngay ra một cái tứ để viết. Thế là tôi tìm mọi cách để tiếp cận ông và thu thập thông tin về con người này. Vì quan chức cấp cao, nhất lại là nguyên thủ, mà lại là một nhà văn thì hiếm lắm.

- Xin cám ơn ông!

Bảo Bảo

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/nha-bao-xuan-ba-muon-ban-duoc-bao-thi-phai-viet-nhung-gi-ma-ban-doc-can_n25646.html