Nhà đầu tư ngoại muốn mua cổ phần chi phối tại doanh nghiệp Nhà nước

Các nhà đầu tư cho rằng, cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần chi phối trong các doanh nghiệp cổ phần hóa hay thoái vốn Nhà nước.

Nhà đầu tư ngoại muốn nắm giữ trên 49% cổ phần trong các doanh nghiệp cổ phần hóa

Đây là một trong những đề xuất được đưa ra tại Hội thảo Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng nay (8-9).

Theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Hà Nội, để có thể tối đa hóa doanh thu từ cổ phần hóa và tăng sự tin tưởng của các nhà đầu tư, cần thiết phải cho họ thấy được một quá trình cổ phần hóa, thoái vốn minh bạch.

“Cần cung cấp cho họ đầy đủ các thông tin liên quan tới doanh nghiệp”, ông Adam Sitkoff nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Tony Foster, luật sư điều hành Công ty luật Freshfields cho rằng, để thu hút được các nhà đầu tư nghiêm túc và dài hạn, cần phải tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần chi phối trong các doanh nghiệp cổ phần hóa hay thoái vốn nhà nước.

“Các cơ quan của Chính phủ nên xem xét sửa đổi các quy định pháp luật để cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 49% cổ phần trong các doanh nghiệp cổ phần hóa hay thoái vốn nhà nước”, ông Tony Foster kiến nghị.

Vấn đề mà luật sư điều hành Công ty luật Freshfields nêu ra cũng trùng với quan điểm của TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ông Thiên thẳng thắn chỉ ra rằng, có một nghịch lý trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đó là dù có 96,5% doanh nghiệp đã được cổ phần hóa nhưng chỉ có 8% số vốn Nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân.

Theo TS Trần Đình Thiên, một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do tỷ lệ vốn Nhà nước được phép bán rất hạn chế. “May lắm cũng chỉ là 49%. Với tỷ lệ nắm giữ cổ phần hạn chế, các doanh nghiệp tư nhân bị loại khỏi quyền tham gia điều hành chứ chưa nói đến quyền chi phối doanh nghiệp”, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ.

Một vấn đề nữa được các nhà đầu tư nước ngoài chỉ ra đó là định giá doanh nghiệp thực tế. Ông Johnathan Ooi, một chuyên gia về mua bán và sáp nhập (M&A) đến từ Công ty PriceWaterhouse Coopers cho biết, giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp cổ phần hóa có sự khác biệt trong cách hiểu về định giá.

“Để giải quyết vấn đề này, cần phải có một đơn vị đánh giá độc lập tiến hành việc định giá dựa trên các chuẩn mực quốc tế được chấp nhận bởi các nhà đầu tư quốc tế. Nhà đầu tư chỉ quyết định đầu tư khi thấy được sự cân bằng giữ rủi ro và lợi nhuận, ông Johnathan Ooi nói.

Anh Tú

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/kinh-doanh/nha-dau-tu-ngoai-muon-mua-co-phan-chi-phoi-tai-doanh-nghiep-nha-nuoc/740655.antd