Nhà hàng không khói thuốc: Cần nhân rộng mô hình

Mô hình nhà hàng không khói thuốc triển khai tại Hà Nội đã ghi nhận những nỗ lực từ các cấp chính quyền địa phương, hay sáng kiến của nhiều nhà hàng. Để quy định này đi vào cuộc sống, nên nhân rộng mô hình tích cực này để tạo môi trường sống trong lành cho cộng đồng.

Nhà hàng không khói thuốc: Khó nhưng vẫn phải làm

Ông Dương Mạc An Tôn, quản lý nhà hàng Lẩu Sauna, với hai cơ sở 108 Hàng Bông và ngõ 24 làng Yên Phụ, Hà Nội, chia sẻ những câu chuyện thật lòng từ kinh nghiệm hơn tám năm kinh doanh nhà hàng không khói thuốc (NHKKT). Áp dụng mô hình khá sớm, từ năm 2007, trước khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Luật PCTHTL) có hiệu lực, qua thực tế, ông nhận định, việc áp dụng không khói thuốc trong môi trường kinh doanh quả thực cực kỳ khó khăn nếu chúng ta làm đến nơi đến chốn, làm một cách triệt để. Chủ doanh nghiệp này từng đứng trước nhiều khách hàng rất khó tính, không chấp nhận chuyện không được hút thuốc lá trong nhà hàng, và rất băn khoăn khi phải chia sẻ với họ như thế nào. Tuy nhiên, “không có lý do chỉ thỏa mãn nhu cầu cá nhân của một số ít khách hàng để chúng ta không thể thụ hưởng không khí trong lành”, ông Tôn nói.

Không quá lo về ảnh hưởng doanh thu của nhà hàng do quy định không khói thuốc, ông Tôn đánh giá: “Thực hiện NHKKT khó, nhưng nếu làm được, nhiều khách hàng sẽ chọn chúng ta”. Đây chính là sự khác biệt của hệ thống nhà hàng này.

Ông Tôn cho hay, nhà hàng của mình được nhiều phụ nữ ủng hộ, bởi có thể mang con nhỏ tới rất an toàn. Chị Nguyễn Thanh Minh (khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ, khi đi ăn cùng người thân, chị rất thích lựa chọn NHKKT như Lẩu Sauna để không ảnh hưởng tới sức khỏe của các thành viên trong gia đình.

Ông Tôn chia sẻ, thuyết phục khách hàng không hút thuốc lá chính vì sức khỏe của mình và những người chung quanh. Có không dưới 1001 chuyện buồn cười và tình huống khó xử về việc này. Thí dụ, khách bảo chỉ hút thuốc lá điện tử hay xì gà, hoặc đề nghị một ngoại lệ. Thuyết phục khách là kỹ năng đòi hỏi nhân viên cũng như chủ cửa hàng phải rất kiên nhẫn. Ngoài ra, nhà hàng nên có hình ảnh cảnh báo ngay từ vòng ngoài, nếu khách hàng không nhìn biển báo cấm hút thuốc và có hành vi sử dụng thì cần can thiệp một cách tế nhị. Điều đáng mừng là ông Tôn đã nhận được phản ứng tích cực từ những người ghét khói thuốc, bởi khó có thể tả được cảm giác vui vẻ của họ khi ăn uống ở nơi không có mùi thuốc lá.

Bác sĩ Ngô Thị Thu Hương, Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm, cho biết, từ tháng 12 năm 2015 đến nay, địa bàn này đã xây dựng và triển khai mô hình NHKKT. Qua thực thi cho thấy, tỷ lệ thực thi NHKKT đã đạt khoảng 35%. Tỷ lệ với khối khách sạn 3 sao trở lên đạt 63%.

Từ một góc nhìn khác, thạc sĩ - bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam, nêu thông tin, nhà hàng là một trong những địa điểm công cộng bị ô nhiễm khói thuốc thụ động cao nhất ở nước ta. Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành Việt Nam, tỷ lệ người không hút thuốc lá phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động tại các nơi công cộng ở nước ta lên tới 84,9% (năm 2010) và 80,7% (năm 2015).

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã ban hành và thực thi có hiệu quả quy định “Nhà hàng không khói thuốc” như Mỹ, Pháp, Ireland, Tây Ban Nha... Khoản 2 điều 11 trong Luật PCTHTL của Việt Nam cũng đã quy định, nhà hàng ăn uống thuộc diện những địa điểm công cộng trong nhà phải thực thi cấm hoàn toàn việc hút thuốc lá trong nhà.

Hút thuốc lá thụ động là tình trạng người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc lá của người khác. Người hút thuốc lá chỉ hút một phần và phần lớn khói quay trở lại môi trường, lượng khói thuốc người hút thuốc lá thải ra gấp năm lần lượng hút vào.

Tác hại của hút thuốc thụ động là khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa nhiều chất độc cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Người lớn hút thuốc thụ động làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn 25-30% và tăng nguy cơ mắc ung thư phổi hơn 20-30%.

Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Trong đó, một số chất độc hại như asen (độc), benzen (chất gây ung thư mạnh, có trong khói dầu khí, thuốc trừ sâu), ammonia (có trong thuốc kích thích tăng trưởng, sản phẩm tẩy rửa), nicotine (chất độc và chất gây nghiện), dioxine (sinh ung thư), formaldehyde (dùng trong ướp xác, gây kích thích mũi, họng và mắt của người hút thuốc)…

Tại Việt Nam, nhiều người hút thuốc lá có thói quen hút thuốc trong nhà, nơi làm việc, nơi đông người như nhà ga, bến xe, nhà chờ xe bus, nhà hàng… gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người không hút thuốc.

Người hút thuốc thụ động cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc: ung thư, đột quỵ, các bệnh về hô hấp và tim mạch…

Tác hại của hút thuốc lá thụ động đối với trẻ em rất nguy hiểm. Trẻ em có lá phổi dễ bị tổn thương hơn người lớn nên dễ bị ảnh hưởng bởi các hóa chất có trong khói thuốc lá. Do đó, các em có thể mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, cân nặng khi sinh thấp, viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, các triệu chứng hen…

Còn với người lớn, người mẹ hít phải khói thuốc lá trong thời gian mang thai hay bị sảy thai, tăng nguy cơ thai chết lưu, làm chậm quá trình phát triển của thai, con sinh ra thường thiếu cân, kém thông minh. Hút thuốc lá thụ động gây ung thư phổi, gây các bệnh về tim mạch, nhiễm trùng đường hô hấp.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm thế giới có 600 nghìn ca tử vong do hút thuốc thụ động. 64% số ca tử vong trong số này là nữ giới.

Theo WHO, khói thuốc lá không những ảnh hưởng đến người hút mà còn làm ô nhiễm môi trường chung quanh khiến những người không hút thuốc cũng bị hít phải khói thuốc lá. Những người thường xuyên hít phải khói thuốc lá cũng sẽ mắc các bệnh như người hút thuốc lá. Vì vậy, một trong những giải pháp giảm thiểu tác hại do khói thuốc lá đối với những người không hút thuốc lá là xây dựng các mô hình không thuốc lá như mô hình trường học, bệnh viện, công sở, khách sạn, nhà hàng… không khói thuốc. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, việc giao lưu, ăn uống tại các nhà hàng, khách sạn ngày càng trở nên phổ biến, do đó, thực hiện mô hình NHKKT là một phần quan trọng để bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của những người không hút thuốc lá, giúp giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do tiếp xúc thụ động với khói thuốc.

Bác sĩ Phạm Thị Hoàng Anh cho hay, tác hại của khói thuốc lá đối với nhà hàng cũng không ít. Trước hết là tổn hại sức khỏe nhất là với nhân viên và khách; tăng ngày nghỉ làm của nhân viên do mắc các bệnh liên quan đến hút thuốc. Tiếp đó là tổn hại về kinh tế do khói thuốc lá ảnh hưởng xấu tới sức hấp dẫn của nhà hàng, làm tăng nguy cơ cháy nổ.

Môi trường không khói thuốc trong nhà hàng trước hết đem lại những lợi ích đáng kể, như giảm thiệt hại kinh tế cho chính cơ sở kinh doanh này. Trong đó, giảm rõ rệt nguy cơ cháy nổ, giảm nguy cơ nhân viên bị ốm và mắc bệnh liên quan đến khói thuốc lá, tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, việc thu hút nhiều khách hàng, tăng lợi nhuận là điều thấy rõ, vì NHKKT tạo dựng hình ảnh một nhà hàng sang trọng, văn minh, lịch sự, an toàn với khách, qua đó góp phần làm tăng sự hài lòng của khách. Trong thực tế, người hút thuốc lá chỉ là thiểu số, chiếm khoảng 77,5% người trưởng thành không hút thuốc lá. “89,4% khách hàng không hút thuốc lá cảm thấy không thoải mái khi ăn nếu hít phải khói thuốc hay nhìn thấy người hút thuốc trong nhà hàng” là kết quả từ một khảo sát của Hội Y tế công cộng và Health Bridge Canada gần đây.

Từ đó, bà Hoàng Anh đề cập tới tám tiêu chí để xây dựng NHKKT, bao gồm: Có nội dung hoặc biển báo cấm hút thuốc lá trong nhà hàng; Không có gạt tàn, bật lửa trên bàn; Không có hiện tượng hút thuốc lá và không có đầu mẩu thuốc lá trong nhà hàng; Không bán thuốc lá trong nhà hàng; Không quảng cáo, khuyến mại và tiếp thị thuốc lá trong nhà hàng; Không nhận hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của công ty thuốc lá hay các tổ chức liên quan đến công ty thuốc lá; Thường xuyên nhắc nhở khách hàng không hút thuốc lá trong nhà hàng; Có hình thức xử phạt với nhân viên hút thuốc lá trong nhà hàng.

Tại Hà Nội, sau ba năm triển khai thực hiện Luật PCTHTL, hiện nay có nhiều nhà hàng thực hiện thành công mô hình không khói thuốc như: Lẩu nấm Gia Khánh (quận Ba Đình), Hải Mã (quận Cầu Giấy), Cơm chay nàng Tấm (quận Hoàn Kiếm) Lẩu Sauna (quận Tây Hồ)… Kinh nghiệm của các doanh nghiệp cho thấy những kết quả tích cực trong quá trình thực hiện mô hình NHKKT, qua đó chứng minh, hoàn toàn có thể làm được nếu như chủ nhà hàng thực sự quyết tâm và cam kết thực hiện.

Để luật đi vào cuộc sống

Bà Đoàn Thị Thu Huyền (Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế), cho hay, từ giữa tháng 11 đến ngày 31-12-2016, sẽ tổ chức thanh tra các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Hà Nội về việc thực hiện Luật PCTHTL, nhất là các quy định thực hiện NHKKT.

Từ thực tế thanh - kiểm tra các nhà hàng, bà Huyền dẫn chứng, nhiều quản lý nhà hàng cho rằng, chỉ có những sản phẩm như thuốc lá mới thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, còn xì gà, thuốc lào thì không. Bà Huyền nhấn mạnh, Luật PCTHTL định nghĩa thuốc lá là phạm trù rất rộng, sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá. Do đó, thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lào… cũng áp dụng quy định này.

Về địa điểm cấm hút thuốc lá theo Luật PCTHTL, có ba nội dung trọng tâm. Cụ thể là:

Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn cả trong nhà và trong phạm vi khuôn viên gồm cơ sở y tế, cơ sở giáo dục (trừ trường cao đẳng, đại học, học viện); cơ sở chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em, cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ gây cháy nổ cao.

Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn cả trong nhà gồm nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng khác (trừ khu vực cách ly của sân bay, quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch, tàu thủy, tàu hỏa…). Cấm hút thuốc hoàn toàn trên ôtô, máy bay, tàu điện.

Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá gồm khu vực cách ly của sân bay, quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch, phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa….

Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây: Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá, có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát, có thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Luật khuyến khích việc chuyển các địa điểm có nơi dành riêng cho người hút thuốc thành địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà.

Đại diện của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng nêu một số kinh nghiệm hay về thực hiện cấm hút thuốc lá tại nơi công cộng. Thí dụ, ở Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội), khoa - phòng nào để xảy ra trường hợp bệnh nhân hay người nhà của họ hút thuốc lá sẽ bị phạt 5 triệu đồng. Tập đoàn Than - Khoáng sản có thể cho thôi việc người hút thuốc lá. Có doanh nghiệp viễn thông tại TP Hồ Chí Minh thưởng một triệu đồng cho người lao động cai thuốc thành công, một năm không hút lại.

Một nghiên cứu mới đây của Đại học Y tế công cộng và tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam về đánh giá thực thi quy định NHKKT và sự ủng hộ của cộng đồng tại Hà Nội năm 2015-2016 cho thấy có những thay đổi tích cực. Tỷ lệ nhà hàng thực hiện quy định cấm hút thuốc lá tăng gần gấp đôi, từ 25,1% (2015) lên gần gấp đôi, 44,1% (2016).

Nghiên cứu được tiến hành tại 195 nhà hàng ăn uống có đăng ký kinh doanh trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình (Hà Nội) trong tháng 5 năm 2015 và đánh giá lại vào tháng 9 năm 2016.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc triển khai thực thi NHKKT đã có những thay đổi tích cực. Có 82,6% chủ nhà hàng biết về Luật PCTHTL (tăng 12,3%) và 69,2% chủ nhà hàng biết về quy định cấm hút thuốc lá trong nhà hàng (tăng 14,8%). Có tới 85,6% chủ nhà hàng/người quản lý nhà hàng và 85% khách hàng ủng hộ việc thực thi môi trường không khói thuốc.

Cùng với đó, ở những nhà hàng thực thi quy định, lượng khách hàng và doanh thu không có sự thay đổi (hơn 90%), thậm chí còn tăng lên (8,1% với doanh thu và 5,7% với lượng khách hàng). Kết quả này cũng đồng nhất với kết quả từ như nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy thực thi quy định không hút thuốc không những không ảnh hưởng đến doanh thu mà còn có tác động tích cực đến việc kinh doanh của các nhà hàng.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy những thách thức trong việc thực thi. Ngay đối với các nhà hàng có quy định việc thực hiện đầy đủ các tiêu chí NHKKT còn hạn chế và chưa đồng bộ, tỷ lệ thực hiện các tiêu chí về nhân viên nhắc nhở khách hàng không hút thuốc và có hình thức xử phạt đối với nhân viên hút thuốc trong nhà hàng còn thấp (51,2% và 30,2%). Theo phản ánh của khách hàng, chỉ có 25% khách hàng nhìn thấy có nhân viên nhắc nhở khách hút thuốc trong các nhà hàng có quy định cấm. Đối với những nhà hàng đang triển khai quy định thì sợ mất lòng khách vẫn là khó khăn lớn nhất (25,6%), tiếp theo đó là ý thức của khách hàng (22,1%). Với những nhà hàng chưa thực hiện, lý do/rào cản lớn nhất để chưa triển khai là sợ mất khách (40,4%), sợ mất lòng khách (30,3%) và ý thức của khách (30,3%).

Ngoài ra, các chủ hàng hiểu về các tiêu chí xây dựng NHKKT có xu hướng thực hiện quy định cấm hút thuốc trong nhà hàng nhiều gấp ba lần so với các chủ cửa hàng có ít hiểu biết về các tiêu chí xây dựng. Những cửa hàng tham gia và được tập huấn về NHKKT có xu hướng thực hiện quy định gấp khoảng hai lần so với những nhà hàng không được tập huấn.

Thứ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh, Quyết định của Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020” xác định, việc thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá là giải pháp chủ đạo. Do đó, đẩy mạnh nâng cao công tác truyền thông, thực hiện NHKKT có vai trò quan trọng nhằm nâng cao ý thức của các tổ chức cá nhân trong thực hiện pháp luật về môi trường không khói thuốc. Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã và đang tham gia tích cực trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, không tránh khỏi những hạn chế.

Để quy định về NHKKT đi vào cuộc sống, cũng như giúp tất cả các nhà hàng thực hiện quy định này không phải là việc làm trong “một sớm một chiều”, từ đó cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, tổ chức, cá nhân; đặc biệt là cơ quan báo chí, thông tấn trong công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhất là việc thực hiện mô hình tích cực này.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31285002-nha-hang-khong-khoi-thuoc-can-nhan-rong-mo-hinh.html