Nhà hát Lớn Hà Nội rộng cửa đón các đơn vị nghệ thuật: Nóng câu chuyện về 'chất'!

Sáng 1/12, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã có cuộc họp với các đơn vị nghệ thuật cùng các đơn vị chức năng của Bộ đánh giá về kết quả thực hiện Kế hoạch biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội năm 2016.

Luồng gió mới với hoạt động nghệ thuật công lập

Đánh giá về kết quả của 11 chương trình được công diễn trong kế hoạch biểu diễn tại Nhà hát Lớn năm 2016, ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD cho rằng các nhà hát thuộc Bộ, các nghệ sĩ đã cảm nhận và xác định được trách nhiệm của mình đối với chất lượng nghệ thuật các chương trình, tác phẩm khi biểu diễn tại NHL.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tặng hoa các nghệ sĩ sau đêm diễn 30/11

Đã lên sân khấu là phải sang trọng, tinh tế

" Làm thế nào để mỗi nhà hát đều có những tên tuổi nghệ sĩ, ca sĩ gắn với thương hiệu nghệ thuật riêng là một đòi hỏi cấp bách. Các đơn vị nghệ thuật cũng phải cân nhắc, lựa chọn tiết mục đưa vào sân khấu của Nhà hát Lớn.

Đừng nghĩ một chương trình, một tiết mục có chất lượng là cứ phải mới lạ, phải đông người thể hiện... Có khi chỉ một giọng hát hay, một ngón đàn “độc” là có thể chinh phục và để lại ấn tượng khó quên đối với người thưởng thức."

(Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trao đổi với các nghệ sĩ sau đêm diễn chương trình Hương sắc Việt Nam tối 30/11/2016)

Các chương trình tham gia đợt biểu diễn đều được lựa chọn kỹ từ dàn kịch mục của các đơn vị đã được giới nghề nghiệp, khán giả công nhận về chất lượng nghệ thuật và nội dung.

Việc thường xuyên được biểu diễn ở NHL đã tạo nên luồng gió mới trong hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp công lập trong năm 2016 và nó đã thu hút không những khán giả trong nước mà còn nhiều du khách và người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại VN đến thưởng thức.

Một số loại hình nghệ thuật dân tộc như Tuồng, Chèo, Cải lương... hiếm khi có dịp trình diễn tại sân khấu Nhà hát Lớn nay đã có lịch biểu diễn định kỳ tại Nhà hát Lớn.

Đáng ghi nhận và tạo nên thành công trong đợt biểu diễn năm 2016 là công tác truyền thông, quảng cáo. Văn phòng Bộ phối hợp với Cục NTBD và 11 nhà hát đã thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch biểu diễn. Đài THVN cũng dành những khung giờ vàng giới thiệu về kế hoạch biểu diễn.

Các báo thuộc Bộ liên tục cập nhật các buổi biểu diễn, ghi lại không khí trước, trong và sau mỗi buổi biểu diễn. Đặc biệt công tác kêu gọi tài trợ mà văn phòng Bộ là đầu mối đã thu hút được tài trợ để đảm bảo kinh phí cho các buổi biểu diễn...

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tặng hoa các nghệ sĩ sau đêm diễn 30/11

Các nhà hát cần biết lượng sức mình

5 chương trình "ấn tượng nhất"

Theo thăm dò “bỏ túi” của nhóm phóng viên văn hóa, văn nghệ Báo Văn Hóa đối với những người có điều kiện theo dõi đầy đủ các chương trình đã công diễn tại NHL thì kể từ chương trình đầu tiên cho đến chương trình tối 30.11, những chương trình để lại ấn tượng nhất gồm:

Hòa nhạc Giao hưởng đặc biệt I (Dàn nhạc Giao hưởng VN);

Vua Thánh Triều Lê (Nhà hát Cải lương VN);

Chương trình Âm nhạc và các trích đoạn chèo truyền thống mẫu mực (Nhà hát Chèo VN);

Công lý không gục ngã (Nhà hát Tuổi trẻ);

Vũ điệu Hoa quỳnh(Nhà hát Múa rối VN).

Trong đánh giá, Cục NTBD cũng nêu ra những hạn chế cần được khắc phục trong kế hoạch 2017 như: các nhà hát còn bị động, lúng túng trong việc thực hiện kế hoạch.

Các chương trình nghệ thuật, tác phẩm biểu diễn theo kế hoạch được duyệt còn thay đổi dẫn đến hiệu quả của công tác truyền thông, quảng cáo đến khán giả còn hạn chế.

Công tác phối hợp, tổ chức phát hành vé cũng như in ấn giới thiệu chương trình còn thiếu đồng bộ, chậm.

Một số chương trình, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống không được dàn dựng thiết kế biểu diễn riêng cho sân khấu Nhà hát Lớn dẫn đến những mặt hạn chế như thiết kế không gian vở diễn, chương trình chưa tạo nên hiệu quả thị giác tốt, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, phục trang đôi lúc chưa phù hợp với không gian Nhà hát Lớn.

Nhìn vào kế hoạch đăng ký biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật tại Nhà hát Lớn năm 2017 có rất nhiều đơn vị đăng ký với số lượng buổi diễn khá cao nhưng cũng có nhà hát đăng ký 5 - 7 suất diễn nhưng khi trao đổi thì xin giảm xuống 3 - 4 suất...

Chương trình Hòa nhạc Giao hưởng đặc biệt 1 mở màn cho các chương trình nghệ thuật chất lượng cao vào NHL (tối 30/8). Ảnh: Tr.Huấn

Trao đổi về chất lượng của tác phẩm, NSND Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc VN cho biết: “Việc đăng ký tác phẩm biểu diễn năm 2017 chúng tôi tự thấy cần cân nhắc, lựa chọn kỹ hơn ngay từ nhà hát. Có một vấn đề là có những chương trình theo lăng kính của nhà hát thì tốt, có chất lượng nhưng chưa chắc khán giả đã thích”.

Ông Vinh đề nghị kế hoạch diễn năm 2017 nên được lập sớm và có website, thông tin truyền thông riêng song hành với kế hoạch quảng cáo truyền thông chung.

Bà Ngô Thanh Thủy, Giám đốc Nhà hát Múa rối VN đề nghị phải tính tới việc trang bị một hệ thống âm thanh, ánh sáng cho riêng sân khấu NHL để các nhà hát không phải mang theo trang thiết bị âm thanh, ánh sáng sẽ đỡ tốn kém và không mất thêm thời gian vận chuyển, lắp ráp và vận hành.

Bà Thủy còn cho biết thêm, do mới bắt đầu biểu diễn ở NHL nên việc bán vé, doanh thu, khai thác thị trường vẫn chưa được như ý, bà Thủy lấy ví dụ chương trình rối cạn của Nhà hát mặc dù rất hay và đối tượng được mở ra rộng hơn là khán giả lớn tuổi nhưng cũng bị vấp phải thói quen trong quan niệm múa rối là của... thiếu nhi nên số vé bán ra ít.

NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch VN cũng cho biết khán giả truyền thống của NH cũng chưa quen với mức giá xem biểu diễn tại NHL, đây cũng là khó khăn NH phải tính tới.

Kết luận buổi họp, ông Nguyễn Đăng Chương cho rằng các nhà hát nên chọn lọc lại kỹ hơn để chương trình biểu diễn năm 2017 sẽ phải hay và đạt hiệu quả cao hơn chương trình đã diễn. Các bộ phận quảng cáo, tổ chức biểu diễn của các nhà hát cần gắn bó chặt chẽ với bộ phận tuyên truyền của Nhà hát Lớn để có kế hoạch quảng bá sớm.

Thúy Hiền

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/nha-hat-lon-ha-noi-rong-cua-don-cac-don-vi-nghe-thuat-nong-cau-chuyen-ve-chat-d30488.html