Nhà hát Lớn tìm 'đặc sản' đãi du khách

Theo dự kiến, từ tháng 6.2017, Nhà hát Lớn (Hà Nội) sẽ mở cửa đón du khách tham quan và thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Nhà hát Lớn (Hà Nội)

Trong tuần trước, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL), Tổng cục Du lịch VN, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Nhà hát Lớn đã tổ chức cuộc gặp gỡ, lấy ý kiến của đại diện một số công ty lữ hành về việc xây dựng chương trình cho Nhà hát Lớn. Ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist - cho biết: “Chương trình tại Nhà hát Lớn là sản phẩm du lịch đặc thù mà chúng tôi rất mong đợi”. Tuy nhiên có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc xây dựng sản phẩm du lịch cho Nhà hát Lớn.

Không nên chỉ có Nhà hát Lớn

Nhà hát TP.HCM cũng lên kế hoạch đón du khách

Theo ông Lê Hữu Luận, Giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM, đơn vị quản lý Nhà hát TP.HCM, những năm gần đây nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử nhà hát của du khách rất lớn, vì đây là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Do đó, ông đã trình Sở VH-TT TP.HCM dự án kết hợp cho du khách tham quan và thưởng thức nghệ thuật tại nhà hát. Tuy nhiên do vị trí nhà hát gần tuyến metro đang thi công, nên phải đến khi công trình này hoàn thành, lúc đó nhà hát mới có “công năng” mới, vừa là điểm đến tham quan vừa thưởng thức các chương trình nghệ thuật từ xiếc, múa hiện đại, ca múa nhạc đến giao hưởng - vũ kịch... Ông cũng cho biết thêm, trong năm 2016, nhà hát đã phục vụ hơn 400 suất diễn, trong đó khách du lịch chiếm phần lớn khán giả. Vì vậy trong dự án tham quan nhà hát, giờ tham quan được ông đề xuất từ 9 - 16 giờ.

N.Vân

Ông Nguyễn Đình Thành (Th.S quản trị văn hóa tại Đại học Paris Dauphine, Pháp) nhìn nhận, để du khách thấy được giá trị văn hóa, lịch sử nổi bật của Nhà hát Lớn, cần đặt công trình này vào trong quần thể các công trình được xây dựng khi người Pháp tiếp xúc với nền văn hóa VN. “Nhà hát Lớn là một phần lịch sử giao lưu giữa Pháp và VN, cũng là giao lưu văn hóa Đông - Tây. Bởi vậy, cần đặt Nhà hát Lớn trong một tour văn hóa chứ không thể tách riêng”, ông Thành nói. Ý ông muốn nói đến các công trình kiến trúc Pháp cuối thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20 như bảo tàng đầu tiên của Hà Nội có tên Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử VN), Ngân hàng Đông Dương (nay là Ngân hàng Nhà nước VN)...

Bên cạnh đó, trong nội dung chương trình (thuyết minh, hình ảnh...), cần đặt Nhà hát Lớn trong mối tương quan với Nhà hát Opéra Garnier (Paris, Pháp) - mẫu nhà hát mà người Pháp đã xây dựng cho Nhà hát Lớn, phong cách sống của người VN vào đầu thế kỷ 20, những mốc lịch sử của dân tộc VN như Cách mạng Tháng Tám, các tác phẩm văn học nghệ thuật, trong đó có những sự kiện diễn ra hoặc nhắc đến Nhà hát Lớn.

Chương trình không quá hàn lâm

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện, chương trình biểu diễn nghệ thuật có thể kéo dài 30 phút, không nên quá hàn lâm, mà cần nhẹ nhàng, tươi vui, thể hiện văn hóa VN, giá trị tinh túy của các loại hình nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thư giãn, giải trí của du khách sau khi tham quan Nhà hát Lớn.

Ông Nguyễn Đình Thành cho rằng Nhà hát Lớn vốn được coi là “thánh đường nghệ thuật”, bởi vậy những chương trình nghệ thuật biểu diễn phục vụ du khách phải phù hợp với nghệ thuật hàn lâm của VN và thế giới. “Mỗi chương trình biểu diễn chỉ dài khoảng 30 phút với phần biểu diễn của các nghệ sĩ VN về những tác phẩm nổi tiếng, dễ nghe của thế giới và những bản nhạc xuất sắc của VN”, ông Thành nói. Theo ông, nên nghĩ đến việc Nhà hát Lớn cần có đoàn nghệ thuật riêng biểu diễn thường xuyên tại nhà hát, và không nên đưa những chương trình nghệ thuật truyền thống vào phục vụ du khách. “Theo quan điểm của tôi, Nhà hát Lớn nên dành cho âm nhạc hàn lâm phương Tây hoặc mang âm hưởng phương Tây. Chèo, tuồng, cải lương, ca trù... được biểu diễn ở nhiều nhà hát truyền thống như rạp Chuông Vàng, Hồng Hà... và các địa điểm xung quanh hồ Gươm. Du khách muốn thưởng thức âm nhạc VN đương đại thì có thể đến phố đi bộ dịp cuối tuần. Chúng ta có thể kết nối các địa điểm này với nhau cùng Nhà hát Lớn để phục vụ du khách”, ông Thành bày tỏ.

Ông Lưu Đức Kế cũng nhìn nhận, du khách có thể thưởng thức những loại hình nghệ thuật truyền thống ở nhiều địa điểm khác nhau. Ngoài ra, có một thực tế là các tour đang bị “bội thực” show diễn. Chẳng hạn với múa rối nước, tại Quảng Ninh có 2 nơi biểu diễn, ở Hà Nội cũng 2 nơi. “Đi đến đâu cũng biểu diễn múa rối... thì sẽ trùng lặp. Bởi vậy, khi đã đưa chương trình vào Nhà hát Lớn phải chọn những chương trình thật nổi bật, đặc trưng và thể hiện tính vùng miền. Chẳng hạn vào miền Trung thì du khách nghe nhã nhạc cung đình Huế, chứ không phải nghe ở Nhà hát Lớn”, ông Kế nói. Cũng theo ông, các chương trình biểu diễn cần được quảng bá rộng rãi để du khách có thể trở lại thưởng thức nhiều lần chứ không nhất thiết đi theo công ty lữ hành.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn - đơn vị được Bộ VH-TT-DL giao trách nhiệm thẩm định nội dung các tác phẩm nghệ thuật trình diễn cho du khách, cho biết: “Hiện Cục đang xem lại, hoàn thiện nội dung”. Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch VN, cho hay các tác phẩm biểu diễn sẽ được tổng duyệt với sự tham gia góp ý của các công ty lữ hành trước khi đi vào phục vụ du khách. Theo bà Hương, sau khi chương trình tham quan và biểu diễn tại Nhà hát Lớn được hoàn thiện sẽ được quảng bá rộng rãi tới các công ty du lịch, công ty lữ hành, du khách.

Về việc quảng bá sản phẩm du lịch, ông Nguyễn Đình Thành cho rằng cách tốt nhất là dùng internet và mạng xã hội, công cụ truyền thông cần thân thiện với các thiết bị di động. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng cần có những chỉ dẫn du lịch cụ thể trên cả nước, như địa điểm ăn, chơi ở đâu... tại từng địa phương tới du khách.

Khai thác nhà hát cổ nhất VN

Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko cùng đoàn tùy tùng Hoàng gia Nhật Bản thưởng thức nhã nhạc tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Huế) hôm 4.3.2017

Duyệt Thị Đường là nhà hát cổ nhất VN, được xây dựng vào năm 1826 tại Huế dưới triều vua Minh Mạng, là nhà hát dành cho vua và những người trong hoàng tộc thưởng thức các loại hình nghệ thuật. Đây cũng là nơi trình diễn nghệ thuật chiêu đãi sứ thần các nước. Từ năm 2004, sau khi Nhà hát Duyệt Thị Đường được trùng tu, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô (BTDTCĐ) Huế đã tổ chức biểu diễn nhã nhạc, múa cung đình và tuồng cung đình nhằm giới thiệu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể để phục vụ du khách.

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, nhà hát có bán vé cả trong tour của các đơn vị lữ hành lẫn cho du khách có nhu cầu xem biểu diễn nghệ thuật. Những năm qua, lượng khách tham gia thưởng thức các chương trình nghệ thuật ở Nhà hát Duyệt Thị Đường ngày một tăng, chủ yếu là du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu văn hóa, di sản. Đặc biệt, các đoàn nguyên thủ quốc gia, khách mời nhà nước đến Huế luôn quan tâm thưởng thức nghệ thuật tại nhà hát này.
“Ví như đoàn Nhật Hoàng vừa qua sau khi thưởng thức nhã nhạc ở Nhà hát Duyệt Thị Đường, về nước vẫn bày tỏ mong muốn mời đoàn nhã nhạc Huế sang Nhật biểu diễn cho Hoàng gia Nhật thêm lần nữa”, ông Hải cho biết.

Trong năm 2015, Trung tâm BTDTCĐ Huế sau khi trùng tu hai công trình kiến trúc Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ (thuộc quần thể lăng vua Tự Đức, tại P.Thủy Xuân, TP.Huế) cũng đã mở cửa không gian trưng bày và biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách. Chương trình nghệ thuật tại Xung Khiêm Tạ được tổ chức thường xuyên trong ngày và phục vụ miễn phí cho du khách.

Bùi Ngọc Long

Ngọc An

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/nha-hat-lon-tim-dac-san-dai-du-khach-832143.html