Nhà mạng, khách hàng cùng chịu thiệt

Thời gian qua, các tuyến cáp quang biển liên tục bị đứt, khiến kết nối internet trong nước đi quốc tế bị trục trặc, ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng. Cùng với đó, nhà mạng cũng chịu thiệt hại lớn khi phải tăng chi phí sửa chữa, bảo dưỡng.

Từ năm 2015 đến nay, các tuyến cáp quang biển Châu Á - Thái Bình Dương (AAG), Liên Á (IA), SMW3 liên tục bị đứt, trong đó gặp sự cố nhiều nhất là Tuyến cáp quang biển (AAG). Tuy chưa có thống kê chính xác, song ước tính từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm các tuyến cáp quang này bị trục trặc 3 - 4 lần. Đặc biệt, trong ngày 27-8 vừa qua, cả 3 tuyến AAG, IA và SMW3 cùng bị đứt cáp và gặp sự cố...

Trao đổi với báo chí chiều 13-9, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cho biết, hầu hết các tuyến cáp quang biển đều có vị trí cập bờ tại những điểm được coi là trung tâm hàng hải quốc tế và khu vực, như Hồng Kông (Trung Quốc) hay Singapore - nơi có lượng lớn tàu thuyền qua lại. Vì nằm ngầm ở những khu vực cảng biển, nên cáp quang biển chịu rủi ro lớn khi các tàu trọng tải lớn nhổ neo, cập bến và có thể bị đứt bất cứ lúc nào.

Tương tự, một số tuyến có điểm cập bờ tại Việt Nam cũng hay bị sự cố do thềm lục địa của nước ta nông, nên khi tàu thuyền nhổ neo dễ gây ảnh hưởng đến cáp quang biển. Hơn thế, các tuyến cáp quang biển còn nằm ở khu vực đứt gãy của thềm lục địa, nên những biến động dưới đáy đại dương đều có thể tác động gây hỏng, đứt cáp. Những sự cố trên đều là bất khả kháng. Ngoài ra, theo ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, một trong những nguyên nhân khiến cáp quang biển AAG hay bị đứt có thể là do việc thiết kế chưa tốt. Do vậy, các tuyến cáp quang biển đưa vào sử dụng sau, như APG ít bị sự cố hơn.

Để bảo đảm chất lượng dịch vụ khách hàng, ngay sau khi xảy ra sự cố đứt cáp, các nhà mạng trong nước: VNPT, Viettel, FPT, CMC đều thực hiện phương án định tuyến lưu lượng. Trong đó, Viettel định tuyến lưu lượng quốc tế qua các hướng cáp quang trên đất liền qua Trung Quốc, Lào, Thái Lan. VNPT định tuyến các kênh của khách hàng bị ảnh hưởng sang các tuyến cáp quang biển quốc tế khác là APG và CSC...

Ngoài ra, để sửa chữa, đơn vị quản lý tuyến cáp phải làm thủ tục xin phép nước sở tại, nơi quản lý vùng biển có vị trí cáp bị đứt. Quá trình này phải mất vài ngày, sau đó mới được phép đưa phương tiện vào sửa chữa. Chưa kể, để duy trì bảo dưỡng hằng năm, các doanh nghiệp trong nước đều phải nộp phí cho đơn vị quốc tế quản lý tuyến cáp (đơn cử VNPT chi 2 triệu USD cho việc bảo dưỡng); và mỗi lần bị đứt cáp hay gặp sự cố, doanh nghiệp khai thác trên tuyến còn phải nộp phí sửa chữa.

Các nhà mạng cho biết, một suất đầu tư cho tuyến cáp quang biển tiêu tốn số vốn không nhỏ, lên đến 50 triệu USD, tương đương hơn 1.100 tỷ đồng. Hiện có Viettel chi 50 triệu USD đầu tư khai thác tuyến cáp quang biển AAE-1; VNPT chi 44 triệu USD cho tuyến APG, 12 triệu USD cho tuyến AAE-1... Song, dù phải chi phí đầu tư lớn, các doanh nghiệp vẫn phải chịu chi phí để bảo đảm chất lượng phục vụ khách hàng. Vì vậy, mỗi lần gặp sự cố, không chỉ khách hàng bị ảnh hưởng về chất lượng kết nối, các nhà mạng cũng chịu thiệt hại đáng kể.

Về mặt kỹ thuật theo quy định, các tuyến cáp quang biển được chôn sâu từ 1,5 đến 2m, được bọc 2 lớp thép, nhưng do là sợi quang, nên khi bị tác động va đập của tàu bè, cáp quang rất dễ bị cong, vênh, đứt.

Việt Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Cong-nghe/877901/nha-mang-khach-hang-cung-chiu-thiet