Nhà máy giấy Lee&Man chạy thử gây ô nhiễm: Không khó đoán

Chưa được duyệt vận hành chính thức, nhà máy giấy Lee&Man tiếp tục xả thải bức xúc.

Tiếp tục câu chuyện xả thải từ nhà máy giấy Lee&Man (địa chỉ tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, Hậu Giang) ra môi trường, chưa khi nào người dân sống xung quanh nhà máy chưa chịu muôn đường khổ vì khói bụi than đá và mùi hôi của nước thải công nghiệp.

Lee&Man vận hành thử, xả thải nặng.

Mới đây, theo phản ánh của người dân với Tuổi trẻ, mùi hôi xuất phát từ nhà máy giấy giống như mùi hầm cầu, còn mùi than đá bay ra rất khó chịu trong 4 - 5 ngày gần đây. Mùi hôi càng nồng nặc hơn không những vào buổi chiều như từ trước đó mà còn hôi vào buổi sáng.

Phản ánh với tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, người dân sống cách nhà máy khoảng 100m cho biết, gần đây, từ lúc chiều tối đến khoảng 5h sáng, phía bên nhà máy giấy xuất hiện 2-3 cột khói màu trắng đục cao khoảng 5-10 mét, có mùi giống axít, rất khó chịu.

Khi trời không gió, các cột khói bay thẳng lên trời thì không sao, nhưng khi có gió thổi theo hướng từ nhà máy qua khu dân cư, khoảng 15-20 phút sau, làn da của bà con có cảm giác khô, căng như có con gì châm chích.

Người dân cho rằng, sau khi nhà máy khắc phục sự cố, thì đúng là mùi hôi có giảm, nhưng khoảng 10 ngày gần đây, mùi hôi như gầm cầu lại nồng nặc trở lại.

Ngoài mùi hôi, nước sông khu vực xung quanh nhà máy khi người dân bơm lên sử dụng, thì khi để qua đêm là xuất hiện tình trạng “nhớt nhớt” ở bề mặt vật dụng tiếp xúc với nước.

Trước đó, vào tháng 3 năm nay, Lee&Man đã cho vận hành thử nghiệm nhà máy giấy và ghi nhận phát tàn mùi hôi ra môi trường. Sau vận hành thử, Lee&Man cam kết sẽ khắc phục theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Trong buổi đối thoại chiều 3/4 giữa người dân và nhà máy, ông Trần Phong, Cục trưởng Cục Môi trường miền Nam, Tổng cục Môi trường cho biết, Lee&Man cam kết khắc phục bụi và tiếng ồn trong tháng 4, đầu tháng 5 sẽ xử lý mùi hôi phát tán.

Ông Phong cũng yêu cầu sau khi thực hiện xong các giải pháp khắc phục thì Lee&Man phải công khai kế hoạch hoạt động của nhà máy liên quan đến vấn đề môi trường để người dân theo dõi, giám sát và thông báo với cơ quan có thẩm quyền khi có sự cố về môi trường xảy ra.

Ông Phong cho rằng, Lee&Man đã đầu tư lớn nên sẽ không muốn phải đóng cửa nhà máy. Do vậy, nếu vi phạm pháp luật Việt Nam, Lee&Man sẽ phải trả giá.

Nhưng 6 tháng qua, đánh giá của cơ quan chức năng trong lĩnh vực môi trường chưa ghi nhận Lee&Man hoàn thành công trình bảo vệ môi trường. Do vậy, cho tới nay, Lee&Man chưa được vận hành chính thức nhà máy giấy.

Làm công nghiệp giấy không thể không ô nhiễm

Trước việc Lee&Man không khắc phục nổi ô nhiễm sau suốt 6 tháng tiến hành sửa chữa hệ thống thải, nhiều nhà khoa học đã lên tiếng về việc làm công nghiệp giấy ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân.

TS. Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về tài nguyên, môi trường- đã từng nêu rõ, các nhà máy sản xuất giấy, thép, hóa chất… được xếp vào loại báo động vì chất xả thải độc ra môi trường nhưng công nghiệp giấy còn bị xếp vào loại gây ô nhiễm còn hơn cả công nghiệp khai khoáng.

Công nghiệp giấy phải khai thác các nguồn xenlulozo tự nhiên (rừng) và sử dụng nhiều chất tẩy độc hại trong quá trình sản xuất. Đặc biệt việc tái chế giấy càng thải ra nhiều chất độc hại và nguy hiểm.

Giáo sư Lê Huy Bá, nguyên Viện Trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường, Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết thêm, làm công nghiệp giấy chắc chắn phải cần tới xút (NaOH) để tẩy trắng dù Lee&Man liên tục khẳng định không sử dụng xút trong quá trình vận hành. Chất thải từ xút sau đó mới gây nên các mùi hôi thối khó chịu.

Ông Bá cũng cho rằng, công nghệ sản xuất giấy của Lee&Man từ Trung Quốc là công nghệ rất lạc hậu nên các chất thải từ đó không được xử lý rốt ráo.

Đặc biệt, nơi đặt vị trí nhà máy giấy này lại nằm ở vùng khó thoát thủy vì là vùng trũng, lòng chảo, xung quanh có rất nhiều kênh rạch sẽ bị nhiễm chất thải và ảnh hưởng cực lớn đến nguồn đất, nước, vùng nuôi tôm, nuôi cá...

Nếu không thể giải quyết triệt để việc xả thải của Lee&Man, một bài học về môi trường như thảm họa Formosa sẽ là điều khó tránh khỏi.

Bản đồ vị trí nhà máy giấy Lee & Man tại Hậu Giang.

Một số các nhà máy giấy khác như Tân Mai ở Đồng Nai và nhà máy giấy An Hòa ở Tuyên Quang cũng đã ghi nhận việc xả thải ra môi trường ảnh hưởng đến người dân dù công nghệ không phải Trung Quốc.

Ví dụ, nhà máy giấy An Hòa ở Tuyên Quang có thiết bị chủ yếu từ Thụy Điển và Phần Lan. Công nghệ có thể tiên tiến hơn nhưng từ khi đi vào sản xuất cho đến nay luôn bị cơ quan chức năng ‘thổi còi’ vì xả trộm nước thải, nguồn nước thải không đạt tiêu chuẩn mặc dù có hệ thống xử lý, mùi hôi bốc lên quanh nhà máy hơn cây số và nước thải đổ ra sông Lô làm biến đổi màu nước sang đỏ sậm...

Việc Lee&Man tiếp tục thực hiện cam kết của mình trong xử lý nước thải là điều bắt buộc phải làm nếu muốn được phép vận hành nhà máy. Tuy nhiên, nếu tiếp tục tình trạng vận hành "thử mãi" như hiện nay, cuộc sống của người dân Hậu Giang sẽ còn khốn khổ vì chờ đợi khắc phục và hy vọng vào cam kết của nhà máy.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/nha-may-giay-leeampman-chay-thu-gay-o-nhiem-khong-kho-doan-3342838/