Nhà máy nước của Cty Bình Minh ở Thanh Hóa có dấu hiệu bị 'bức tử'

Nhà máy nước của Công ty Bình Minh đã làm đơn kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ về UBND Tỉnh Thanh Hóa đã không khách quan cho rằng nhà máy làm ảnh hưởng môi trường đầu tư của tỉnh...

Ngay sau khi báo Kinh doanh và Pháp luật cùng một số báo khác của T.Ư có loạt bài phản ánh về những dấu hiệu thiếu minh bạch trong đầu tư dự án xây dựng nhà máy nước tại Hồ Quế Sơn của Công Ty Anh Phát - Công ty Sông Chu, “chồng lấn” đón đầu Nhà máy nước của Công ty TNHH Bình Minh (BM) đã có cách đây 10 năm, cũng như những lời tường trình sát thực, kêu cứu của Công ty xây dựng BM gửi Thủ Tướng Chính phủ.

Ngày 12/7/2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu UBND Tỉnh Thanh Hóa khẩn trương giải quyết phản ánh, kiến nghị của Công ty BM. Lẽ ra UBND Tỉnh Thanh Hóa phải tiến hành kiểm tra xem xét, tập trung đầu tư đường ống dẫn nước thô 90.000m3/ngày đêm từ Hồ Yên Mỹ về Hồ Đồng Chùa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thì việc cấp nước cho Nhà máy Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn trở nên dễ dàng và hiệu quả. Nhưng, đến nay UBND Tỉnh Thanh Hóa chưa làm việc với Công ty BM để giải quyết các kiến nghị chính đáng của họ như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, mà vẫn “còn tồn tại và sẽ là thách thức” trong nỗ lực thu hút đầu tư hiện nay của Thanh Hóa. Vậy sự thật nằm ở đâu!?

Văn phòng nhà máy nước của công ty Bình Minh ở Nghi Sơn, Thanh Hóa.

Để làm sáng tỏ và lý giải nguyên nhân dẫn đến những vấn đề bức xúc trên, Công ty BM lại một lần nữa làm báo cáo gửi Thủ Tướng Chính phủ với nội dung như sau: “... Thưa Thủ tướng Chính phủ! Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của UBND tỉnh Thanh Hóa là không khách quan, không đúng thực tế. Đồng thời đổ lỗi cho Công ty BM làm ảnh hưởng môi trường đầu tư của tỉnh, chúng tôi nhận thấy đây là một kết luận sai trái”.

Trong báo cáo còn nêu rõ: “Chính UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định chủ trương đầu tư nhà máy nước 60.000m3/ ngày đêm tại Hồ Quế Sơn là vi phạm quy hoạch khu KT Nghi Sơn được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1364/QĐ-TTg ngày 10/10/2007; trong khi đã có nhà máy nước 90.000m3/ ngày đêm của Công ty BM. Việc Tỉnh Thanh Hóa Quyết định chủ trương đầu tư hệ thống cấp nước KKT cho Liên doanh Công ty Anh Phát - Sông Chu chỉ trong vòng 4 ngày (từ ngày 6/6 đến ngày 10/6/ 2016) bỏ qua nhiều bước thủ tục hồ sơ là vi phạm Điều 33 của Luật đầu tư 2014 quy định về hồ sơ, thủ tục, trình tự ra quyết định đầu tư...”.

Lại nữa, ngày 16/6/2016, Công ty Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn đã phản ánh tình hình cấp nước của Công ty BM cho nhà thầu JGCS thiếu chính xác, không khách quan, cũng là một trong những nguyên nhân “ góp” phần để UBND Tỉnh ra quyết định đầu tư nhà máy nước tại Hồ Quế Sơn? Việc làm trên của Công ty Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn không khác gì “đổ thêm nước lã vào thùng rượu”, và khơi sâu thêm khó khăn cho BM, vốn không có sự ưu ái” như Liên doanh Anh Phát - Sông Chu!?

Đây rõ ràng phải được xem như những cảnh báo nhãn tiền, cái chết được dự báo trước đối với Công ty BM!? Trong khi đó, thực tế việc cấp nước của BM hoàn toàn khác với nội dung mà văn bản 375/NSRP-HTC của Nhà máy Lọc Hóa Dầu đã nêu. Cụ thể áp lực nước đo tại đồng hồ nhà máy Lọc Hóa Dầu ngày 15/6/2016 đạt 3,6 Bar (cao hơn hợp đồng là 0,6 Bar); số lượng nước đạt 1.100m3/ngày đêm).

Về chất lượng nước hoàn toàn đạt tiêu chuẩn của Trung tâm y tế dự phòng Tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt theo kết quả thử nghiệm của Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường - Bộ Y tế ngày 23/6/2016 thì chất lượng nước của Nhà máy nước Công ty BM đạt 109 chỉ tiêu chất lượng...”. Vậy hà cớ gì Công ty Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn lại dành nhiều công sức để “chăm chút” cho nội dung này “kỹ lưỡng” đến vậy!?

Mặt khác, UBND Tỉnh Thanh Hóa, đưa ra lý do KKT Nghi Sơn được mở rộng từ 18.000 ha lên 106.000ha để quyết định đầu tư nhà máy nước số 2 tại Hồ Quế Sơn là không đúng. Bởi KKT Nghi Sơn được mở rộng về phía Bắc và phía Tây (chứ không được mở rộng về phía Đông, phía Nam). Ngược lại, Tỉnh cho đầu tư nhà máy nước tại khu vực phía Đông - Nam KKT Nghi Sơn chỉ cách nhà máy nước của Công ty BM 4km (theo đường thẳng) là vô lý, phá vỡ quy hoạch, tạo ra sự lãng phí vốn đầu tư, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và có nguy cơ không phục vụ được cho Nhà máy Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn?

Ông Tào Quốc Tuấn lý giải: vùng cấp nước của Công ty BM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1364/ QĐ-TTg, nay UBND Tỉnh Thanh Hóa lại Quyết định cho đầu tư thêm một nhà máy nước tại Hồ Quế Sơn nằm trong vùng quy hoạch của Công ty BM, tìm cách chia đôi thị phần cấp nước của Công ty BM. Khi thị phần BM bị giảm đi 50% thì làm sao kinh doanh tốt được?

Trong khi đó, tại điểm 5 của báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND Tỉnh Thanh Hóa còn nêu: “Thanh Hóa đang quy hoạch vùng cấp nước cho Công ty BM và Công ty Anh Phát - Sông Chu để hai Nhà máy đều tiêu thụ được nước sản Xuất ra...”. Đây là sự động viên “lấy được”, càng không phải là cách mời chào theo kiểu “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư “bằng mọi giá”. Việc làm trên không những đã gây “sốc” cho Công ty BM, mà còn để lại cho giới đầu tư một nỗi khiếp đảm, tiếc nuối; chẳng khác gì gặp sạn trong miếng cơm trước những hình ảnh, những cách ứng xử như trên.

Đây chính là cách gây áp lực cho Công ty BM. Đồng thời dẫn đến sự lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng môi trường đầu tư của Tỉnh Thanh Hóa. Đây là cuộc cạnh tranh không lành mạnh. Mặt khác, tỉnh Thanh Hóa chủ trương đầu tư Nhà máy nước 60.000m3/ngày đêm tại Hồ Quế Sơn, trong phạm vi 4km, có 2 nhà máy nước với công suất 150.000m3/ngày đêm sẽ tạo ra lượng nước dư thừa quá lớn.

Trong khi đó, hiện tại nhà máy nước BM mới cung cấp được 10.000m3/ngày đêm.Vì vậy, với trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân, ông Tào Quốc Tuấn đã tường trình chu toàn lôgic, khoa học với Thủ tướng Chính phủ: “Đây là một quyết định bất chấp quy luật kinh tế, không tôn trọng và bảo hộ lợi ích nhà đầu tư trước là Công ty BM. Điều lo ngại nhất sẽ dẫn đến Nhà máy nước của BM và dự án Nhà máy nước của Liên doanh Công ty Anh phát - Sông Chu sẽ hoạt động không có hiệu quả và có nguy cơ thua lỗ, phá sản. Và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp nước cho Nhà máy Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn. Đây cũng là lý do khiến Công ty BM lo lắng, buộc phải có những kiến nghị khẩn thiết lên Thủ tướng Chinh phủ!

Cũng theo ông Tào Quốc Tuấn, thì các lý do và ý kiến của UBND Tỉnh Thanh Hóa trình Thủ tướng Chính phủ không mấy thuyết phục trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh hết sức khốc liệt hiện nay. Việc này không những tạo thêm “gánh nặng” cho Công ty BM mà còn cho các Công ty khác... Hơn lúc nào hết, bên cạnh ý chí và tập hợp ý chí của các doanh nghiệp, doanh nhân thì UBND tỉnh Thanh Hóa cần “đối thoại” cởi mở với doanh nghiêp, trong bối cảnh khi mà quá nhiều thông tin đang sói mòn lòng tin của doanh nghiệp về môi trường đầu tư ở Thanh Hóa.

Một trong những phương cách có thể tính đến là cần mở ra cuộc đối thoại với Công ty BM. Đối thoại để tìm ra lỗi của mỗi bên, tìm ra biện pháp khắc phục, mới mong đáp ứng được yêu cầu “cứu nguy” cho dự án cấp nước KKT Nghi Sơn ở thời điểm khắc nghiệt hiện nay, đồng thời kiện toàn cho chặt chẽ Luật Đầu tư, bởi chỉ có luật mới có khả năng chế tài, và Luật mới là công cụ giám sát có hiệu lực các cơ sở tham gia đầu tư trên “ lãnh thổ” Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung.

Nếu chỉ vì lợi ích nhóm, né tránh những điều gốc rễ cốt lõi, lại một lần nữa Thanh Hóa để mất cơ hội... Đừng để “giấc mơ con đè nát cuộc đời con”, đừng để “lòng ta hóa rêu phong” đối với những chuyện không đáng nhưng làm rúng động xã hội... Không thể một mình một chợ, mà sự thực phải là một bộ phận cấu thành hữu ích trong hệ thống vĩ mô của cả nước.

Hiện nay, đất nước đang rất cần cả sự cố kết lẫn sự cởi mở, từ cả bên trong lẫn bên ngoài để đối phó với đủ loại thách thức. Công cuộc cải cách, đổi mới toàn diện của chúng ta sẽ không đi đến đâu, nếu chúng ta thiếu dân chủ, thiếu minh bạch, thiếu đi sự chuẩn mực .v.v... vì quyền lợi của người này mà vứt bỏ người khác?

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chia sẻ: “Vai trò dân chủ rất quan trọng. Trong một gia đình, bố mẹ không tôn trọng con cái thì về sau con cái cũng không tôn trọng người khác. Một đất nước thiếu dân chủ thì lòng dân không yên”. Để kết thúc bài viết này, xin trích một đoạn trong báo cáo mà ông Tào Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty BM đã gửi cho Thủ tướng Chính phủ để bạn đọc cùng suy ngẫm:

“Kính thưa Thủ tướng Chính phủ! Trước và sau khi UBND Tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 1982/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy nước 60.000m3/ ngày đêm tại Hồ Quế Sơn – Khu KT Nghi Sơn, Công ty chúng tôi đã nhiều lần có văn bản gửi Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị hủy bỏ QĐ nói trên để đảm bảo hiệu quả đầu tư của Công ty chúng tôi và cũng là để đảm bảo cho việc cấp nước cho Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn, đảm bảo môi trường đầu tư của tỉnh.v.v...

Nhưng UBND tỉnh Thanh Hóa không quan tâm đến kiến nghị của Công ty chúng tôi. Chúng tôi thiết nghĩ UBND tỉnh Thanh Hóa đang cố tình bất chấp luật pháp, xem thường nhà đầu tư, xem thường dư luận, đi ngược lại sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi kính đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng, kiểm tra thực tế những nội dung mà UBND tỉnh Thanh Hóa và Công ty chúng tôi báo cáo để xem xét xử lý vụ việc được đúng đắn khách quan, giúp Công ty chúng tôi tránh được nguy cơ thua lỗ phá sản..

Nếu được Chính phủ quan tâm giúp đỡ, Công ty cam kết hoàn toàn có đủ khả năng cung cấp nước cho Nhà máy Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn hoạt động theo HĐ kinh tế mà Công ty chúng tôi đã ký với Công ty TNHH Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn ngày 28/2/ 2013. Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ!”.

Thiết nghĩ, các doanh nghiệp chính là lực lượng tạo ra của cải cho đất nước lại bị đánh giá thấp nhất, vì lợi ích nhóm, thiếu công tâm, công bằng, coi thường kỷ cương pháp, miệt thị thì tạo ra sự khủng hoảng niền tin, dẫn đến “lòng dân không thu về một mối”, mãi nghèo cũng là chuyện tất yếu, không thể khác. Báo Kinh doanh & Pháp luật muốn gửi tới các đồng chí lãnh đạo Tỉnh Thanh Hóa đôi điều tâm huyết ấy!?

Trần Trung /KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/nha-may-nuoc-cua-cty-binh-minh-o-thanh-hoa-co-dau-hieu-bi-buc-tu-p41224.html