Nhà máy nước… khát nước

Song hành cùng nổi khổ thiếu nước sinh hoạt của người dân TP HCM những ngày này, các nhà máy nước trên địa bàn cũng đang phải đối mặt với tình trạng… khát nước ngọt.

Trong khi nước mặn đã luồn sâu vào các cửa sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, nơi cấp nước trực tiếp đến các nhà máy xử lý nước ngọt cho TP HCM thì mực nước sông Đồng Nai lại liên tục xuống thấp. So với cùng kỳ năm 2009, mực nước đã giảm hơn 20 cm, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn sớm hơn hai tháng. Canh giờ hứng nước “Nếu tình trạng suy giảm mực nước và xâm nhập mặn trên sông Đồng Nai cứ tiếp tục thì các nhà máy nước hoạt động vì công nghệ xử lý nước thô tại tất cả các nhà máy đều không thể xử lý nước bị nhiễm mặn”, ông Trương Khắc Hoành, Phó tổng giám đốc Công ty CP cấp nước BOO Thủ Đức, nhấn mạnh.Theo ông Hoành, thời điểm này, nhà máy phải bố trí lấy nước vào giờ triều xuống, khi nước ngọt đã trở lại. Vì có những giờ độ mặn lên cao gần sát tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt là 200mg một lít (tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt là 250 mg một lít). Ông Hoành lo ngại: “Với quy mô 26 km đường ống chuyển tải, phục vụ cấp nước cho 5 quận huyện, chúng tôi rất lo sẽ khó xoay sở đủ nước phục vụ cho như cầu sinh hoạt của dân, khi mực nước mặn đang tiến rất sát”. Tương tự, nhà máy nước Tân Hiệp cũng đau đầu trước tình trạng nước mặn xâm nhập sớm trên sông Sài Gòn. Tại trạm bơm Hòa Phú, độ mặn có ngày lên đến 159 mg một lít. Nhà máy Tân Hiệp phải thường xuyên kiến nghị hồ Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn và lấy nước thô để xử lý. Những ngày qua, công ty khai thác thủy lợi Dầu Tiếng đã phải xả nước với lưu lượng 50 m3 mỗi giây để phục vụ cho nhà máy Tân Hiệp đẩy mặn. Theo thống kê, Sawaco mỗi năm phải trả nhiều tỷ đồng để Công ty khai thác thủy lợi Dầu Tiếng xả nước đẩy mặn. Điều báo động hiện nay là công nghệ xử lý mặn sử dụng tại Việt Nam hoàn toàn không thể xử lý triệt để độ mặn. Nếu muốn xử lý hoàn toàn, phải áp dụng công nghệ xử lý nhiễm mặn bằng hệ thống lọc thẩm thấu ngược (RO). Nhưng công nghệ này có giá đầu tư và chi phí vận hành rất lớn. Riêng chi phí cho điện cũng có thể gấp 5 - 10 lần so với bình thường. Cũng theo nhà máy nước Thủ Đức, nếu xâm nhập mặn tiếp tục theo hướng xấu đi, nhà máy phải dùng hệ thống bể chứa nước điều hòa tăng khối lượng dự trữ. Đồng thời, sẽ dừng sản xuất trong thời điểm độ mặn cao, tăng cường hoạt động vào những thời điểm độ mặn xuống thấp, để đảm bảo việc cấp nước đủ công suất. Tìm nguồn thay nước sông Sài Gòn Trước thực trạng nước mặn đe dọa, các nhà khoa học cũng như đại diện các đơn vị cấp nước đều cho rằng, cần tính đến phương án tìm nguồn nước thay thế nước sông Sài Gòn đang ngày càng ô nhiễm trầm trọng. Đồng thời, khẩn cấp quy hoạch hệ thống cấp nước, mà quan trọng nhất là bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Đồng Nai, bởi ô nhiễm từ thượng nguồn nên chất lượng nước sông Đồng Nai đang ngày càng xấu đi. Cùng với đó là việc phát triển và xây dựng nhiều nhà máy thủy điện ở đầu nguồn đã và đang làm thay đổi hệ sinh thái lưu vực sông, tác động đáng kể đến mực nước sông. “Các tỉnh trên lưu vực sông Đồng Nai phải có một quy hoạch tổng thể trên toàn khu vực, cũng như có tầm nhìn xa hơn trong quy hoạch vị trí lấy nước”, đại diện các nhà máy nước kiến nghị. Đồng tình với quan điểm cần nhanh chóng tìm nguồn nước thay thế nước sông Sài Gòn, tiến sĩ Nguyễn Hồng Bỉnh, nguyên Giám đốc Sở Thủy lợi thành phố “hiến kế”: nguồn thay thế này nên lấy từ hồ Dầu Tiếng, vì sẽ làm giảm thất thoát lượng nước thô. Bởi hiện tại, khi hồ Dầu Tiếng bán nước cho Tổng Công ty Cấp thoát nước Sài Gòn (Sawaco), mỗi giây xả được 20 m3 xuống sông Sài Gòn thì Sawaco chỉ nhận được 1/3, số còn lại không thể lấy được vì bẩn. Phong Khê

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Nha-may-nuoc-khat-nuoc/20103/85770.datviet